Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử

(PLVN) - Chiều 28/2, chủ trì cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh, đặc biệt trong thời điểm đang tập trung phòng chống dịch Covid-19 thì vấn đề rất quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), tập trung cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Thiếu quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP Ngô Hải Phan cho biết, hiện còn một số nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2019 nhưng các bộ, ngành không hoàn thành đúng thời hạn vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai nhiệm vụ liên quan của các bộ, ngành khác.

Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được giao cụ thể 25 nhiệm vụ, bao gồm 4 nhiệm vụ được chuyển giao vào tháng 9/2019; có 9 nhiệm vụ hoàn thành (5 quá hạn, 4 trong hạn) còn lại 16 nhiệm vụ chưa hoàn thành (có 9 quá hạn và 7 trong hạn). Bộ Công an được giao cụ thể 5 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ hoàn thành, 1 nhiệm vụ mới chỉ hoàn thành 1/3 công việc còn lại 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành (1 quá hạn và 2 trong hạn…).

Đối với việc thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, số lượng văn bản điện tử có ký số và tỉ lệ số lượng văn bản điện tử có chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử tính từ ngày 12/3/2019 đến ngày 31/1/2020 được gửi, nhận tại một số bộ rất cao như Bộ Công Thương, Tài chính, TT&TT…

Tuy nhiên, có một số bộ, cơ quan có số lượng và tỉ lệ văn bản điện tử có ký số cao khi gửi, nhận với bên ngoài nhưng lại thấp trong nội bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tỉ lệ các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường 80% theo Nghị quyết 01 năm 2020 của Chính phủ có nhiều bộ đã đạt trước thời hạn như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước đạt 100%; Bộ TT&TT đã đạt tỉ lệ 98,8%...

Đối với việc thực hiện cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quyết định của Thủ tướng, việc xây dựng và ban hành các quyết định phê duyệt trong quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC cũng như xây dựng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử của một số bộ còn chậm như Bộ Công an.

Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo các Quyết định số 846, 817 của Thủ tướng, hầu hết các dịch vụ công 3, 4 theo danh mục đã được các bộ, ngành triển khai nhưng vẫn còn một số bộ, ngành chưa hoàn thành như Bộ Y tế còn 16 dịch vụ công cấp độ 4, Bộ TT&TT còn 7 dịch vụ công cấp độ 3…

Ông Ngô Hải Phan cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc được một số bộ, ngành đề cập. Trong đó, về cơ sở pháp lý để thực hiện CPĐT, hiện vẫn thiếu các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, chứng từ điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. 

Phát biểu tại buổi làm việc, về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với đề nghị về việc sớm ban hành 2 nghị định quy định về việc kết nối chia sẻ dữ liệu và cơ chế tài chính phù hợp để xây dựng CPĐT. Đây là 2 nghị định quan trọng để bảo đảm cho việc hoàn thành xây dựng Chính phủ theo yêu cầu. 

Nhận định công tác xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách TTHC có ý nghĩa hết sức quan trọng và trong quá trình phối hợp thực hiện không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các bộ, ngành trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc về pháp luật có thể liên hệ trực tiếp với Bộ Tư pháp để giải quyết kịp thời, trên tinh thần khẩn trương, cải cách ngay trong việc phối hợp.

Cải cách tốt để tạo dư địa tăng trưởng

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng là không để nhiệm vụ nào không hoàn thành, không nhiệm vụ nào không được thực hiện.

Đặc biệt, trong thời điểm đang tập trung phòng chống dịch Covid-19 thì vấn đề rất quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng CPĐT, tập trung cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp. “Chúng ta phải cải cách tốt để tạo dư địa tăng trưởng trong thời điểm năm nay khó khăn vì đang tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, ông Dũng nói. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã được ghi trong Nghị quyết 17, nhất là các bộ được giao nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế. “Việc này mà không xong là không ổn.

Trước hết là nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu rồi vấn đề định danh và xác thực điện tử”, ông Dũng nói và đề nghị Bộ TT&TT hoàn thành sớm các nhiệm vụ này bởi việc xây dựng Chính phủ điện tử mà không có thể chế pháp lý kỹ là không ổn.

Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định VPCP sẽ hoàn thành Nghị định liên quan đến cơ sở quốc gia về TTHC. VPCP cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi Nghị định 110 liên quan đến vấn đề pháp lý của văn bản điện tử, nhất là vấn đề lưu trữ điện tử để khi thực hiện các nhiệm vụ sẽ không phải nộp hồ sơ gốc.

Khẳng định việc gửi, nhận văn bản điện tử là quyết tâm cải cách của Thủ tướng mà nếu làm tốt mỗi năm sẽ tiết kiệm ước tính khoảng 1.200 tỉ đồng/năm và điều quan trọng nhất là đảm bảo minh bạch, nhanh, không phải xếp hàng, ông Dũng nêu rõ yêu cầu từ tháng 6/2020 sẽ thực hiện gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp.

Liên quan đến các dịch vụ công, cho biết Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trong thời điểm hiện nay phải thúc đẩy mạnh mẽ dịch vụ công, Bộ trưởng Dũng đề nghị các bộ có tham gia dịch vụ công đẩy mạnh việc này và nhấn mạnh yêu cầu phải có hồ sơ điện tử để người dân, doanh nghiệp không phải nộp thêm hồ sơ.

“Bộ Tư pháp tới đây sẽ có rất nhiều vấn đề liên quan đến khai sinh, khai tử, lý lịch tư pháp, giao dịch  đảm bảo… Có những việc trước đây nói không làm được thì nay chúng ta làm được. Hạ tầng, dữ liệu chúng ta đảm bảo. Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ đảm bảo giảm chi phí, thời gian cho người dân doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Đọc thêm