Theo Reuters, thông tin về sự hiện diện của tên lửa của Trung Quốc (TQ) tại đảo Phú Lâm được hãng tin Fox News đăng tải đầu tiên. Theo đó, hãng tin này cho biết, những hình ảnh từ công ty vệ tinh dân sự ImageSat International cho thấy hình ảnh của 2 bộ nạp năng lượng của 8 bệ phóng tên lửa đất đối không ở Phú Lâm.
Theo Fox News, hệ thống tên lửa này được đưa đến đảo Phú Lâm trong tuần qua bởi theo những hình từ vệ tinh, một bãi biển trên đảo Phú Lâm vẫn còn trống vào ngày 3/2 nhưng đến ngày 14/2 đã nhìn thấy tên lửa ở đó. Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đã bị TQ chiếm đóng trái phép hơn 40 năm qua.
Fox News cũng cho biết, một quan chức của quân đội Mỹ đã xác nhận về sự hiện diện của tên lửa do TQ triển khai tại đảo Phú Lâm. Vị quan chức này cũng nhận định rằng, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy đó có thể là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn khoảng 200km. Vị quan chức này nói thêm rằng, hệ thống tên lửa như vậy sẽ là một mối đe dọa đối với bất kỳ máy bay dân sự hay quân sự nào đang bay ở gần đó. Thiếu tướng David Lo - Người phát ngôn lực lượng phòng vệ Đài Loan – cũng xác nhận việc triển khai hệ thống tên lửa của TQ.
Thông tin về việc triển khai tên lửa của TQ được đưa ra trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN vừa kết thúc một hội nghị cấp cao ở California. Trong hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cấp thiết của việc giảm thiểu căng thẳng ở khu vực nhưng không đề cập cụ thể đến hành động hung hăng của TQ nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền vô lý của nước này ở biển Đông. “Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết phải có các bước đi cụ thể ở biển Đông để giảm căng thẳng, trong đó có việc dừng cải tạo, xây mới và quân sự hóa các khu vực có tranh chấp” – ông Obama cho biết tại một cuộc họp báo.
Đô đốc Harry Harris – Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - nói rằng việc triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa không phải là hành động bất ngờ nhưng là một động thái đáng quan ngại và nó đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa khu vực từng được giới chức TQ nhiều lần khẳng định. Ông Harris một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện thêm các hoạt động tự do hàng hải để đảm bảo quyền di chuyển không bị ngăn trở của các nước ở biển Đông.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng TQ trong một tuyên bố gửi tới Reuters nói rằng thông tin về việc triển khai tên lửa là sự thổi phồng của báo chí phương Tây. Trong khi đó, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị không phủ nhận việc nước này triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm và đề nghị báo chí phương Tây nên chú ý đến “những ngọn hải đăng mà TQ đang xây dựng”.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng nhận định việc triển khai tên lửa sẽ đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao hơn. “Chúng tôi thúc giục tất cả các bên cùng làm việc để giải quyết tình hình dựa trên các nguyên tắc giải pháp hòa bình và tự kiềm chế” – bà Thái nói.
Các nhà phân tích cho rằng việc tăng cường hiện diện quân sự của TQ tại vùng biển có tranh chấp có thể đưa đến việc Bắc Kinh thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực. “Việc triển khai tên lửa củng cố quan điểm cho rằng TQ có ý đồ tăng cường việc kiểm soát vùng biển quốc tế này, trong đó có khả năng tuyên bố một ADIZ” - Rory Medcalf, Người đứng đầu trung tâm nghiên cứu về an ninh quốc gia thuộc Trường Đại học Quốc gia Australia nhận định.
Còn bà Mira Rapp-Hooper – một chuyên gia về biển Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới – cho biết, đây không phải lần đầu tiên TQ đưa vũ khí tới Hoàng Sa. Tuy nhiên, bà cho rằng việc điều động tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm là bước phát triển đáng chú ý và có thể là nỗ lực của TQ nhằm phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải của các nước tại khu vực này trong thời gian qua.