Trung Quốc: Lần đầu công khai vụ án quan chức cao cấp thuê người giết vợ

(PLO) -Trong lịch sử nước CHND Trung Hoa, kể từ 1949 có một vụ án quan chức phạm tội giết người bị tử hình khi đang nắm giữ các kỷ lục: là cán bộ cấp cao nhất bị tử hình vì tội giết người; thời gian ngắn nhất từ khi khởi tố đến khi thi hành án; có học vị cao nhất, nhưng phạm sai lầm sơ đẳng…Người đó là Lã Đức Bân, Phó tỉnh trưởng Hà Nam. Vụ án xảy ra đã lâu nhưng thông tin bị phong tỏa, mới đây đã được báo chí Trung Quốc đăng tải chi tiết nhằm mục đích cảnh báo…
Lã Đức Bân đi thăm cánh đồng lúa mạch biến đổi gene
Lã Đức Bân đi thăm cánh đồng lúa mạch biến đổi gene

Năm 2005, cả Trung Quốc chấn động bởi tin: Lã Đức Bân - Phó tỉnh trưởng (Phó chủ tịch) Hà Nam, Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc - bị tử hình vì “có dấu hiệu phạm tội hình sự”.

Khi đó nhiều người thấy khó hiểu: Lẽ nào một quan to như thế lại đi cướp, giết, hiếp hay phóng hỏa không thành? Mãi đến gần đây, vụ việc mới được làm sáng tỏ, chân dung một quan chức có học nhưng máu lạnh thuê người giết và băm xác vợ đã hiện rõ…

“Hạt giống đỏ” được ưu tiên đi Mỹ du học

Lã Đức Bân sinh tháng 5/1953 tại vùng nông thôn huyện Yên Lăng, Hà Nam, có một tuổi thơ khốn khó. Bố bị tàn tật, mẹ bị bệnh nặng, từ nhỏ Bân đã chịu khó chịu khổ vừa đi học vừa lao động. 

Điều kiện học tập rất kém, nhưng Bân rất giỏi giang, 18 tuổi đã là Bí thư chi đoàn thôn. Năm 1975, tuy chỉ mới tốt nghiệp Sơ trung (lớp 9), nhưng Bân được địa phương tiến cử giới thiệu vào theo học tại Đại học Nông nghiệp Hà Nam theo diện ưu tiên chính sách cho “hạt giống đỏ”. Bân không bỏ qua cơ hội quý giá này miệt mài học tập, tranh thủ sự giúp đỡ của những người thày để đạt thành tích tốt nhất.

Năm 1982, sau khi học xong nghiên cứu sinh, Bân bỏ qua cơ hội về Bộ công tác, ở lại trường giảng dạy, sau đó có đợt tuyển chọn nghiên cứu sinh đầu tiên sang Mỹ du học sau “Cách mạng Văn hóa”, Bân là người duy nhất của trường được chọn. Trước đó, Bân vừa kết hôn với cô bạn học cùng trường Quách Lệ Quyên.

Tháng 5/1982, Bân xin được học bổng của trường Đại học Kansas. Nửa năm sau, người vợ cũng mang theo đứa con chưa đầy tuổi sang ở cùng. Tại Mỹ, Bân rất cần cù học tập, đầu tiên là học suốt ngày đêm để vượt qua cửa ải ngôn ngữ.

Khi đó, hai nước chưa công nhận văn bằng của nhau nên Bân phải học thi lại bằng Thạc sĩ. Là du học sinh tự túc, Bân phải đi làm công cho thày giáo để có tiền trang trải sinh hoạt, vừa học vừa làm để nuôi gia đình. Trong thời gian này, Bân còn là Hội phó Hội du học sinh Trung Quốc ở Mỹ.

Năm 1988, sau 6 năm cần cù học tập, Bân đỗ được bằng Tiến sĩ. Bân đã từ chối lời mời của các công ty, nhà trường Mỹ, Nhật, Philippines và cả cơ hội được công tác ở Bắc Kinh để về trường cũ “báo hiếu”.

Lã Đức Bân dự họp Chính Hiệp toàn quốc
Lã Đức Bân dự họp Chính Hiệp toàn quốc

Sự nghiệp thăng hoa, bất hòa… với vợ

Trong thời gian về công tác tại Đại học Nông nghiệp Hà Nam, Lã Đức Bân giành được nhiều thành quả khoa học, trong đó công trình nghiên cứu biến đổi gene Tiểu Mạch đạt tới trình độ hàng đầu quốc tế khiến Bân trở thành chuyên gia hàng đầu về giống Tiểu Mạch, được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện, được mời làm Cố vấn cho Tổ chuyên gia Bộ trưởng.

Do thành tích công tác xuất sắc, Lã Đức Bân được giao giữ các chức Viện trưởng Nông nghiệp, Hiệu phó ĐH Nông nghiệp Hà Nam, được cấp trên coi là đối tượng bồi dưỡng để giữ cương vị cao hơn. Giữa lúc sự nghiệp đang thăng hoa thì “sân sau” bốc lửa!

Thời kỳ đầu sau khi kết hôn, tình cảm vợ chồng giữa Lã Đức Bân với Quách Lệ Quyên rất tốt, nhưng cảnh đó không lâu. Sau khi cuộc sống của họ được ổn định, hai người bất đồng sâu sắc trong việc chăm sóc bố mẹ Bân. Bân là người con có hiếu, tự nhận thấy có trách nhiệm phải chăm sóc cha mẹ đã già cả ốm yếu nên thường xuyên đón người cha tàn tật từ quê ra sống cùng ở Trịnh Châu để phụng dưỡng, cô em gái út cũng theo ra, ăn ở trong nhà anh.

