Người dân tham gia làm ngân sách minh bạch

(PLO) - Có thể các văn bản đã đề cập đến sự tham gia của người dân vào quá trình ngân sách nhưng thực tế người dân thực hiện quyền này như thế nào mới có tính quyết định tính công khai, minh bạch của ngân sách.
Cần tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng tham gia trực tiếp vào quá trình ngân sách
Cần tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng tham gia trực tiếp vào quá trình ngân sách

Trong khuôn khổ Dự án “thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước (NSNN)”, do Liên minh châu Âu (EC) tài trợ, Hội thảo “Công bố chỉ số công khai ngân sách 2015 và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách” được tổ chức sáng nay (14/1) đã cung cấp những đánh giá, khuyến nghị của cộng đồng quốc tế để đảm bảo sự công khai, minh bạch ngân sách khi thực thi Luật NSNN (sửa đổi) vừa được QH thông qua.

Với nguyên tắc NSNN là của người dân, do người dân và vì người dân, công khai minh bạch NSNN khi nhà nước công bố và người dân được biết 8 loại tài liệu NS. Ông Joel Friedman – Tổ chức hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) cho biết, kết quả khảo sát trong thời gian từ 2012-2105 cho thấy việc minh bạch NS đã có cải thiện đáng kể trên toàn thế giới.

Theo đó, năm 2015, Việt Nam đạt 18 điểm về minh bạch NS vì chưa công bố đề xuất NS, báo cáo kiểm toán muộn so với tiêu chuẩn quốc tế, công khai các tài liệu vẫn thiếu những thông tin cụ thể.

So với nhóm quốc gia cùng có điểm số thấp (dưới 60 điểm) về minh bạch NS, Việt Nam đã công bố 5/8 tài liệu NS chủ chốt (so với 2-3 tài liệu của các quốc gia khác trong nhóm) nên ông Joel Friedman đánh giá, “Việt Nam có nhiều khả năng cải thiện những hạn chế này để có thể đạt yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin về NSNN hiệu quả”.

Theo ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách Văn phòng QH, Luật NSNN (sửa đổi) có một số sửa đổi lớn về cơ chế làm cho NS mở hơn và tăng cường sự tham gia của người dân trong quy trình ngân sách và nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam chủ trì giám sát ngân sách tại cộng đồng. Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn Luật trong đó có chương về công khai ngân sách và giám sát của cộng đồng vào quá trình NS.

Nhưng với ông Juan Pablo Guerrero – chuyên gia Quỹ sáng kiến minh bạch tài khóa, “có thể văn bản đã đề cập đến sự tham gia của người dân vào quá trình NS nhưng thực tế người dân thực hiện quyền này như thế nào mới có tính quyết định”.

Do đó, một trong những giải pháp để cải thiện mức độ minh bạch, sự tham gia và giám sát của người dân vào NSNN theo các chuyên gia quốc tế  là tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng tham gia trực tiếp trong các tranh luận và thảo luận công khai về việc thiết kế và thực hiện chính sách tài khóa như tài liệu NS được công bố phải là công cụ để người dân thực hiện quyền giám sát ngân sách, trao quyền cho các tổ chức giám sát.

Đồng thời cơ quan lập pháp cần tổ chức các phiên điều trần công khai về NS của một số bộ, ban, ngành, cơ quan cụ thể, thiết lập cơ chế chính thức để công chúng tham gia vào quá trình NS, các cuộc điều tra kiểm toán, thiết lập một bộ  phận ngân cứu NS riêng cho cơ quan lập pháp để cơ quan này có thể tiếp cận tốt hơn với các nghiên cứu và phân tích. Tăng cường hệ thống đảm bảo chất lượng công tác kiểm toán, bao gồm cả việc công khai các đánh giá ra công chung…

Đọc thêm