Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Kiên Giang

(PLVN) - Ngày 24/3, Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII do đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang để chuẩn bị xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Cùng tham gia Đoàn công tác có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh TTXVN)
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang trong việc thực hiện Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng một cách nghiêm và quán triệt.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được cấp ủy, Đảng bộ các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương: Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí.

Đồng thời, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của Kiên Giang trên các lĩnh vực, gợi mở những vấn đề Kiên Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong những năm tới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, chuẩn bị tốt cho Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Quang cảnh tại buổi làm việc (Ảnh TTXVN)
Quang cảnh tại buổi làm việc (Ảnh TTXVN)
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ, Bí Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Cương lĩnh sắp tới.
Trong công tác xây dựng pháp luật cần hoàn thiện, chất lượng, bao quát hết các mặt đời sống xã hội; biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực, thực hiện các giải pháp ứng phó, để phát triển sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả. Đầu tư hệ thống giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long cần đồng bộ, hiện đại để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng châu thổ Cửu Long và mời gọi thu hút đầu tư; định hướng phát triển theo hướng liên kết vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và du lịch.

Đọc thêm