Trung Quốc phải bỏ chính sách ngoại giao giàn khoan

(PLO) - Tờ Bangkok Post ngày 30/6 đăng tải bài xã luận vạch rõ chính sách ngoại giao của Trung Quốc trên biển Đông. Xã luận của tờ báo cho rằng, Trung Quốc phải chuyển chính sách ngoại giao giàn khoan cứng rắn của mình thành các cuộc đàm phán thực chất với ASEAN để giải quyết các bất đồng trên biển Đông.
Những giàn khoan dầu của Trung Quốc. Ảnh: Internet
Theo xã luận của Bangkok Post, những bất đồng giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trong thời gian qua vẫn tiếp tục dai dẳng. Trong suốt gần như cả tháng trước, Trung Quốc đã cố tình làm dấy lên những căng thẳng, đặc biệt là với Việt Nam. 
Công cụ chính để Trung Quốc đẩy mạnh những căng thẳng này chính là một giàn khoan dầu. Theo bài xã luận, một giàn khoan dầu có vẻ là một công cụ lạ trong ngoại giao trên biển nhưng Trung Quốc lại đang sử dụng vũ khí độc nhất này để thúc đẩy các mục tiêu của họ và đối đầu với những nước có mâu thuẫn.
Từ tháng 5 vừa qua, giàn khoan của Trung Quốc đã bắt đầu khoan tìm kiếm dầu trong vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. 
Trước động thái này của Việt Nam, theo xã luận của tờ Bangkok Post, Trung Quốc như thường lệ, với những tấm bản đồ “độc nhất vô nhị” đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước, lớn tiếng nói rằng giàn khoan của CNOOC đang hoạt động hoàn toàn trong vùng biển của Trung Quốc. Với Bắc Kinh, bản đồ của họ mới là chuẩn. Trung Quốc tự mình tuyên bố một cách công khai rằng 90% diện tích biển Đông thuộc lãnh thổ của họ và tất cả những thứ dưới đáy biển là của họ. 
Tuyên bố ngang ngược nói trên của Trung Quốc đã bị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và cả vùng lãnh thổ Đài Loan phản đối. Trong khi đó, phương pháp của Trung Quốc để giải quyết những bất đồng nói như vậy chỉ đơn giản là bác bỏ, từ chối thảo luận những mâu thuẫn và nếu cần thiết là sử dụng vũ lực để hỗ trợ cho những giải pháp này. 
Trong 10 ngày vừa qua, Trung Quốc đã tiếp tục điều thêm 4 giàn khoan nữa khiến cho tình hình càng trở nên nguy hiểm. Thông báo của  Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) về việc mở thêm 4 điểm khai thác mới ở các khu vực phía Đông và phía Tây biển Đông được Bangkok Post diễn giải như sau: Theo chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí nhà nước này dự định sẽ củng cố thêm các tuyên bố chủ quyền của bộ máy nhà nước bằng sự kết hợp khai thác dầu nhằm mục đích kinh tế và sự hiện diện quân sự của các tàu bảo vệ bờ biển cũng như tàu hải quân của Trung Quốc được huy động để bảo vệ các giàn khoan. 
Cũng theo bài xã luận, các mục tiêu rõ ràng của hình thức ngoại giao pháo hạm trong thế kỷ 21 này là Việt Nam và Philippines. Trong thời gian qua, hàng loạt các vụ bạo lực đã xảy ra. Hải quân Trung Quốc đã tấn công, làm hư hại tàu của Việt Nam. Sự nguy hiểm của chính sách ngoại giao này là điều có thể thấy rõ. 
Trong trường hợp này, theo Bangkok Post, Trung Quốc cần phải chuyển chính sách ngoại giao giàn khoan cứng rắn của mình thành các cuộc đàm phán thực chất. Bằng cách tham gia vào các cuộc thảo luận với khối ASEAN và các thành viên của khối, Trung Quốc có thể thiết lập một cách thức thỏa đáng hơn để giải quyết các tranh chấp. 
Song, bình luận trên tờ South China Morning Post, ông Mark Valencia – một học giả cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc gia về biển Đông tại Hải Nam, Trung Quốc - cho rằng, có rất ít hy vọng đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). 
Theo ông Valencia, cuộc họp của nhóm làm việc chung giữa ASEAN và Trung Quốc về việc thi hành Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mới đây tại Bali (Indonesia) là bước tiến triển tốt. Nhưng thực tế thì trong vòng 12 năm từ khi Tuyên bố này được thông qua cho đến nay, các bên vẫn chỉ thảo luận về những nguyên tắc chủ chốt chung như tăng cường lòng tin chính trị, cam kết tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển cũng như Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác năm 1976, tôn trọng độc lập và chủ quyền của mỗi nước. 
Ông Valencia nhận định, còn rất nhiều trở ngại cơ bản khiến ASEAN và Trung Quốc khó đạt được COC, thậm chí một văn bản có tính ràng buộc yếu hơn cũng là điều khó có thể đạt được. Trong bối cảnh đó, theo vị học giả này, ASEAN cần phải đoàn kết trong mong muốn đạt được COC cũng như cách giải thích về Bộ Quy tắc này.