Nhiều người mong muốn giữ “Từ Liêm” trong tên 2 quận mới?

Chiều qua, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, việc đề nghị thành lập quận trên địa bàn huyện Từ Liêm đã được đặt ra từ lâu với đề xuất ban đầu là thành lập quận Thăng Long, nhất là trên địa bàn những xã có tốc độ đô thị hóa cao của huyện. Tuy nhiên, đến nay mới đủ điều kiện thích hợp và phù hợp để TP trình đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và lấy ý kiến nhân dân.
Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, ngày 6/12 HĐND TP sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc TP.Hà Nội. Hồ sơ báo cáo Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm hiện đang được TP giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Từ Liêm chuẩn bị và báo cáo UBND TP trước ngày 5/12. 
TP cũng giao UBND huyện tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tạm dừng giới thiệu địa điểm, giao đất triển khai các dự án đầu tư mới và đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, không đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm trang thiết bị, không tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Thông qua tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao về vấn đề này cho thấy, tên gọi của hai quận mới được nhiều người quan tâm và mong muốn được giữ nguyên tên “Từ Liêm” trong tên hai quận mới. Vấn đề này sẽ được HĐND xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định cùng các vấn đề khác liên quan đến việc điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm. Hai quận mới được thành lập trên địa bàn huyện Từ Liêm sẽ lấy đường 32 làm ranh giới và có 23 phường.
Cùng ngày, HĐND TP.Hà Nội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2013 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
Theo các Đại biểu HĐND TP, mặc dù thành phố (TP) đã có nhiều giải pháp thúc đẩy nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn song kinh tế của TP vẫn chưa thể tăng trưởng cao trong giai đoạn một đến hai năm tới vì số lượng DN ngừng hoạt động còn lớn; hàng tồn kho vẫn ở mức cao, nhất là tồn kho bất động sản, tổng vốn đầu tư xã hội tăng chậm, xuất khẩu hàng hóa khó khăn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa đạt yêu cầu. Công tác xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng chậm chuyển biến; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của DN vẫn hạn chế; tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn cao… 
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nhiều Đại biểu cho rằng, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn trong năm 2014, nhất là trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, đất đai và rà soát điều chỉnh quy mô dự án cho phù hợp thực tế giai đoạn hiện nay…
HĐND cũng đã xem xét, thông qua các Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước TP.Hà Nội năm 2012; dự toán, phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014 của TP.Hà Nội; qui hoạch đê điều trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; qui hoạch phát triển thể dục thể thao TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đọc thêm