Sông rộng, cột cao, “anh” cũng trèo…
Sông Đà 11 cái tên xuất hiện gần như khắp nơi trên công trường đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên). Nói là khắp nơi vì nhà thầu này đảm nhận thi công 24 gói thầu xây lắp và cung cấp cột thép trên một phạm vi công trường dài hơn 500 cây số.
Việc nhiều, giá trị khối lượng thi công xây lắp rất lớn (hơn 1.600 tỷ đồng) nhưng thời gian hoàn thành đặt ra rất ngắn là một sức ép không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp như Sông Đà 11, buộc nhà thầu phải “tìm quân, chọn tướng” để đảm đương nhiệm vụ trên công trường.
Trong bối cảnh mọi việc đều thần tốc, kĩ sư Nguyễn Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà 11, người từng trải qua nhiều công trường xây lắp điện đã được giao nhiệm vụ thường trực chỉ huy các gói thầu trên toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3.
Phó Tổng Giám đốc Sông Đà 11 Nguyễn Văn Dũng (áo kẻ) báo cáo tiến độ thi công đường dây 500kV mạch 3 với lãnh đạo EVN/EVNNPT. |
- Ông từng tham gia nhiều công trình nguồn và lưới điện, vậy xin hỏi khi vào Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, ông có cảm thấy “ngợp” vì một “đề bài” được cho là khó từ chủ đầu tư, khi chỉ có 6 tháng để hoàn thành một công trình truyền tải trị giá gần 1 tỷ USD?
Tôi là dân kĩ thuật, đi nhiều công trường trong Nam ngoài Bắc, nhưng thú thật khi vào cuộc ở Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối cũng thấy áp lực lắm! Một “đề bài” khi mới cầm trên tay chuẩn bị “giải”, ai trong giới xây lắp điện cũng nói khó. Chỉ hơn 180 ngày làm sao có thể hoàn thành được 1.177 vị trí móng cột để treo sứ, kéo dây? Làm sao có thể “vượt nắng, thắng mưa” ở những nơi mà thời tiết, địa hình, địa chất khắc nghiệt và khó khăn như vùng Bắc Trung bộ?
Lúc đó, tập thể Sông Đà 11 - từ trên xuống dưới đã lan tỏa một tình thần, một quyết tâm, đó là: “Khó nhưng phải thử sức để biết giới hạn của mình đến đâu”.
Chúng tôi đã vào cuộc với phương châm như vậy nên các “nút thắt” trên công trường, có những lúc tưởng như không thể, nhưng rồi cũng dần dần vượt qua được. Giải quyết hết cái khó này đến cái khó khác thì coi như cả “bài toán” khó, toàn bộ phần việc của Sông Đà 11 ở dự án này đã được chúng tôi làm xong trong vòng hơn 6 tháng.
Xe cẩu bánh lốp 400 tấn, tầm vươn gần 160 mét phục vụ việc lắp đặt cột vượt sông Luộc. |
- Trên toàn tuyến dài hơn 500 cây số, Sông Đà 11 đã vào thầu 4/7 vị trí móng cột được cho là khó khăn nhất, với chiều cao 145 mét, lại phải kéo dây vượt sông Hồng và sông Luộc… Cột cao, sông sâu, thời tiết nắng mưa khắc nghiệt như thế thì “hóa giải” bằng cách nào?
Sông Đà 11 đã dựng tổng cộng 192 cột với tổng trọng lượng 22.000 tấn cột thép, trong đó có 2 vị trí móng, cột vượt sông Hồng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình (vị trí 119, 120) và 2 vị trí vượt sông Luộc đoạn qua Thái Bình, Hải Dương (vị trí 214, 215), với trọng lượng mỗi cây cột 426 tấn.
“Thi công đường dây 500 mạch 3 - một “đề bài” mà khi mới cầm trên tay chuẩn bị “giải”, ai cũng nói nó khó. Chỉ hơn 180 ngày làm sao hoàn thành được 1.177 vị trí móng cột để treo sứ, kéo dây? Làm sao có thể “vượt nắng, thắng mưa”, Phó Tổng Giám đốc Sông Đà 11 Nguyễn Văn Dũng
Chúng ta có thể hình dung một cột như thế cao ngang với một tòa tháp khoảng 40 tầng mà ta vẫn thấy trong các thành phố lớn. Nhưng thực tế cột của chúng tôi thi công ở giữa những đồng đất rất rộng, trên không trung nắng to gió lớn, phía dưới thì mênh mông sông nước... Đích thân Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần đến các vị trí này để chỉ đạo.
