Ưu tiên vấn đề nhà ở cho người lao động

(PLVN) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc ngày 25/9 với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn đã tích cực và chủ động trong công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) và đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt là vào dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và công nhân, lao động kỹ thuật cao tại TP Hồ Chí Minh.

Vẫn theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tình hình ngừng việc tập thể giảm mạnh cả về số lượng và quy mô.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ cũng đã phối hợp với bộ, ngành liên quan phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, gắn với phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”…

Về chính sách khám chữa bệnh theo chế độ BHYT ngoài giờ làm việc, thời gian qua, Bộ Y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí nhân lực, điều kiện vật chất để thực hiện việc khám chữa bệnh theo chế độ BHYT cho NLĐ ngoài giờ, vào ngày nghỉ, ngày lễ, giải quyết quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ.

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt yêu cầu này, xuất phát từ các vấn đề về nhân lực, cơ sở vật chất, chế độ thanh toán thời giờ làm thêm quá thời gian quy định của pháp luật về lao động mang tính đặc thù của ngành y tế.

Trước phản ảnh này, tại cuộc họp, Thủ tướng nhắc nhở đại diện Bộ Y tế phải có kế hoạch thực hiện chủ trương nói trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời giao Bộ Y tế nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân.

Phải phân rõ trách nhiệm

Tại buổi làm việc, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì hoặc phân công một Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp (do Tổng Liên đoàn tổ chức và chuẩn bị nội dung) với các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các KCN, KCX” đã được tổng kết tại dự án thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam và kết quả làm việc với các Bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam từ 1.000 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của Công đoàn...

Giải đáp vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc xây dựng thiết chế công đoàn không phải là trách nhiệm riêng của tổ chức Công đoàn mà cần phân rõ trách nhiệm đối với mỗi Bộ, ngành, nhất là các địa phương. Theo Thủ tướng, các địa phương phải giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước mắt hoàn thiện hệ thống thiết chế về nhà ở cho công nhân, NLĐ ở Hà Nam, sau đó sẽ đồng loạt triển khai ở các tỉnh, thành phố…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được. Cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng Liên đoàn và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đạt được kết quả tốt, trong đó có việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến NLĐ.

Tổng Liên đoàn và các Bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến NLĐ như xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn 2012 sửa đổi, tham gia xây dựng thực hiện Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH…

Định hướng phối hợp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Tổng Liên đoàn cần tiếp tục tham gia hiệu quả tích cực hơn nữa công tác xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các chính sách liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn. Hai bên phải tập trung nghiên cứu kỹ việc sửa đổi Bộ luật Lao động, nhất là những nội dung quan trọng có ảnh hưởng tác động lớn đến xã hội như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số ngày nghỉ…

Phải quan tâm những vấn đề thiết thực cụ thể với NLĐ như bữa ăn hằng ngày, an toàn thực phẩm... “Tôi cũng đề nghị các Bộ có mặt hôm nay tiếp thu đầy đủ, phối hợp tốt hơn với Tổng LĐLĐ Việt Nam để nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động và việc làm, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, đời sống NLĐ ngày càng đầy đủ, sung túc hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đọc thêm