Trả lại vỉa hè cho người đi bộ: Cần thuốc đặc trị cho bệnh kinh niên ở đô thị

(PLO) - Hàng chục năm qua mặc dù chính quyền có nhiều nỗ lực để lập lại trật tự lòng, lề đường, nhưng do điều kiện chủ quan và khách quan, do hoạt động thiếu kiên quyết và nặng tính phong trào nên lòng, lề đường đã phải bị giày xéo quá mức đến nỗi phải mắc căn bệnh quái ác như “ung thư khó trị”. Và việc lấy lại vỉa hè cho dân tại TP Hồ Chí Minh như một thang thuốc bước đầu trị bệnh nan y mất trật tự đô thị.
Phá dỡ bục bệ bê tông xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; cắt mái che, mái vẩy lấn chiếm hành làng an toàn giao thông
Phá dỡ bục bệ bê tông xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; cắt mái che, mái vẩy lấn chiếm hành làng an toàn giao thông

Trật tự đô thị bị đảo lộn

Lòng đường đô thị TP HCM chứng kiến biết bao tai nạn giao thông thảm khốc cướp đi sinh mạng hàng ngàn con người mỗi năm ngày càng tăng, ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Lề đường không còn là của người đi bộ, và đã biến thành tụ ổ của biết bao nhiêu tệ nạn xã hội gần như bất trị: Nhậu nhẹt be bét, cờ bạc ăn chơi trác táng, cướp của, giết người, bạo lực đủ kiểu từ gia đình lan ra ngoài phố, ẩu đả dã man giữa học sinh nam và giữa học sinh nữ, xì ke ma tuý tràn lan, xả rác, phóng uế bừa bãi, xe cộ, tiệm bán đủ loại hàng chiếm hết lối đi dành cho người đi bộ v.v...

Tưởng chừng như bế tắc thì ở cuối đường hầm loé lên một tia ánh sáng: Quận 1 quyết tâm ra quân quyết liệt với người đứng đầu là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1. “Nếu không lập lại trật tự vỉa hè, tôi sẽ “về vườn” và được đa số nhân dân ủng hộ. Các làm kiên quyết, công bằng, không có vùng cấm”, Phó Chủ tịch UBND quận 1 khẳng định. Nhiều tuyến đường được thông thoáng hơn. Không ít hộ đã chủ động thu dọn những vật dụng lấn ra vỉa hè. Đó là những kinh nghiệm bước đầu khá tốt.

Thủ tướng lên tiếng ủng hộ, Bộ Công an tích cực hưởng ứng. Lãnh đạo Hà Nội và đặc biệt TP HCM chỉ đạo các quận, huyện ra quân đồng loạt để lập lại trật tự vỉa hè. Theo chỉ đạo của Quận ủy quận 3, UBND cùng UBMTTQ và các đoàn thể của 14 phường bước đầu đến các tuyến đường lớn ở mặt tiền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng đăng ký cam kết dành chỗ đi cho người đi bộ; quận 3 còn đang khảo sát các tuyến hẻm, khu đất trống để bố trí bà con vào đó buôn bán, nhất là người nghèo mưu sinh.

Tuy nhiên, dù nỗ lực lớn trong hơn một tháng qua, trên nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận v.v... sau khi các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ rời khỏi hiện trường thì tình trạng chiếm dụng vỉa hè trái phép để buôn bán lại tái diễn. Nhiều ô tô đậu kín cả một đoạn đường; lúc kẹt xe, xe gắn máy ào ạt chạy lên vỉa hè; khá nhiều nơi không còn vỉa hè để đi, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường; các hộ kinh doanh không chỉ bày bán trên vỉa hè mà còn kéo xuống cả lòng đường, chưa kể các chợ tự phát chiếm cả lòng đường.

Thực trạng “ngang trái” trên chắc chắn còn tiếp diễn, lập đi lập lại. Những thói quen xấu kéo dài hàng chục năm không thể xóa bỏ một ngày một bữa, phải kiên trì, nhẫn nại. Điều quan trọng là phải tìm đúng nguyên nhân để có những giải pháp khắc phục hiệu quả trước mắt và lâu dài.

