Gian nan công tác thi hành án dân sự tại vùng biên giới
Công tác thi hành án dân sự (THADS) tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - địa phương vùng cao biên giới đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ địa hình hiểm trở đến trình độ dân trí còn hạn chế. Trong hành trình đó, những người làm công tác thi hành án dân sự phải vừa kiên trì thuyết phục, vừa linh hoạt xử lý tình huống, để mỗi bản án, quyết định được thực thi trong điều kiện nhạy cảm về chính trị và xã hội.
Trong những năm qua, công tác THADS luôn nhận được sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước. Pháp luật về THADS ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ chấp hành viên và công chức cũng được đảm bảo hơn.
Tuy nhiên, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là một huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống – công tác THADS vẫn còn nhiều gian nan. Mỗi năm, số vụ việc thi hành dao động từ 520–550 vụ, tuy không quá phức tạp nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, và địa hình đi lại hiểm trở.
Trong bối cảnh đó, Chi cục THADS huyện Trùng Khánh phải không ngừng kiên trì vận động, linh hoạt xử lý tình huống, đảm bảo pháp luật được thực thi mà vẫn giữ vững an ninh chính trị địa phương.
Vụ việc hy hữu: "Trả thay cũng không được!"
Một vụ việc điển hình đã xảy ra trong quá trình thi hành án tại một xã giáp biên giới. Theo bản án đã có hiệu lực, người phải thi hành án (chú ruột) phải trả chi phí thẩm định cho cháu ruột số tiền 5 triệu đồng. Tuy nhiên, người phải thi hành án là dân tộc Nùng, thuộc diện hộ nghèo, không có tài sản, ít hiểu biết pháp luật và khả năng giao tiếp tiếng phổ thông hạn chế.
Sau nhiều lần vận động không thành, Chi cục và chính quyền địa phương thuyết phục con trai thứ hai của người phải thi hành án vay mượn và tự nguyện nộp tiền thay cha. Khi cơ quan thi hành án thu tiền và viết biên lai xong, đoàn công tác chuẩn bị rời khỏi địa phương lúc 16h50 thì bất ngờ xảy ra sự cố.
Người phải thi hành án cùng con trai cả xuất hiện, chặn đầu xe của đoàn công tác, yêu cầu trả lại số tiền đã nộp và có lời lẽ xúc phạm người được thi hành án. Trước thái độ căng thẳng này, bà Chi cục THADS huyện Trùng Khánh đã kiên trì giải thích rằng việc đòi lại tiền là không có cơ sở, số tiền đã được con trai người phải thi hành án tự nguyện nộp, hoàn toàn hợp pháp và đúng quy định. Chấp hành viên cũng khẳng định con trai ông có đủ năng lực hành vi dân sự, nhận thức rõ việc mình làm, và không hề bị ép buộc.
Chi cục THADS huyện Trùng Khánh đề nghị người phải thi hành án chấp hành, không chặn xe, đồng thời mời ông đến cơ quan Thi hành án dân sự làm việc vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, bất chấp các lời giải thích, vận động liên tục từ chấp hành viên và chính quyền địa phương, người phải thi hành án vẫn cố tình chặn xe, không cho đoàn công tác ra về. Quá trình giằng co kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, từ 16h50 đến khoảng 18h30, trong khi người con trai cả dùng điện thoại quay video sự việc nhằm gây áp lực.
Đối diện với một người đã cao tuổi, có hành vi cố tình không hợp tác, lại là người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, việc xử lý tình huống đòi hỏi sự bình tĩnh, mềm dẻo nhưng cũng phải kiên quyết.
Phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời, bảo vệ người thi hành công vụ
Nhận thấy tình hình có thể phức tạp thêm, lãnh đạo đơn vị đã kịp thời hội ý với đoàn công tác, thống nhất gọi điện báo cáo Trưởng Công an xã đề nghị hỗ trợ, đồng thời thông tin sự việc lên lãnh đạo Cục THADS tỉnh Cao Bằng để có chỉ đạo kịp thời.
Ngay sau đó, lực lượng Công an xã gồm Trưởng Công an xã và 3 cán bộ công an đã nhanh chóng có mặt. Các cán bộ công an tiếp tục phối hợp giải thích cho người phải thi hành án hiểu rằng việc thu tiền là đúng quy định pháp luật, không có cơ sở đòi lại tiền. Tuy nhiên, bất chấp sự vận động, thuyết phục, người phải thi hành án vẫn kiên quyết chặn đầu xe và tiếp tục đòi tiền.
Trước tình thế không có chuyển biến, lãnh đạo Chi cục đã đề nghị lực lượng Công an xã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người phải thi hành án để làm cơ sở giải quyết vụ việc. Trong quá trình lập biên bản, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trùng Khánh đã trình bày toàn bộ diễn biến sự việc, cung cấp thông tin cần thiết cho lực lượng Công an.
Đến 20h00, việc lập biên bản hoàn tất và được thông qua trước sự chứng kiến của tất cả các thành phần liên quan. Sau khi được yêu cầu không tiếp tục cản trở phương tiện và đoàn công tác, người phải thi hành án mới chịu rút lui.
Kết thúc sự việc, trao đổi với Công an xã, lãnh đạo Chi cục được biết: nguyên nhân chính là do nhận thức hạn chế của người dân, do không chấp nhận nội dung bản án tuyên. Khi đã được giải thích rõ ràng, người phải thi hành án không còn thắc mắc gì và không có khiếu nại đối với cơ quan THADS. Cơ quan Công an xã cũng xác định do vụ việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm.
![]() |
Bài học rút ra từ thực tiễn thi hành án nơi vùng biên
Sự việc nêu trên cho thấy rõ những khó khăn đặc thù trong công tác THADS tại vùng cao biên giới. Đặc biệt, việc thi hành án không chỉ đòi hỏi cán bộ phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, mà còn cần có bản lĩnh vững vàng, kỹ năng vận động, thuyết phục khéo léo và khả năng xử lý tình huống nhạy bén.
Chia sẻ sau vụ việc, cán bộ Chi cục THADS huyện Trùng Khánh đã công tác trong ngành thi hành án nhiều năm, từng nhiều lần chứng kiến các vụ việc căng thẳng, chửi bới, xô xát giữa các bên đương sự, nhưng tình huống người dân chặn xe đòi lại tiền thi hành án như lần đó là lần đầu tiên.
Từ thực tế đó, việc nâng cao hiệu quả thi hành án tại vùng biên giới cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới từng thôn, bản; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an; kịp thời báo cáo cấp trên khi có tình huống phát sinh. Đặc biệt, cần áp dụng nghiêm túc Quy định số 183-QĐ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ người thi hành công vụ để đảm bảo an toàn cho cán bộ thi hành án.
Câu chuyện THADS nơi vùng cao không chỉ phản ánh những gian nan thầm lặng mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc đưa pháp luật đến gần hơn với người dân vùng biên, góp phần xây dựng một khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Lê Hanh