Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

(PLVN) - Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ James Kraska nhận định, "Việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "khu Tây Sa” và "khu Nam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982".
 Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ James Kraska.

PV: Quyết định của Trung Quốc thành lập cái gọi là "khu Nam Sa” và "khu Tây Sa” được cho là nhằm thúc đẩy chiến lược “Tứ Sa” mà Trung Quốc công bố hồi năm 2017 thay thế cho “đường 9 đoạn” vốn bị Toà Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ hồi năm 2016. Mưu đồ này của Trung Quốc là khá rõ ràng và nằm trong những tính toán lâu dài của nước này trong khu vực. Ông đánh giá như thế nào về những tính toán nói trên của Trung Quốc?

Giáo sư James KraskaCái gọi là "khu Tây Sa” và "khu Nam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực bởi nó vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc xâm phạm đến lãnh thổ, quyền chủ quyền và sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác.

Việc triển khai lực lượng quân đội để tiến hành những hành vi nói trên đã vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc mà chính Trung Quốc cũng đã từng vi phạm vào năm 1974 khi nước này tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV].

Rõ ràng, những hành vi gây bất ổn cho hoà bình và an ninh khu vực của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong khu vực cũng như kéo theo sự tăng cường hiện diện quân sự tại các quốc gia ngoài khu vực.

Cái gọi là "khu Tây Sa” và "khu Nam Sa” của Trung Quốc còn vi phạm hàng loạt các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đáng chú ý nhất là Điều 56 UNCLOS, trong đó cho phép các quốc gia ven biển thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong EEZ, các quốc gia ven biển mà trong trường hợp này là Việt Nam có quyền đánh bắt cá, khai thác các nguồn tài nguyên, trong đó có dầu mỏ và khí đốt.

Hành động này của Trung Quốc còn vi phạm điều 87 và 58 của UNCLOS trong đó khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cũng như phần lớn các điều khoản trong Phần V và Phần VI của UNCLOS liên quan đến EEZ cũng như thềm lục địa của Việt Nam trong vùng biển này.

PV: Phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế (PCA) hồi tháng 7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông có thể được áp dụng trong vụ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là khu “Tây Sa” và khu “Nam Sa” không?

Giáo sư James KraskaPhán quyết của PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2016 có thể được áp dụng trong trường hợp này. Chiếu theo nội dung phán quyết của PCA, có thể thấy rõ Trung Quốc đã rất phi lý khi ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là khu “Nam Sa” và khu “Tây Sa”.

Phán quyết của PCA nêu rõ, UNCLOS bao trùm toàn bộ khuôn khổ pháp lý trên đại dương và việc một quốc gia tuyên bố thiết lập các khu vực hành chính ngay trong khu vực thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước khác đã vi phạm nghiêm trọng nội dung phán quyết năm 2016 của PCA.

PV: Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế về những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua? Các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần làm gì để ngăn chặn có hiệu quả những hành vi sai trái của Trung Quốc?

Giáo sư James Kraska:  Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước phải tập chung chống lại đại dịch Covid-19 hòng đạt được “những mục tiêu chiến lược” mà nước này đề ra trên Biển Đông. Đó cũng chính là lý do những hành vi sai trái của Trung Quốc chưa vấp phải nhiều sự phản đối mạnh mẽ như trước đây.

Tôi cho rằng, các nước trong và ngoài khu vực mong muốn duy trì thượng tôn pháp luật trên biển cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS ở Biển Đông cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn nữa.

Hơn thế nữa, các nước trong khu vực, trong đó có Malaysia, Philippines và Việt Nam nên đàm phán để đạt được “quan điểm chung” liên quan đến vấn đề Biển Đông trước khi cùng truyền đạt quan điểm chung này tới Trung Quốc. Điều này là bởi, Trung Quốc vẫn đang thực thi chính sách “chia để trị” đối với các nước và cách duy nhất để các nước có thể phản ứng hiệu quả hơn với những hành vi sai trái của Trung Quốc là đoàn kết chặt chẽ với nhau.

Ngoài ra, việc các nước trong khu vực có thể đoàn kết chặt chẽ với nhau sẽ tạo điều kiện để các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ có thể hỗ trợ tốt hơn nữa quá trình đàm phán với Trung Quốc của các quốc gia nói trên.

PV: Xin cảm ơn ông.!

Đọc thêm