Xã hội hóa sách giáo khoa - có là thách thức cho học sinh nghèo?

(PLO) - Theo dự kiến, vào buổi họp cuối của kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII, Các ĐB sẽ biểu quyết thông qua đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa. Cho đến thời điểm này, hầu hết các ĐBQH đều cho rằng cần đổi mới  chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, làm thế nào để thành công, câu chuyện xã hộ hóa có là thách thức của người nghèo?....
Xã hội hóa sách giáo khoa - có là thách thức cho học sinh nghèo?
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng – Chỉ đổi mới sách giáo khoa, khó nói đến thành công
Có nhà giáo dục đã nói "học sinh không phải là một chiếc bình cần phải đổ đầy, mà là một bó đuốc cần phải thắp sáng", chỉ thiên về trang bị kiến thức là đổ đầy, thậm chí nói nặng lời hơn là nhồi nhét vào đầu học sinh chứ không phải thắp sáng. Phải làm sao để chương trình giáo dục phổ thông không cướp đi tuổi thơ tươi vui, hồn nhiên và trong sáng, là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển cân đối, toàn diện và lành mạnh của thế hệ trẻ. 
 
Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là chương trình hiện hành cũng đưa ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng vì sao không đạt được yêu cầu. Câu hỏi đó chưa được giải đáp thì khó có thể đưa ra giải pháp bằng việc thay bằng một chương trình mới. 
Tôi cho rằng để chương trình, sách giáo khoa mới thực hiện được mục tiêu đúng đắn này, Chính phủ mà trực tiếp, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trả lời câu hỏi trên để làm rõ nguyên nhân, có làm rõ được nguyên nhân thì mới tìm ra được giải pháp phù hợp. Giáo dục đào tạo là một lĩnh vực rất cần đến các quyết định nhìn xa, trông rộng, nếu không đủ các cơ sở để bàn bạc kỹ thì sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, thiếu tính khả thi và 5-10 năm sau lại trở lại từ đầu.
Về các điều kiện bảo đảm thực hiện đề án, cần có 3 điều kiện sau đây:
Trước hết, phải đổi mới phương pháp dạy và học. Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, cần đổi mới phương pháp đào tạo bồi dưỡng giáo viên, đồng thời trao quyền tự quyết cao cho giáo viên và họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc lựa chọn sách giáo khoa để dạy. Đáng tiếc là đề án chỉ mới dừng lại ở những lời hứa hẹn, chưa có giải pháp gì cụ thể để cho thấy có triển vọng đổi mới trong lĩnh vực này. 
Điều kiện thứ hai là phải đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện đề án. Nếu không cải thiện được tình trạng 50, 60 em ngồi một lớp ở thành phố, cũng như tình trạng trường, lớp xuống cấp, xập xệ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thì khó có thể nói đến thành công của chương trình sách giáo khoa mới.
Một lo ngại nữa là nếu các trường không có kinh phí để mua nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, mỗi trường chỉ dùng một bộ sách giáo khoa thì kết quả vẫn là một chương trình, một sách giáo khoa, không phát huy được ưu thế của một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Tôi e có khả năng lặp lại tình trạng như trước năm 2000 dù có 3 bộ sách toán, 2 bộ sách văn, nhưng mỗi miền chỉ dùng một bộ.
ĐB Phạm Xuân Thăng - Hải Dương: Thương mại hóa sách giáo khoa, thách thức không nhỏ với học sinh nghèo
Tôi nhất trí với chủ trương cần xã hội hóa mạnh mẽ từ biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên, có ba vấn đề đặt ra khi xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa:
 
Thứ nhất, làm thế nào để giải quyết được những vấn đề đặt ra khi có sự tham gia cạnh tranh của nhiều nhà xuất bản. Nhiều chủ thể trong việc biên soạn sách giáo khoa, sẽ đẩy mạnh tính thương mại hóa của sách giáo khoa. Sách giáo khoa là một loại hàng hóa khá đặc biệt, được sử dụng một cách rộng rãi với số lượng rất lớn cho hàng chục triệu học sinh phổ thông. Vì vậy, sẽ thành một thị trường sôi động thu hút nhiều chủ thể tham gia, với sự hấp dẫn từ lợi nhuận in và bán sách. 
Từ đó, có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới môi trường giáo dục. Sự thương mại hóa sách giáo khoa còn dẫn tới việc học sinh nghèo, học sinh ở những vùng khó khăn, miền núi khó có điều kiện tiếp cận được những bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt và phù hợp nếu như thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ hai, làm thế nào để thẩm định một cách khách quan, chuẩn xác, kịp thời các bộ sách giáo khoa do nhiều chủ thể tham gia biên soạn để có những bộ sách có chất lượng tốt nhất. Đây là một thách thức gây áp lực lớn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo cũng như gây bối rối cho nhà trường, học sinh và phụ huynh.
Thứ ba, làm thế nào để giúp cho nhà trường quyết định một cách chuẩn xác trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho công tác giảng dạy. Đây là thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo nhà trường và từng giáo viên trong nhà trường. 
Lê Thị Hương - Thanh Hoá : Có nảy sinh cơ chế xin – cho?
“Một chương trình nhiều sách giáo khoa, theo tôi không ít những hệ lụy kèm theo, có rất nhiều câu hỏi đặt ra, chúng ta cần phải trả lời một cách thấu đáo. Ví dụ, vấn đề thi cử, kiểm tra đánh giá như thế nào khi có nhiều sách giáo khoa cùng song hành một lúc, tất cả những bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục thẩm định liệu có nảy sinh cơ chế xin - cho hay không? 
 
Việc triển khai nhiều sách giáo khoa không được gắn liền với những thay đổi như chất lượng giáo viên, trình độ, cách quản lý, cơ sở vật chất, giáo vụ trực quan và cách ra đề thi kiểm tra đánh giá thì sách giáo khoa sẽ không thể hiện tốt được vai trò của nó trong quá trình dạy và học. Ngoài ra cần phải chú ý đến việc triển khai thực hiện hết sức phức tạp, cần phải có những giải pháp hết sức mạnh mẽ và phù hợp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội mới có thể thực hiện tốt chủ trương này.”/.

Đọc thêm