Trung Quốc thông qua luật thúc đẩy y học cổ truyền

(PLO) - Trung Quốc mới đây đã thông qua luật nhằm hỗ trợ đưa y học cổ truyền Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo AFP, Luật y dược học cổ truyền Trung Quốc gồm 9 chương 63 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, giúp người bệnh có thêm những lựa chọn về liệu pháp chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh. Luật mới này được soạn thảo và thông qua nhằm bảo vệ và tạo cơ sở cho sự phát triển của y dược học cổ truyền Trung Quốc với việc yêu cầu chính quyền các khu vực phải lập các cơ sở y dược học cổ truyền trong các bệnh viên công và các trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên cả nước. 

Thêm vào đó, theo quy định của luật trên, những người hành nghề liên quan đến y dược học cổ truyền tại Trung Quốc sẽ có thể tham gia các kỳ thi để được cấp bằng cho phép học hành nghề y dược học cổ truyền tại các bệnh viện và phòng khám hay khám, chữa bệnh tự do. Cho đến nay, những người hành nghề y dược học cổ truyền tại Trung Quốc vẫn không được cấp bằng bác sỹ vì các cơ sở đào tạo y khoa tại Trung Quốc vẫn ưu tiên Tây y. 

Ngoài ra, luật trên cũng quy định rằng y dược học cổ truyền và Tây y là ngang bằng, tạo cơ sở để việc đào tạo những người hành nghề y dược học cổ truyền được tốt hơn. Cũng theo luật này, việc trao đổi quốc tế và hợp tác toàn cầu để phát triển ngành y dược học cổ truyền tại Trung Quốc thời gian tới sẽ được tăng cường mạnh. 

Phó Chủ nhiệm Phòng Luật Hành chính Ban Công tác pháp chế Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Hoàng Vi trong bài phát biểu về luật trên được Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc dẫn lời cũng cho hay, đi đôi với việc đẩy mạnh hỗ trợ, bộ luật cũng đã tăng cường giám sát quản lý đối với y dược học cổ truyền Trung Quốc, với các quy định chặt chẽ về việc trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong y dược học cổ truyền Trung Quốc. 

“Trong chương trách nhiệm pháp lý, đã quy định trách nhiệm pháp lý rõ ràng đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là nhằm vào hành vi vi phạm pháp luật sử dụng các chất độc hại cao, thuốc trừ sâu có độc tính cao trong quá trình trồng dược thảo, đã quy định rõ trách nhiệm pháp lý khá nghiêm khắc, ngoài tiến hành xử phạt thông thường theo pháp luật và quy định liên quan ra, tình tiết nghiêm trọng còn phải còn phải xử phạt giam giữ hành chính” – bà cho hay.

Lĩnh vực y dược học cổ truyền Trung Quốc được cho là đã phần nào bị lãng quên kể từ khi thuốc Tây được đưa vào nước này dưới triều đại nhà Thanh (1644-1912). Không giống như các bác sỹ đa khoa, những người hàng nghề chữa bệnh bằng thuốc cổ truyền tại Trung Quốc thường học các kỹ thuật chữa bệnh từ một người “thầy” thay vì được đào tạo bài bản tại các trường đại học. 

Tuy nhiên, cho đến nay, y dược học cổ truyền Trung Quốc đang dần có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo sách trắng do Văn phòng thông tin Hội đồng nhà nước Trung Quốc xuất bản hồi tháng 12/2016, tại Trung Quốc hiện có 3.966 bệnh viện và 42.528 phòng khám y dược học cổ truyền với tổng cộng khoảng 452.000 đang hành nghề. Những bệnh viện và phòng khám này chữa trị và tư vấn cho khoảng 910 triệu lượt người mỗi năm.

 Ngành y dược học cổ truyền tại Trung Quốc đã gây được tiếng vang mạnh khi hồi tháng 10 vừa qua, thầy thuốc Tu Youyou đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên được trao giải Nobel y học vì công trình nghiên cứu bào chữa thuốc chống sốt rét từ các phương thuốc cổ truyền. 

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, hiện có 103 nước thành viên của tổ chức này đã chấp thuận việc chữa bệnh bằng liệu pháp châm cứu và giác hơi, 29 nước đã thông qua luật về dược học cổ truyền và 18 nước có quy định bao gồm châm cứu và giác hơi trong danh sách các phương pháp chữa bệnh được hưởng bảo hiểm y tế. 

Đọc thêm