Tổng Bí thư: Đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ vào nền nếp, thực chất

(PLO) -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đi vào nền nếp, thực chất.    
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị

Hôm qua (16/7), tại Trụ sở TƯ Đảng đã diễn ra Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW (ngày 07/01/2016) của  Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở do Ban Chỉ đạo TƯ về thực hiện QCDC ở cơ sở tổ chức. 

Trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cơ bản tán thành nội dung báo cáo và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Tổng Bí thư biểu dương, việc thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là trong những năm gần đây, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém như công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó.

Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.

“Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng” - Tổng Bí thư chỉ rõ.

Từ việc chỉ ra những mặt hạn chế còn tồn tại, thống nhất cao với những phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đã được nêu trong Báo cáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới.

Cụ thể, phải làm sao để việc thực hiện QCDC và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hóa, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Bên cạnh các yêu cầu với các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thì theo Tổng Bí thư, một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện QCDC chính là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Từng đồng chí Bí thư cấp ủy, từ TƯ đến cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Ở đâu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu gương mẫu, quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình, thì ở đó việc thực hiện QCDC có nền nếp, thực chất và chuyển biến toàn diện, rộng khắp đến từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ có nhiều chuyển biến

Báo cáo do bà Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng ban Dân vận TƯ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về thực hiện QCDC ở cơ sở trình bày và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhất trí đánh giá: trong 3 loại hình cơ sở thì thực hiện QCDC nền nếp, chất lượng, hiệu quả nhất là ở xã, phường, thị trấn; thực hiện khá nền nếp trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước, trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn và đạt hiệu quả. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. 

Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Báo cáo cũng nêu phương hướng, giải pháp thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới. Theo đó, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ TƯ đến địa phương tiếp tục phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp ở cơ sở nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, sức mạnh trong dân; đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và độ đồng đều về thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở… 

Bộ Tư pháp đề xuất nâng Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở lên thành Luật

Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân chủ ở cơ sở, trong đó có lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật từ việc thể chế hóa nội dung đến giám sát thực hiện.

Đồng thời, hoàn thiện quy định của pháp luật về QCDC ở cơ sở theo hướng nâng Pháp lệnh về QCDC ở xã, phường, thị trấn lên thành Luật để đảm bảo tính pháp chế Hiến định là các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của người dân phải được quy định trong luật.

Cùng với đó là rà soát để chuẩn hóa phạm vi thực hiện quyền dân chủ và giám sát của nhân dân, bảo đảm quyền lợi của cả người dân và Nhà nước cũng như tính khả thi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; có chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, công chức nhà nước khi làm sai và các trường hợp lợi dụng dân chủ để cố tình vi phạm.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cần tổ chức thi hành nghiêm, kịp thời, hiệu quả và thực chất các văn bản được ban hành. Bộ trưởng phân tích, trước hết là trách nhiệm và sự gương mẫu của các cơ quan và công chức nhà nước, rồi đến ý thức trách nhiệm công dân của người dân.

“Ở đây là quan hệ biện chứng hai chiều giữa Nhà nước và công dân trong điều kiện kinh tế - xã hội khả thi. Nếu khác đi thì hệ quả không những là cơ quan nhà nước vi phạm, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà còn tăng chi phí phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự mà toàn xã hội phải chịu” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Đọc thêm