Khi hỏi chuyện về loài khỉ, cụ Nguyễn Thị Ào (77 tuổi) ở thôn Bất Mê, xã Thành Công cho rằng khỉ không sợ đàn bà, nhiều lần cụ gặp khỉ trong hẻm núi nhưng chúng cũng chỉ lấp ló ở thân cây.
Theo lời ông Long, người ở trong làng, xưa kia có ông Nẳm người ở thôn Thủ Chính, xã Thành Trực là một thợ săn nức tiếng. Nhiều lần ông Nẳm rình khỉ ăn trộm ngô nhưng không gặp.
Hôm ấy ông Nẳm nằm phục thì bắt gặp khỉ mẹ cõng khỉ con trèo trên cành đa. Ông Nẳm liền giương nỏ bắn hạ khỉ mẹ rơi xuống đất, còn khỉ con thì cứ ôm chặt lấy mẹ, khóc không khác gì trẻ con. Ông Anh, người ở làng bên thấy vậy nên mới gỡ khỉ con ra rồi mang về nuôi, nó sống được vài hôm thì chết.
Nói về chuyện người hóa khỉ, cụ Ào kể: “Người Mường xưa truyền lại, trước kia ở một gia đình nọ có hai đứa con đòi ăn cơm nhưng cơm chưa chín. Thấy vậy, bà mẹ mới tức giận rồi buông những lời đuổi mắng.
Bà mẹ vội lấy cơm nóng rồi đơm vào tay cho con. Do cơm nóng nên người con mới vứt vội xuống đất. Thấy vậy, bà mẹ mới chửi: “Sao chúng mày không ăn mà lại vứt đi”. Sẵn đôi đũa bà mẹ mới đánh vào đầu con. Thấy vậy, nên chúng mới rủ nhau chạy vào rừng, trèo lên cây đa để hái quả rồi biến thành khỉ.
Người cha đi cúng giỗ về biết chuyện nên mới gọi với lên cây và bảo: “Về mà ăn cơm, cha đi cúng được đùi gà rừng, một chõ cơm nhuộm đỏ, kéo nhau về mà ăn”.
Người con mới hú lại bảo: “Con ăn quả sấu đã no, quả đa đã đặm, nằm cành cây sanh, cây đa đã ấm. Ban đêm con đã có hang có hốc, con không còn là con của bố nữa...”. Kể từ đó hai đứa con không về nhà, chúng mọc đuôi, ra lông chạy nhảy tung tăng ở trong rừng.
Về sau mỗi khi cho con ăn cơm, người Mường thường kiêng kỵ không đánh đũa lên đầu con. Họ lấy câu chuyện đó để giáo dục con cái lúc no, lúc đói.
Theo lời cụ Quế, các cụ ngày xưa kể lại rằng, năm xưa có một đôi vợ chồng nuôi khỉ. Lúc đi làm nương, họ để con mình ở nhà cho khỉ trông và dặn: “Ở nhà nhớ trông em, cõng em đi chơi…”. Lúc hai vợ chồng về thì thấy chú khỉ cõng đứa con của mình lên ngọn cây cau.
Bà vợ thấy vậy liền quát tháo: “Tại sao mày lại đưa con lên cây? Mày muốn sống thì mang nó xuống đây, nếu không tao đánh mày chết”. Sau câu nói ấy, con khỉ này liền ném đứa con xuống đất rồi chạy thẳng vào rừng.
Kể từ đó người Mường đã biết lựa lời chọn những câu nói nhẹ nhàng. Họ không dám gắt gỏng, chửi bới nên khỉ cũng ngoan ngoãn nghe theo.
Ngày nay trong cộng đồng Mường có rất nhiều gia đình nuôi khỉ, thậm chí khỉ còn giúp người làm việc. Cụ Quế bảo: “Mình mà hung hăng với nó thì nó cũng hung hăng lại. Nó hiểu được tiếng người nên ở bản mới có nhiều câu chuyện cổ về khỉ như vậy”.
Lý giải những câu chuyện về khỉ, các nhà khoa học còn cho rằng khỉ có khả năng nhớ lại những ký ức và các kỷ niệm giống như con người. Họ đã đưa khỉ đi thử nghiệm và kết luận rằng những con khỉ có bộ nhớ tương đương bộ nhớ của con người.
Loài vật này cũng có khả năng nhận thức. Hầu hết chúng ta đều có thể tận dụng khả năng nhận thức để tránh nguy hiểm trước khi chúng ta có ý thức. Các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện những con khỉ cũng có khả năng này.
Tương tự như cách mà con người đưa ra sự lựa chọn của mình, những con khỉ cũng có thể đưa ra quyết định dựa trên những gì chúng cảm nhận. Những con khỉ có thể cân nhắc hai lựa chọn và chọn ra sự lựa chọn tốt nhất.
Khỉ cũng đưa ra những quyết định phức tạp. Các nhà nghiên cứu tại New York đã thử nghiệm xem các tế bào thần kinh của khỉ phản ứng như thế nào khi chúng phải đưa ra quyết định. Kết quả cho thấy rằng quá trình đưa ra quyết định ở khỉ không phải luôn luôn ổn định, tương tự như khi một con người phải suy nghĩ đưa ra hướng giải quyết vấn đề.