Bân cũng yêu cầu vợ phải hiếu thuận với cha mẹ chồng, phục vụ việc ăn uống, hầu hạ khi ốm đau…Quách Lệ Quyên là kiểu phụ nữ trí thức, sau khi về nước công tác tại Trung tâm bồi dưỡng ĐH Nông nghiệp, gánh nặng công việc và chăm sóc con gái đã khiến bà rất mệt, nay thêm người nhà chồng đến sống gây đảo lộn nếp sinh hoạt khiến bà bất bình, từ đó vợ chồng họ nảy sinh mâu thuẫn và ngày thêm gay gắt.

Trong việc chăm sóc cha mẹ chồng, tuy Quyên đã cố gắng nhưng vẫn không làm Bân hài lòng. Bân thường chê trách vợ trước mặt lãnh đạo và đồng nghiệp khiến cả trường đều biết chuyện bất hòa trong gia đình họ. Năm 1996, sau khi Bân được bổ nhiệm Hiệu phó, quan hệ giữa họ đã bộc lộ gay gắt đến mức không thể điều hòa. Tháng 11/1997, hai bên thỏa thuận ly hôn, con gái do Quách Lệ Quyên nuôi.

Lã Đức Bân gặp bạn cũ
Lã Đức Bân gặp bạn cũ

Sai lầm từ chuyến về quê tìm vợ ít học

Thất bại trong hôn nhân với Quách Lệ Quyên khiến Lã Đức Bân mệt mỏi, nhưng là người “chết cũng giữ thể diện”, Bân luôn tỏ ra không hối tiếc, đổ lỗi nguyên nhân tan vỡ do vợ là trí thức thành phố, xinh đẹp, thích sự nghiệp, là hiền thê lương mẫu, nhưng không muốn làm con dâu hiếu thuận, nếu lấy vợ là phụ nữ nông thôn thì mọi chuyện đã khác.

Năm 1998, sau khi bàn bạc với cha, Bân quyết định về quê tìm người vợ mới theo 3 điều kiện: văn hóa càng thấp càng tốt; người càng xấu càng tốt; phải tình nguyện chăm sóc bố chồng (lúc này bà mẹ đã qua đời).

Theo điều kiện này, cuối năm 1998, Bân tìm được Trần Tuấn Hồng, một người kém Bân 14 tuổi, diện mạo rất bình thường, là người khác xã cùng huyện Yên Lăng. Hồng chưa học hết cấp 2, xưa nay chỉ ở nhà làm ruộng.

Tháng 8 năm đó, Hồng đến nhà Bân với tư cách bảo mẫu để chăm sóc ông bố Bân đang nằm liệt giường, lúc đó cô ta 32 tuổi. Được một thời gian, ông bố ca ngợi Hồng hết lời. Cuối năm 1999, sau 1 năm thử thách, Bân chính thức kết hôn với Hồng, bà ta trở thành “phu nhân Hiệu trưởng”.

Cuối năm 2000, bà Hồng sinh con trai. Là trí thức, đảng viên nhưng Lã Đức Bân quan niệm phong kiến rất nặng nên khi vợ sinh con trai, ông ta bày tỏ biết ơn và càng sủng ái, yêu chiều Hồng. 1 năm sau, Bân được vinh thăng lên chức Phó tỉnh trưởng, được chuyển vào ở trong căn nhà rộng hơn 200m2 ở khu nhà cán bộ cao cấp đường Đông Minh, Trịnh Châu; cuộc sống có bảo mẫu chăm sóc, có xe đưa đón. Đầu năm 2003, Bân giới thiệu để vợ vào làm tại Phòng Tư liệu Viện Nông nghiệp thuộc ĐH Nông nghiệp Hà Nam. 

Từ một phụ nữ nông thôn thứ thiệt, nay trở thành một công chức nhà nước, tính tình Trần Tuấn Hồng dần thay đổi. Trước đây, Hồng quen hầu hạ người khác, nay nhờ chồng bỗng trở thành nhân vật quan trọng, được người xung quanh tâng bốc, nịnh nọt, bà ta dần “vươn mình”, bắt đầu sai khiến người khác, coi lái xe hay thư ký của chồng như gia nô, hễ điều gì không vừa lòng là lớn tiếng chửi bới với những lời lẽ khó nghe.

Lã Đức Bân
Lã Đức Bân

Trước sự thay đổi của vợ, Lã Đức Bân  mặc dù cũng đã có sự chuẩn bị tâm lý, nhưng cũng thấy rất mất mặt. Bân cố lựa lời khuyên bảo, giảng giải nhưng Hồng vẫn không nghe, ngày càng tai quái. Sự ngang ngược, kiêu ngạo của vợ khiến Bân thấy bị tổn thương, dần dần nảy sinh chán ghét.

Lúc này, qua một người cấp dưới giới thiệu, Bân đã quen với Trương Hải, một “em gái” xinh đẹp trong ngành lâm nghiệp. Hai người dần phát triển thành quan hệ tình ái; mặc dù Bân đã ra sức che giấu, nhưng tháng 2/2003, Hồng vẫn phát hiện được “tổ con tò vò”…/. (Còn tiếp)

Đọc thêm