Vấn đề thiếu việc làm ở vùng cao đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Do điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng yếu kém và hạn chế về vốn, trình độ, nhiều người dân vùng cao, đặc biệt là thanh niên, không có nhiều cơ hội việc làm ổn định.
Xuất phát từ nguyên nhân đó, anh Nguyễn Tuyên Huấn - CEO & Founder Công ty cổ phần Cung ứng và Đào tạo nhân lực Việt Nam đã xây dựng và phát triển mô hình cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tại các khu công nghiệp, giải quyết được phần nào vấn đề việc làm cho nhiều người lao động.
Theo chia sẻ từ CEO công ty Cung ứng và Đào tạo Nhân lực Việt Nam, doanh thu của công ty năm 2021 là 9 tỷ, năm 2023 là 65 tỷ, năm 2024 dự kiến là 120 tỷ.
|
Nói thêm về nguồn thu, anh Huấn cho biết doanh thu của công ty dựa vào hai nguồn: một là từ việc cho thuê lao động, hai là giới thiệu lao động. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung ứng 100% lao động phổ thông cho 97% khách hàng là các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp.
Anh cũng tiết lộ, doanh nghiệp hiện tại đang có khoảng 1.800 lao động và hơn 30 khách hàng. Với bức tranh tài chính và tình hình hoạt động như trên, Founder nhân lực Việt Nam mong muốn kêu gọi 2 tỷ cho 10% cổ phần.
Với góc nhìn nhà đầu tư, Shark Minh Beta đặt câu hỏi về cách tính chi phí cho hai dịch vụ này và quan tâm phần chênh lệch giữa chi phí trả cho người lao động và số tiền thu được từ đối tác của doanh nghiệp. Chia sẻ rất chi tiết và rõ ràng, anh Huấn cho biết: “Cách tính chi phí sẽ phụ thuộc vào hợp đồng với khách hàng, ví dụ họ thuê người bên em, họ trả tiền cho em theo giờ, thì em sẽ tùy thuộc vào vùng người ta đang đặt, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, chuyên cần, đi lại,...”.
CEO công ty cung cấp nguồn nhân lực cũng nói thêm, với dịch vụ cho thuê lao động, phần thu chênh lệch sẽ khoảng 10 - 12%; còn dịch vụ môi giới startup sẽ nhận từ 15 – 15% trên tổng thu nhập của người lao động trong 90 ngày, tùy vào từng khách hàng thực tế. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ dịch vụ cho thuê lao động bởi đáp ứng được nhu cầu về lao động thời vụ của các nhà máy.
CEO Huấn tự tin cho rằng, ít nhất 5 - 10 năm tới, các nhà máy vẫn cần rất nhiều người lao động. Anh giải thích, để tạo ra được máy móc làm được những công việc giống như con người ở một giai đoạn nhất định thì chi phí đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí thuê người lao động tại Việt Nam làm ở đây.
Đánh giá đây là một startup rất nhân văn và đem lại rất nhiều giá trị cho xã hội, tuy nhiên mô hình này không hợp với khẩu vị thiên về công nghệ và có tiềm năng tăng trưởng cao của Shark Bình nên Chủ tịch NextTech quyết định không đầu tư. Shark Lê Mỹ Nga cũng có cùng quan điểm và không tham gia vào thương vụ này.
Cho rằng Shark Hưng là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Shark Minh Beta quyết định “nhường sân chơi” lại cho Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners.
Cùng quan điểm với Shark Minh Beta về người đồng hành tốt nhất cho startup, Shark Thái cũng quyết định không đầu tư.
|
Shark Hưng là người ra deal duy nhất với đề nghị 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần. Tuy nhiên, CEO Cung ứng và Đào tạo Nhân lực Việt Nam cho rằng công ty đã kinh doanh được một thời gian và cũng đã có kết quả nên mong muốn thương lượng mức cổ phần dưới 20%.
Trước tình huống này, vị “cá mập” gắn bó với Shark Tank Việt Nam 7 mùa đưa cho anh Huấn hai offer mới, 2 tỷ cho 18% hoặc 3 tỷ cho 25% cổ phần.
Được các Shark khác dặn dò “nhẹ tay", cuối cùng đã Shark Hưng đồng ý khép lại thương vụ với mức thỏa thuận 3 tỷ cho 21% cổ phần.