Thảo luận về các dự án luật liên quan đến quốc phòng, an ninh

(PLO) - Trong 2 ngày 20 - 21/6, tại thành phố Huế, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức tọa đàm về các dự thảo luật: Luật Cảnh vệ; Luật Công an xã; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 
Hiện vẫn còn thiếu văn bản quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...
Hiện vẫn còn thiếu văn bản quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho biết, hiện có nhiều luật chưa hoàn thiện và chưa thể triển khai dù các quy trình xây dựng như tham gia lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm đều được thực hiện đầy đủ. Hội thảo là dịp để lấy ý kiến về các dự thảo luật trên, làm nền tảng để trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua. 

Đối với Luật Cảnh vệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Viết Trường cho rằng, tuy phạm vi, đối tượng điều chỉnh không rộng nhưng cần quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là về đối tượng cảnh vệ; những quy định áp dụng các biện pháp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác cảnh vệ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh Luật Cảnh vệ và nhất là đối tượng cảnh vệ; các hành vi bị nghiêm cấm; chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp; chính sách nhà nước trong xây dựng lực lượng cảnh vệ; quyền và trách nhiệm của đối tượng cảnh vệ; điều kiện, tiêu chuẩn chọn người vào lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ và quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; công tác phối hợp của các bộ, ngành và địa phương đối với công tác cảnh vệ… 

Đối với Luật Công an xã, lâu nay, việc tuyển chọn, bổ nhiệm công an xã còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Lực lượng Công an xã chưa được hướng dẫn và thực hiện đầy đủ về chế độ, chính sách; lương và phụ cấp nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc; việc xem xét, giải quyết chế độ, chính sách đối với Phó Trưởng công an xã và công an viên còn mang yếu tố bình quân với các diện đối tượng không chuyên trách khác ở cơ sở... là những điều cần quan tâm trong xây dựng luật lần này. 

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thực tiễn cho thấy, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trên từng địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong thực hiện quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa được thường xuyên, thiếu chủ động; chưa có văn bản quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm; cán bộ làm công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nhiều cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên ngành; chưa có chính sách đặc thù cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác này mặc dù đây là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm và rất độc hại... 

Những ý kiến đánh giá, nhận xét, góp ý đối với các dự thảo Luật nêu trên là cơ sở, căn cứ để Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. 

Đọc thêm