Đã đến lúc, theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 Đại hội XII kèm theo 27 loại suy thoái, cần phải quan tâm đến việc tự phê bình chân thành, xem xét ý thức trách nhiệm, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Bác Hồ đã chỉ ra như quan liêu, ra rời quần chúng, tự tư tự lợi, coi trọng “việc tư” hơn “việc công”, xem nhẹ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân v.v... từ trung ương đến cơ sở, tập trung chung quanh những tồn tại nêu trên.

Điều đáng nói là hệ lụy tồn tại kéo dài và ngày một trầm trọng về trật tự đô thị tại trung tâm TP HCM khởi nguồn từ quá trình thực thi quy họach đô thị một cách bất cập, với những biểu hiện về lợi ích nhóm hình thành. Nhớ lại cách đây 20 năm, khi triển khai dự án Kumho-Saigon với vốn đầu tư gần 250 triệu USD tại đường Lê Duẩn với những tòa nhà cao tầng có đến trên 40 tầng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sớm nhắc nhở, khuyến cáo, đây là dự án “với từng ấy tầng” cuối cùng ở trung tâm thành phố, trong tương lai mật độ dân số sẽ tăng, lưu lượng xe sẽ tăng cao, tạo áp lực lớn cho nguy cơ ùn tắc giao thông.

Thế nhưng, không chỉ một dự án, chỉ một thời gian không bao lâu sau đó, với các “khu đất vàng” ở khu vực tuyến đường trung tâm quận 1 như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiếp tục mọc hàng loạt nhà cao tầng liền nhau, và đương nhiên không tránh khỏi xe ô tô đậu dày đặc ở các lòng đường, xe gắn máy và quán xá đông đặc trên các lề đường, không còn lối đi cho người đi bộ. Từ đó, trung tâm TP HCM rơi vào tình cảnh ngày một gia tăng ách tắc giao thông đến mức đường đi bộ cũng phải cấm xe ô tô đi vào thứ bảy, chủ nhật. Rõ ràng hậu quả trên, các ngành chức năng phải chịu trách nhiệm. 

Cần học tập gì từ kinh nghiệm của các nước?

Thời đại hội nhập, không khó khăn để tiếp cận nhiều bài học bổ ích về trật tự giao thông, trật tự lòng lề đường của các nước để góp phần làm cho TP HCM và các thành phố khác trong cả nước thật sự văn minh, sạch, trật tự an toàn, trước khi hướng đến mục tiêu hình thành đô thị đẹp. Tại Nhật Bản, đi khắp thủ đô Tokyo ở đâu cũng thấy dọc vỉa hè là hàng rào, trên vỉa hè chỉ có người đi bộ. Không hề có cửa hàng, quán xá vì tất cả đều được sắp xếp trong khuôn viên nhà. Còn trên lòng đường chỉ có xe cộ. Ở từng khu vực có bãi để xe.

Tại Matxcơva, Liên bang Nga rộng lớn có hệ thống metro hoàn hảo, từ thủ đô đến thành phố ở ngoại ô xa nhất chỉ mất hơn nửa giờ; nhà ở ngoại ô giá rẻ hơn nhiều so với ở trung tâm, thu hút nhiều gia đình đi ra xa. Vì vậy ở khu vực trung tâm không có ùn tắc giao thông không có xe cộ chiếm vỉa hè.  Đi từ Paris ra nông thôn có những thành phố nhỏ với dân số khoảng 30.000 người.  Ở đây có nhà hàng, bệnh viện, siêu thị, trường học,... đủ để phục vụ cho đời sống người dân, không có quán xá trên lề đường.

