Xử nghiêm - cách tốt nhất phòng tham nhũng

(PLO) - Trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (sẽ khai mạc vào ngày 20/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đơn vị bầu cử số 1 TP.Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm hôm 3/5. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Khánh Tùng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Khánh Tùng
Tại đây, cử tri đã gửi tới các ĐBQH những mối quan tâm về các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm như dịch sởi, tiến độ các dự án giao thông quan trọng, việc triển khai thi hành Hiến pháp và các đạo luật, những trăn trở trước tình trạng tham nhũng, lãng phí dù đã có nhiều nỗ lực phòng, chống… 
Theo cử tri quận Ba Đình, cần coi trọng và phát huy vai trò giám sát của Quốc hội trong việc xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ tha hóa, biến chất, tham nhũng, chú trọng chống lãng phí để tăng hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ ghi nhận các kiến nghị của cử tri và cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các địa phương cũng đã chọn các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp, trực tiếp chỉ đạo; đồng thời tăng cường thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng… 
Tuy thời gian qua, Đảng, Nhà nước thực hiện phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn nên Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cần tiếp tục quyết tâm, kiên trì hơn nữa trong hoạt động này, nhất là khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý nghiêm. Xử nghiêm là biện pháp để phòng tham nhũng tốt nhất”.
Song song với phòng, chống tham nhũng là phải đẩy mạnh chống lãng phí vì “lãng phí nhiều khi nguy hại hơn cả tham nhũng, lớn hơn cả tham nhũng”. Trong các biện pháp để đối phó với nạn lãng phí phổ biến hiện nay, Tổng Bí thư đặc biệt đề cập đến việc đổi mới tác phong cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính như là những biện pháp thiết thực, hiệu quả.
Trước mối quan tâm của cử tri về công tác lập pháp nhất là sau khi Hiến pháp được sửa đổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong các kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tập trung vào công tác xây dựng pháp luật để thể chế hóa các nội dung mới của Hiến pháp và sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành cho phù hợp để “nhanh chóng đưa tinh thần của Hiến pháp vào đời sống xã hội”. 
Giải đáp những quan tâm của cử tri Hà Nội về việc dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, Tổng Bí thư khẳng định: “Lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương đúng đắn, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; là giải pháp cần thiết, quan trọng trong công tác cán bộ và xây dựng Đảng. Tuy vậy, đây là lần đầu triển khai thực hiện, quá trình đó nhất thiết phải tiến hành rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn và xem xét thấu đáo để có bước lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Trước đó, tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội (đơn vị bầu cử số 1) khẳng định, quan điểm của Đảng và Chính phủ là sẽ từng bước chuyên trách ĐBQH để nâng cao hiệu quả hoạt động toàn diện trên các lĩnh vực. 
Theo cử tri quận Tây Hồ, trình độ của ĐBQH còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong hoạt động chất vấn khi không nắm rõ vấn đề. Cử tri cho rằng, cùng với việc chất vấn, Quốc hội cần đưa ra các giải pháp để hỗ trợ Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Đại diện ĐBQH thành phố thừa nhận, một phần cũng do hiện ĐBQH chuyên trách mới đạt trên 30%, còn lại cơ bản kiêm nhiệm.

Đọc thêm