Nỗ lực cải thiện chất lượng dân số nơi huyện vùng cao biên giới

(PLO) - Những năm qua, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dân số kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có dân tộc Sán Chỉ và dân tộc Dao, cuộc sống của bà con ở vùng khó khăn được cải thiện và thay đổi từng ngày. 
Cán bộ hướng dẫn về các vấn đề dân số cho bà con dân tộc.
Cán bộ hướng dẫn về các vấn đề dân số cho bà con dân tộc.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp đến các thôn bản vùng cao của huyện Bình Liêu để mục sở thị về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình nơi đây. Theo chân cán bộ truyền thông của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bình Liêu, chúng tôi đến thăm thôn Nà Pò. Một thôn có gần 100% là người Dao sinh sống. Cách đây vài năm trở về trước, thôn Nà Pò có tỷ lệ sinh con thứ ba cao, kéo theo đó là tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, đời sống vật chất của người dân còn thấp. Đến nay, nhờ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành đúng chính sách dân số và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Toàn thôn có 72 hộ trong đó có 13 hộ nghèo, 52 hộ thực hiện đúng kế hoạch hóa gia đình. Đời sống bà con được cải thiện, nhiều gia đình xây được nhà tầng và mua sắm được các thiết bị sinh hoạt tiện nghi. 

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Chíu Thị Sín và anh Dương Phúc Voòng ở thôn Nà Pò, xã Hoành Mô. Anh chị lập gia đình từ năm 2005 và có hai cậu con trai. Được cán bộ dân số tuyên truyền về các chính sách dân số, hậu quả của việc sinh nhiều con nên hai vợ chồng quyết định sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và tập trung vào phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái. 

Chị Chíu Thị Sín, thôn Nà Pò chia sẻ: “Được vận động, tuyên truyền mình hiểu được đẻ nhiều con thì sẽ vất vả nên mình chỉ sinh đủ 2 con, để có điều kiện chăm sóc chồng con và hưởng thụ cuộc sống. Bây giờ hiện đại rồi, người Dao mình không đẻ nhiều con như ngày xưa nữa mà bảo nhau đẻ ít con để tập trung phát triển kinh tế”.

Chính vì lẽ đó mà chị Sín có điều kiện để chăm sóc chồng con và tập trung vào nghề may (chị đã làm nghề may được 8 năm). Còn chồng chị thoát li đi làm ăn ở Móng Cái. Có điều kiện, gia đình chị mua sắm được ti vi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy…Hai cậu con trai của chị có được sự dạy dỗ chỉ bảo của mẹ nên năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, xuất sắc. 

Không chỉ có gia đình chị Sín mà nhiều gia đình khác ở thôn Nà Pò như gia đình chị Hoàng Thị Vương cũng nhờ thực hiện tốt chính sách dân số, mà hai vợ chồng có điều kiện để tập trung phát triển kinh tế gia đình, trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2015,  gia đình chị xây được căn nhà hai tầng khang trang và sắm được nhiều đồ dùng tiện nghi khác. Việc đổi thay ở bản Nà Pò cũng có một phần không nhỏ đội ngũ già làng, trưởng bản, cộng tác viên dân số. Chính họ là người trực tiếp tuyên truyền, vận động, thay đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của bà con. 

Anh Chíu Phúc Bảo - Trưởng bản Nà Pò chia sẻ: “Khi cán bộ dân số tuyên truyền, mình đã thông báo để bà con đến nghe, hiểu. Trong các buổi họp bản, tôi đều lồng ghép tuyên truyền, quán triệt để các hộ không có tư tưởng sinh con thứ 3. Nên tình trạng sinh con thứ ba trong bản giảm dần, phụ nữ người Dao biết làm ăn và chăm lo cho gia đình hơn chứ không phải như ngày xưa chỉ ở nhà đẻ con và giặt giũ, lấy củi như trước nữa”.

Còn ở bản Ngàn Vàng Giữa, xã Đồng Tâm có 50 hộ đều là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, trong đó có 40 chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Trước đây, nhiều hộ dân còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao.  Nắm được tâm lý của bà con, cán bộ dân số và y tế cơ sở đã rà soát đối tượng, phối hợp với trưởng bản, người có uy tín của bản để tuyên truyền, phổ biến các mô hình can thiệp dân số. Xã Đồng Tâm cũng thành lập Ban Chỉ đạo công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; thành lập các tổ truyền thông tại mỗi bản, duy trì giao ban tổ tư vấn và cộng tác viên mỗi tháng một lần để triển khai các mô hình như: mô hình không sinh con thứ 3, mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống…, lồng ghép tuyên truyền công tác dân số vào các buổi họp bản.

Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, toàn bản không có hộ sinh con thứ 3, trẻ em trong bản Ngàn Vàng Giữa đều được đến trường, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ được chăm sóc, tư vấn dinh dưỡng và sử dụng các biện pháp tránh thai, chất lượng dân số ở bản được nâng lên, điển hình là hộ gia đình chị Chìu Thị Thúy. Gia đình chị Thúy đã có một con, chị cũng không có ý định đẻ thêm nữa vì chị hiểu đẻ nhiều sẽ không có điều kiện nuôi dưỡng con cái. 

Chị Chìu Thị Thúy chia sẻ: “Được cán bộ tuyên truyền về việc không sinh con thứ 3, vợ chồng mình đã làm theo, con nhà mình được đi học đầy đủ. Vợ chồng mình không chỉ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế mà còn tích cực tuyên truyền cho các hộ trong bản thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình”.

Trên đường về chị Hà Hải Thùy, cán bộ truyền thông Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bình Liêu có tâm sự với chúng tôi: Tuy tỷ lệ sinh con thứ 3 tại các vùng đồng bào dân tộc Dao sinh sống còn cao, tuy nhiên nhận thức của bà con đã dần thay đổi nhất là thế hệ trẻ. Họ đã ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch và chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số thôn bản đã duy trì và thực hiện tốt chính sách dân số, nhiều năm liền không xảy ra tình trạng sinh con thứ 3. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác dân số của huyện nhà nhất là các bản vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ sinh sống. 

Đọc thêm