Tại Singapore, ăn đúng chỗ, để xe đúng chỗ, vỉa hè là của người đi bộ. Tại Thái Lan dù kẹt xe lâu đến mấy cũng không leo lên vỉa hè vì ý thức pháp luật đã ngự trị trong họ. Tất cả đều tiến hành theo quy hoạch, riêng Nhật đã có quy hoạch từ năm 1875, đều cần chú ý là tất cả đều bắt nguồn trước tiên từ ý thức thượng tôn pháp luật, trong nhà cũng như ngoài phố, và họ có thể tự hào chính đáng là thành phố văn minh với con người văn minh.

Từ những kinh nghiệm của các nước chúng ta cần có phương châm kiên quyết, nhẫn nại, đúng pháp luật và tìm ra giải pháp thông minh. Có kế hoạch trước mắt và lâu dài trên cơ sở quy hoạch tổng thể. Chỉ có một trong hai con đường phải chọn, đó là từ bỏ “đứa con hư hỏng” trật tự đô thị đã bị bỏ bê từ khá lâu hay là phải dành  nhiều thời gian để “cải tạo con hư” trở thành con người tử tế biết tôn trọng pháp luật, luật giao thông. 

Mục tiêu của chúng ta là xây dựng một thành phố văn minh, sạch, nghĩa tình, tức “văn hóa đô thị” nhưng thực tiễn cho thấy là phải có một quá trình dài, không thể nôn nóng, đốt giai đoạn. Vì sao vậy? Chừng nào chưa xây dựng tốt văn hóa vỉa hè, văn hóa sạch, văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình, văn hóa giao thông, văn hóa kỷ cương, văn hóa trung thực mà trọng tâm là xây dựng con người có văn hóa có ý thức thượng tôn pháp luật thì khó tuyên bố là đạt văn hóa đô thị.

Theo thông tin công khai đã được minh bạch trên truyền thông, biết bao cơ quan chức năng có liên quan phải chịu trách nhiệm như: xây dựng, công thương, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, công an, văn hóa, giáo dục v.v... Trên nữa là có Chính phủ, sau đó UBND các tỉnh thành, quận huyện, phường xã. UBTW  MTTQVN và các đoàn thể ở TW, sau đó là UBMTTQ, các đoàn thể các cấp, theo cơ chế dân chủ của Đảng ta “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, Mặt trận (đoàn thể) vận động, nhân dân làm chủ” để lập lại kỹ cương và văn minh đô thị. 

Đấu tranh làm sao để lề đường, lòng đường được tôn trọng theo đúng luật pháp.  Thiết nghĩ, phải thật sự là một cuộc cách mạng có quy hoạch, có kế hoạch trước mắt và lâu dài, có quy trình, có lộ trình. Không chỉ dừng lại ở vận động những người có nhà hàng, cửa hàng, quán xá, tủ hàng cam kết để có lối đi cho người đi bộ, sắp xếp xe cộ có trật tự, đi đôi với việc tháo bỏ những tường, lô cốt, tháo gỡ những mái nhà dựng trái phép, xây dựng những bãi để xe ô tô, xe máy trong từng khu vực.

Hơn thế nữa là chấm dứt xây dựng những nhà cao tầng 30, 40 tầng ở khu vực trung tâm, khôi phục lại những vật cảnh bó vỉa hè vuông cao hơn mặt đường 30cm để tránh cho xe máy leo lên lề đường đe dọa tính mạng của người đi bộ, xử lý thỏa đáng những người thuộc chính quyền bao che, dung túng những người vi phạm luật giao thông. Muốn làm những điều đó một cách hanh thông, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm phải tiếp tục lắng nghe dân, các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội kể cả người nước ngoài để có chính sách hợp lòng dân, đúng luật. 

Điều cuối cùng mà chúng ta cần nhắc nhở với nhau là dù thành phố phát triển đến đâu mà ý thức tôn trọng pháp luật kém thì không thể có đô thị văn minh. Vì đô thị văn minh phải có “con người văn hóa” (thực sự cầu tiến, trung thực). Đừng để khi Công an đến bắt thì mới biết đảng viên bị bắt đã có danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Không biết tự trọng, xấu hổ thì không có thuốc nào trị được. 

Đọc thêm