Khu vực này bùn lầy, nền đất rất yếu nên nhà thầu đã phải đóng xuống đây hàng vạn mét cọc. Quá trình thi công phải điều xe cẩu lớn loại (400 tấn), có tầm vươn gần 160 mét mới chinh phục được độ cao 145 mét vượt sông. Việc huy động thiết bị lắp dựng cột ở đây là chưa từng có trong lịch sử thi công đường dây ở Việt Nam.
Thực tế, nếu không cơ giới hóa, không đem thiết bị siêu trường siêu trọng ra công trường mà làm theo theo kiểu thủ công với cẩu nhỏ 200 tấn thì phải mất 2,5 tháng mới xong, trong khi trên thực tế chúng tôi hoàn thành nó trong vòng 40 ngày. Việc này chi phí thi công bị có đội lên nhưng tiến độ thì đảm bảo theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Để leo lên đỉnh cột cao 145 mét, công nhân trèo cột phải có sức khỏe, kinh nghiệm và phải mất từ 50 - 90 phút để đến xà trên cùng. |
- Ngoài thiết bị và phương án thi công phù hợp, sự “già dơ” của những người lính thợ Sông Đà chắc chắn đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chinh phục những điểm cao của công trình đặc biệt này, thưa ông?
Những cây cột với độ khó như thế đòi hỏi những người thợ phải có tinh thần thép mới ngồi được ở trên đó làm việc. Tôi nhẩm tính cả “làng” xây lắp điện hiện nay có khoảng 500 công nhân có khả năng, đủ sức khỏe để trèo cột cao. Từ dưới lên tới đỉnh cột phải mất từ 50 - 90 phút, tùy vào kinh nghiệm và sức chịu đựng của từng công nhân, và không phải ai cũng làm được việc này, bởi nếu không chuyên thì chỉ lên tới chục mét, gặp nắng to, gió lớn là hoa mắt, chóng mặt rồi.
Cả Sông Đà 11 có khoảng hơn 80 công nhân có khả năng leo cột, đều được huy động cho công trình quan trọng này. Anh, em làm việc trong điều kiện thời tiết miền Bắc nắng nóng khắc nghiệt ở trên cao, trong khi phía dưới, có đoạn, công nhân của chúng tôi phải bơi hoặc đầm mình dưới nước để kéo dây vượt sông Hồng. Những lúc cao điểm thi công, còn phải canh giờ để tránh va chạm với phương tiện thủy trên sông mà căng dây lên cột.
Để thi công cột vượt sông Hồng, đơn vị xây lắp phải phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn thi công trên không và dưới mặt nước. |
“Tay anh phá đá, tay em đào sỏi” ở miền Trung
- Tôi biết có những thời điểm anh em kĩ sư, công nhân Sông Đà 11 đã phải đối mặt với những tình huống rất cam go, đúng như lời câu hát “tay anh phá đá, tay em đào sỏi” trên những cung đoạn qua khu vực miền Trung, thưa ông?
Nhắc đến miền Trung thì ai cũng biết khắc nghiệt đến mức nào! Ở đây, chúng tôi có 6 gói thầu do Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung điều hành, trong đó vị trí khó nhất chính là Gói thầu 38 (đoạn Diễn Châu, Nghệ An). Nó khó vì đường lên vị trí thi công phải đào đắp đất đá rất vất vả, dốc cao. Còn Gói thầu 37 (đoạn Nghi Lộc, Nghệ An) thì đúng nghĩa là “va” phải đá, phải khoan gõ nhiều ngày, thậm chí phải làm thủ tục để nổ mìn phá đá mới đổ được bê tông.
