Văn hóa liêm chính

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ đang khởi động và thực hành việc giữ gìn và nêu gương liêm chính.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Ông tuyên bố không trang bị xe mới cho mình, quy định số lượng đoàn xe công vụ, đi nước ngoài bằng máy bay thương mại,...

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ Tết này không nhận quà, các địa phương không lên Trung ương chúc Tết. Đó là những động thái biểu hiện của văn hóa liêm chính.

Nếu làm đúng điều mà Thủ tướng yêu cầu thì Tết Đinh Dậu này bắt đầu và khởi sự một nét ứng xử văn hóa mới, xóa dần đi thói quen cố hữu lâu nay là quà cáp cấp trên nhân dịp lễ Tết. Bà con Thủ đô từng chứng kiến những đoàn xe dài, mang biển số địa phương, xếp hàng chầu chực gần nhà một vị Trung ương nào đó để chúc Tết, tặng quà. Hoặc, vào dịp giáp Tết, Hà Nội bị nghẽn sóng điện thoại di động vì quá tải do các quan chức địa phương lên chúc Tết lãnh đạo hơi nhiều.

Đạo lý dân tộc nhắc nhở: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Câu tục ngữ này nhắm tới người được biếu, được cho, lo mà giả nợ món quà được gói trong hình thức ân tình nhưng thực ra là cái ta buộc phải trả.

Điều này cũng rất gần với một thành ngữ hiện đại: “Không có bữa ăn trưa nào là miễn phí cả!”. Những món quà hậu hĩnh, “trên mức tình cảm” mang tới cho những người có quyền chức, không gì khác là tiền đề cho các chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy dự án và cả chạy án nữa sau này. Thế nên, khi người quyền chức về hưu thì xuân về, Tết đến còn đâu cảnh nhộn nhịp xe cộ đến nhà nữa, chỉ còn cảnh hiu hắt với con cháu mà thôi!

Không để nạn quà cáp, biếu xén diễn ra nữa cũng là động thái góp phần chấm dứt cái gọi là “xây dựng quan hệ” mà quan hệ là thành tố cơ bản trong sự tiến thân mà người ta đã đúc kết “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” trong chốn quan trường hiện tại.

Là người đứng đầu Chính phủ, nhiều năm làm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, hẳn Thủ tướng biết rõ tình trạng “gặp chuyên viên của Văn phòng Chính phủ còn khó hơn gặp Bộ trưởng” hoặc “cán bộ ở đấy như vua con” từng được phản ảnh trên diễn đàn Quốc hội. Rất nhiều vụ mạo danh chuyên viên của Văn phòng Chính phủ để lừa đảo những khoản tiền lớn của những người chạy dự án, xin đầu tư,... điều này như một minh chứng phản chiếu sự thao túng quyền lực. Và, muốn xây dựng quan hệ với những người như thế thì con đường quà cáp “tình cảm” là ngắn nhất, dễ tiếp cận nhất.

“Không bữa trưa nào là miễn phí” nhắc nhớ tình trạng cười ra nước mắt với tình cảnh địa phương xin Trung ương giải quyết giúp kinh phí tiếp khách mà họ đã bỏ ra để tiếp Trung ương tới thăm và làm việc và các đơn vị bạn đến trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Người cán bộ cấp trên liêm chính nghĩ gì khi có Ủy ban xã nợ hàng quán hàng trăm triệu đồng không có khả năng thanh toán? Hẳn là những chuyến công tác địa phương của họ cũng là nhân tố tích cực làm phồng to món nợ đó, cho dù “khách ba, chúa nhà bảy” vẫn là lẽ đương nhiên.

Xây dựng văn hóa liêm chính nên bắt đầu từ cái nhỏ nhất và từ thái độ ứng xử của mỗi cá nhân người lãnh đạo. Thủ tướng nói khi đề nghị không nhận quà với nội các của mình, đại ý: “Một mình tôi thì dễ rồi, còn các đồng chí, các thành viên Chính phủ?”. Cần lắm một sự đồng lòng, nhất trí cao và tự giác nói không với quà cáp, biếu xén từ những người lãnh đạo. Nếu không, các biện pháp khác như “đường dây nóng” tố giác việc biếu quà, tặng phong bì chẳng phát huy được tác dụng là mấy!

Đọc thêm