Thủ tướng ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng

(PLO) - Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ.

Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Xây dựng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về lĩnh vực này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết đã được gửi các thành viên Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp. 

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời.

Dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định, thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa nghị định với thông tư trong các khâu: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng, bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời kịp thời tháo gỡ các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. 

Kết luận nội dung này, Thủ tướng cho rằng việc tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cần tốt hơn nữa, trên tinh thần công khai, minh bạch, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. 

Sau khi ban hành Nghị quyết, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngay việc thông tin, tuyên truyền, giới thiệu Nghị quyết, tránh tình trạng có người không đọc, không biết, “cứ lấy nghị quyết cũ để nói chuyện mới”. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết này. 

Trong một nội dung khác, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo về việc đầu tư xây dựng các bến cảng tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và về mô hình quản lý, khai thác cảng biển. 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ quy hoạch và đầu tư khu vực này phải bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cảng nước sâu Lạch Huyện là điều kiện thu hút thế giới đầu tư vào Hải Phòng. Đây không chỉ là cảng của Hải Phòng mà cho cả khu vực miền Bắc. Phải quan tâm đến phát huy nguồn lực trong nước đầu tư vào đây, cũng như cần triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng quá tải, đã có chủ trương mà mãi không triển khai...

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, cùng Hải Phòng rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. 

Về mô hình Ban Quản lý cảng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ Giao thông Vận tải, UBND Hải Phòng nghiên cứu, vận dụng tốt nhất luật pháp (Bộ luật Hàng hải) với tinh thần là không phát sinh bộ máy mới, biên chế mới, kết hợp được các chức năng, nhiệm vụ phù hợp để phát huy hiệu quả của cảng.

Theo quy hoạch, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 sẽ thông qua lượng hàng từ 109-114 triệu tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 178,5-210 triệu tấn/năm. Riêng container dự kiến đạt khoảng 5,84 – 6,2 triệu TEU/năm vào năm 2020, 11,2-12,5 triệu TEU/năm vào năm 2030. Khu bến cảng Lạch Huyện phát triển thành khu cảng hiện đại, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế. 

Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, thảo luận về các nội dung: Việc lập thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đi qua 2 tỉnh trở lên; đường nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên; các nội dung liên quan đến đầu tư của Samsung; một số nội dung trong lĩnh vực tín dụng, đầu tư, thủy điện, đấu thầu.

Trong Nghị quyết 110/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng. Chính phủ yêu cầu tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, minh bạch hóa thông tin; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp nhận, trả lời kiến nghị, đối thoại với người dân, doanh nghiệp.

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dựng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái đạo đức, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp về đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các quy định về đầu tư xây dựng; công khai hóa danh sách các bộ, ngành và địa phương gây cản trở hoặc chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với một số vụ việc dư luận quan tâm và bức xúc.

Đọc thêm