“Ngày nào, anh em cũng bắt đầu công việc từ 5h30 sáng tới 10 giờ đêm. Đơn vị tôi, có anh suốt hơn 7 tháng, mà chỉ về nhà thăm gia đình… 2 lần. Thế mới biết là anh, em đã hy sinh những điều riêng tư, rất quyết tâm vì công việc chung”, Phó Tổng Giám đốc Sông Đà 11 Nguyễn Văn Dũng
Vào hè, ở đây nắng khủng khiếp! Có những lúc, bất ngờ chạm tay vào cột thép ngoài trời mà tưởng như tay mình bị bỏng. Gió cũng không thua gì nắng. Tôi nhớ có hôm đang kéo dây, gió mạnh tới mức quật bay cả dây thép, phải chờ dứt cơn mới lại tiếp tục.
Thêm nữa, cung đoạn này có những vị trí cột nằm ngay giữa rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, rừng sản xuất, buộc phải khoanh vùng bảo vệ không được phép động tới rừng. Nếu ngoài Bắc, khó kiểu kéo dây vượt sông rộng thì trong này, anh em phải dùng thiết bị bay trên không để kéo dây cáp vượt qua những tán rừng chứ không được chặt cây, phá cành.
Tổng Giám đốc Sông Đà 11 Lê Anh Trình có mặt động viên công nhân Sông Đà 11 thi công tại vị trí đặc biệt khó khăn ở miền Trung (Gói thầu 37, đoạn qua Nghệ An). |
- Dự án đường dây 500kV mạch Quảng Trạch - Phố Nối thi công hoàn thành trong vòng hơn 6 tháng, được nhiều người coi là “Kỳ tích ngành Điện”. Là một trong những đơn vị góp phần làm nên “kỳ tích” này, có điều gì mà “quân, tướng” Sông Đà 11 chưa từng kể về những ngày lăn lộn trên công trường?
Giờ mọi việc đã hoàn thành, dòng điện đã thông suốt từ miền Trung ra miền Bắc, ngồi nghĩ lại mới thấy sự nỗ lực lao động và quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành là rất lớn!
Tổng kết công việc, Sông Đà 11 đã tham gia hơn 10% tổng giá trị dự án. Việc bố trí nhân, vật lực làm việc với cường độ cao để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng của dự án là điều đương nhiên - nhà thầu nào cũng phải thực hiện như thế.
Chúng tôi đã tham gia công trình này với tinh thần “vượt lên chính mình”, không né việc khó, làm hết sức vì thương hiệu Sông Đà 11. Thậm chí, có hạng mục nếu tính toán theo bài toán kinh tế của doanh nghiệp là lỗ, nhưng không vì thế mà không vượt qua.
Cá nhân tôi là người thường trực chỉ huy ngoài công trường, “3 cùng” với anh em công nhân, một tháng mới về đơn vị một lần để xử lý công việc. Ngoài công trường, ngày nào anh em cũng bắt đầu công việc từ 5h30 sáng tới 10 giờ đêm.
Đơn vị tôi, có anh suốt hơn 7 tháng, chỉ về nhà thăm gia đình, vợ con được… 2 lần. Thế mới biết là anh, em đã hy sinh những điều riêng tư, và rất quyết tâm vì công việc chung.
Cấp trên của tôi, thì cứ Thứ 7, Chủ Nhật là thay đồ, lên xe xuống công trường kiểm tra, đôn đốc, thăm hỏi. Công việc nặng nhọc, thậm chí có lúc nguy hiểm nhưng được sự động viên kịp thời về tinh thần lẫn vật chất nên anh em rất yên tâm.
Không chỉ lãnh đạo công ty tôi mà lãnh đạo EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT)… cũng thường xuyên có mặt ngoài hiện trường để quan sát, chỗ nào chưa tốt là chấn chỉnh ngay, chỗ nào làm tốt, các bác ấy thưởng “nóng” liền.
Tôi nghĩ tất cả những yếu tố đó đã giúp cho chúng tôi có động lực hoàn thành dự án đúng tiến độ, đúng như yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Dự án có quy mô tương tự phải mất 2-3 năm
Dự án đường dây 500kV mạch 3 dài 519 km, có 1.177 vị trí cột, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh, với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Đây là các công trình truyền tải điện đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, bổ sung công suất từ khu vực Bắc Trung Bộ cho khu vực miền Bắc, giảm tải cho các đường dây 500kV hiện hữu.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ ngành, địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã nỗ lực hoàn thành, đóng điện sau hơn 6 tháng. Đây là thời gian thi công ngắn kỷ lục, vì các dự án có quy mô tương tự phải mất từ 2-3 năm.