Mở đầu bài viết “Tại sao Trung Quốc lại tức tối với một trận đấu bóng chuyền”, nhà phân tích của Hiệp hội Chính sách đối ngoại Mỹ Mark C.Eades nhắc lại phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/6 về hoạt động giao lưu giữa Hải quân Việt Nam và Philippines trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh”. Tuy nhiên, nhà phân tích khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và phần còn lại trên biển Đông thực tế là thứ hoàn toàn có thể phản bác được.
Ông C.Eades khẳng định, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích biển Đông dựa vào “đường 9 đoạn” mà nước này tự công bố và không được bất cứ ai công nhận, trừ người Trung Quốc. Tác giả cũng tái khẳng định việc Trung Quốc luôn đi quanh và dựa trên những quan điểm của Bắc Kinh để tự đưa ra phiên bản “thực tế” của riêng nước này mà không để ý đến việc toàn thể thế giới nghĩ gì.
Theo ông C.Eades, Trung Quốc là một bậc thầy trong việc tạo ra những tác phẩm hoàn toàn hư cấu về địa chính trị và sau đó tự thuyết phục rằng đó là những sự thực “không thể chối cãi”. Cũng theo nhà phân tích trên, vấn đề ở đây là việc Trung Quốc không thể thuyết phục bất cứ ai tin vào những tác phẩm hư cấu của mình.
Ông C.Eades nhận định, căng thẳng trên biển Đông trong thời gian qua giữa Việt Nam và Trung Quốc là do việc Trung Quốc mới đây đã hạ đặt một giàn khoan dầu ở gần quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Nhà phân tích nêu việc Trung Quốc đã đưa vụ việc ra Liên Hợp quốc, cáo buộc Việt Nam “cản trở bất hợp pháp hoạt động khoan dầu của Trung Quốc và đâm vào các tàu của nước này”; và rằng quần đảo Hoàng Sa “là một phần cố hữu của lãnh thổ Trung Quốc, là nơi không có tranh chấp”.
Song, ông C. Eades khẳng định với việc làm này, Trung Quốc lại một lần nữa tự tạo các thực tế như nước này vẫn thường làm. Trung Quốc đã tuyên bố cái “không thể tranh cãi” trong khi nó hoàn toàn có thể bị bác bỏ.
Cùng chung nhận định về hành vi tự tạo “thực tế” mới trên biển Đông của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam đã tuyên bố ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, nhà báo kỳ cựu Graeme Dobell trong bài viết có nhan đề “Chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông” đăng tải trên tờ National Interest nhận định, Trung Quốc đã chuyển từ chiến lược cắt lớp sang chiến lược đóng cọc trên biển Đông.
Theo nhà báo này, sau khi tự tạo một “thực tế” mới nói trên, Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện thực hóa hiện thực mà nước này đang cố tạo ra. Đầu tiên, hồi tháng trước, tàu của Trung Quốc đã đâm và làm chìm 1 tàu cá của Việt Nam. Mới đây, Việt Nam đã trình chiếu hình ảnh về việc một tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Cảnh sát Biển Việt Nam hôm 1/6.
Nhà báo Dobell nhắc lại bình luận của tờ Wall Street Journal về vụ việc: “Vụ va chạm mới nhất cho thấy Trung Quốc sẽ không điều chỉnh các hành động của mình trong các khu vực có tranh cãi trên biển Đông, bất chấp một loạt chỉ trích từ các quan chức cao cấp của Australia, Nhật Bản và Mỹ tại Đối thoại Shangri-La giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo quân sự”.
Ông Dobell cho rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc đã thể hiện đầy đủ các chính sách đóng cọc, liều lĩnh của nước này. Ông khẳng định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm toàn bộ về những hành vi của quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan năng lượng của họ. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng các nước Đông Nam Á cần thay đổi cách ứng phó với Trung Quốc khi nước này đang đi khắp nơi để tự tạo các thực tế nhằm ủng hộ tuyên bố chủ quyền của nước này và rõ ràng không có thiện chí để đạt được một thỏa thuận đa phương với các nước Đông Nam Á.