11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công

(PLVN) - Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (09/12/2019), đến ngày 25/02/2020, đã có hơn 65.900 tài khoản đăng ký, hơn 17.0 triệu lượt truy cập, hơn 1.925.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử và ban đầu đã đạt được kết quả quan trọng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử và ban đầu đã đạt được kết quả quan trọng.

Sáng nay - 27/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio chủ trì Hội thảo “Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.

 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. 

“Việt Nam đang quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số với quan điểm, phương châm: “Hành động nhanh, kết quả lớn; nghĩ lớn, nhìn tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc cụ thể””- ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết các chủ đề được đưa ra trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo hôm nay sẽ mang tính chất bao trùm, từ tổng quan tới cụ thể trong hoạt động phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương đến từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam.

Đề cập đến những kết quả đạt được trong phát triển Chính phủ điện tử năm 2019, Chủ nhiệm VPCP cho rằng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai và ban đầu đạt được kết quả quan trọng làm nền tảng trong triển khai Chính phủ điện tử.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống đến ngày 25/02/2020, đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 02 lần. 

Hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 100% bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền.

Đó là việc thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương ngày 12/3/2019) và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử được đánh giá là một trong những sự kiện tiêu biểu trong xây dựng Chính phủ điện tử năm 2019.

“Ngày 12/3/2019 là một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký bằng chữ ký số, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành và gửi văn bản điện tử này thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Đây cũng chính là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy”- ông Dũng nói.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Vân Anh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Vân Anh 

Cùng với đó, việc đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ cũng là một kết quả nổi bật trong năm 2019.

Từ ngày khai trương (24/6/2019) đến ngày 25/02/2020, Hệ thống e-Cabinet đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 42.200 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 237 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành 6.399 phiếu giấy và hơn 29.000 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.

Kết quả tiếp theo là thiết lập và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, từ đầu nhiệm kỳ, với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật và có các chỉ đạo điều hành sát sao để thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, doanh nghiệp. 

Trong đó có thể kể đến như Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia và quy hoạch lại các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng mỗi bộ, mỗi địa phương chỉ có 1 cổng dịch vụ công.

Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.

  

Đọc thêm