Tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa

(PLVN) - Ngày 19/1, tin từ UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), đơn vị vừa tổ chức buổi lễ “Tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa” từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Lễ tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa
Lễ tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa

Tại buổi tiếp nhận, UBND huyện Hoàng Sa đã được trao các tư liệu, hiện vật mới gồm: 19 Châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt trong lần này có một số Châu bản lần đầu tiên công bố. Cụ thể, Bản tấu của Bộ Hộ ngày 22/12 Tự Đức 22 (1869) về việc tỉnh thần Quảng Nam tư trình căn cứ lời bẩm của Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư trích tiền gạo cấp phát cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh trên một chiếc thuyền sam bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam)… do ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trao tặng.

Nhà trưng bày Hoàng Sa
Nhà trưng bày Hoàng Sa 

Bản “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” là một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, khổ 30x17cm, gồm 40 trang, chữ Hán được viết theo thể chữ Khải do  PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, hiến tặng. Văn bản này được ông sưu tầm từ thư viện Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản. 

Trang 31b trong “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” mô tả về Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) kéo dài ngoài biển, tương ứng với khu vực từ cửa Đại cho đến khoảng giữa núi Sa Huỳnh trong đất liền; Bản đồ Archipel des Paracels d'après lesallemands (1881-1883) et les travaux anglais et francais les plus récents (Tạm dịch: Quần đảo Hoàng Sa sau những khảo sát của người Đức (1881-1883) và những công trình của người Anh và người Pháp gần đây nhất). Bản đồ này do “Service hydrographique de la marine” (Sở địa lý thủy văn hải quân Pháp xuất bản năm 1885, in lại năm 1940 do  TS Võ Công Trí - Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng trao tặng.

Công trình Nghiên cứu “Những trận chiến bảo vệ Tổ quốc của Thủy quân Việt Nam” do TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tặng. Đây là bản thảo công trình nghiên cứu của cá nhân ông gửi tặng Thư viện Hoàng Sa để phục vụ độc giả tham khảo; Tác phẩm “Trường Sa Đông”, các bức ký họa về Trường Sa và tranh cổ động về tuyên truyền chủ quyền biển đảo do họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng trao tặng; Bản đồ Tourane (Đà Nẵng) được Sở Địa dư Đông Dương phát hành vào tháng 11/1898, tại Hà Nội.

Đây là tấm bản đồ thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này do  TS. Dương Thanh Mừng - Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực III trao tặng…

Các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
 Các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Những năm gần đây công tác tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã thu hút đông đảo sự quan tâm, ủng hộ của của mọi tầng lớp nhân dân.

Từ khi phát động vào năm 2016 đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận được 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng. Không chỉ ở trong nước, cuộc phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa của UBND huyện Hoàng Sa còn lan tỏa đến người dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Đơn cử, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ tặng 134 bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; Ông Noel Rousset công dân từ nước Cộng hòa Pháp đến Nhà trưng bày Hoàng Sa để hiến tặng quyển sách viết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mang tên “La Souveraineté Sur Les Archipels Paracels et Spratleys”(Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)… Đó là những nghĩa cử hết sức cao đẹp của nhân dân ta và bạn bè quốc tế…

Những tư liệu, hiện vật này là tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của người dân cả nước luôn hướng về quần đảo Hoàng Sa - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cũng trong buổi lễ, UBND huyện Hoàng Sa phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.

Tư liệu về Hoàng Sa được tiếp nhận thời gian qua
Tư liệu về Hoàng Sa được tiếp nhận thời gian qua 

Tại đây, thư viện Đà Nẵng và 4 Nhà xuất bản đã trao tặng 648 cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo để xây dựng thư viện Hoàng Sa, gồm: NXB Chính trị Quốc gia (400 cuốn sách), NXB Đà Nẵng (100 cuốn sách), Thư viện Đà Nẵng (100 cuốn sách), NXB Trẻ (36 cuốn sách), NXB Thông tin Truyền thông (12 cuốn sách), (có phụ lục đính kèm). Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hệ thống hóa tài liệu pháp lý, các công trình nghiên cứu hướng tới xây dựng Thư viện Hoàng Sa thành một trung tâm nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đọc thêm