Rà soát hồ sơ để kịp thời trợ cấp cho thanh niên xung phong

(PLO) - Hôm qua (14/12) diễn ra Hội nghị sơ kết triển khai Quyết định 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg
Cơ bản giải quyết những tồn đọng kéo dài
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, sau hơn 4  năm  thực hiện Quyết định 40/2011, hiện nước ta có gần 6.000 thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh được xác nhận là liệt sĩ, hàng chục nghìn TNXP bị thương được xác nhận là đối tượng hưởng chính sách như thương binh, trên 2.500 người và 1.800 con đẻ của TNXP được hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Quyết định 40 đã góp phần tích cực trong việc giải quyết những tồn đọng ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia kháng chiến, trong đó có các cựu TNXP. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những bất cập trong quá trình triển khai văn bản này và đề nghị cần sửa đổi để tất cả những người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. 
Theo Bộ LĐTB&XH, nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại hiện nay là các văn bản hướng dẫn thực hiện còn tản mát, chưa cụ thể. Tuy Quyết định 40 quy định hồ sơ kê khai giải quyết chế độ cho TNXP với xu hướng mở, tạo điều kiện thuận lợi cho những cựu TNXP không còn hồ sơ gốc nhưng chính điều này đã khiến việc xét duyệt hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn, một số trường hợp không đúng đối tượng nhưng cấp xã, huyện vẫn xét duyệt và chuyển về cấp tỉnh giải quyết. 
Giải thích tình trạng còn gần 12 nghìn hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết, Bộ LĐTB&XH chỉ ra rằng, phần lớn các cựu TNXP đã lớn tuổi hoặc từ trần sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh đó đơn vị lại giải thể, không có cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận bàn giao, quản lý hồ sơ, danh sách, giấy tờ liên quan…vì thế, việc yêu cầu các cựu TNXP khi tuổi đã cao, trí tuệ giảm sút phải cung cấp giấy tờ gốc hoặc gần gốc cho các cơ quan chức năng là điều rất khó.
Mức trợ cấp còn thấp
Mặc dù khẳng định ngân sách nhà nước luôn đảm bảo đầy đủ để thực hiện chế độ cho các TNXP, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận mức trợ cấp hàng tháng đối với TNXP 360.000 đồng/tháng là rất thấp, nhất là đối với những TNXP không còn khả năng lao động, sống cô đơn, không nơi nương tựa.
Bên cạnh đó, vấn đề tiếp cận nguồn vốn nhà nước để phát triển kinh tế cũng không hề dễ dàng đối với các cựu TNXP. Hiện nay, hầu hết các cựu TNXP  vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, do vậy ngoài số tiền trợ cấp của Nhà nước thì họ không biết bám víu vào đâu để tăng thu nhập cho gia đình.
Trước những bất cập trên, tại hội nghị đại diện các bộ, ngành, địa phương đề nghị cần khẩn trương rà soát hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp đối với TNXP, tránh tồn đọng kéo dài vì hầu hết các TNXP tuổi đã cao. Song song với việc tăng mức trợ cấp, cần tập trung vào những đối tượng không còn khả năng lao động, không nơi nương tựa, đảm bảo chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí, trợ cấp một lần… theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Theo Bộ Nội vụ, sau khi thực hiện Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 1.219 hồ sơ được giải quyết chế độ phụ cấp hàng tháng. Trong đó, số hồ sơ  có giấy tờ gốc làm căn cứ hưởng rất ít, chỉ có 78 hồ sơ; số hồ sơ không có giấy tờ gốc làm căn cứ hưởng là 1.141 trường hợp. Tổng số tiền đã chi trả là 7.734.858.000 đồng (số liệu cập nhật chưa đầy đủ theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố).
Việc giải quyết chế độ trợ cấp một lần cũng đã thực hiện cho 50.293 TNXP còn sống (tương đương hơn 96.088.258.400 đồng được chi trả) và 18.031 số TNXP đã từ trần (tương đương với 57.757.600.000 đồng được chi trả).

Đọc thêm