Trung Quốc kéo giàn khoan thứ hai ra Biển Đông

(PLO) -Trang web Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17/6 cho biết, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan dầu thứ 2 ra Biển Đông. 
Trung Quốc kéo giàn khoan thứ hai ra Biển Đông
Giàn khoan "Nam Hải số 9" (Nan Hai Jiu Hao) sẽ được tàu kéo Đức Gia kéo từ vị trí có tọa độ 17°38 vĩ độ Bắc 110°12.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 17°14.1 vĩ độ Bắc 109°31 vĩ độ Đông trên Biển Đông. 
Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6. Giàn khoan Nam Hải số 9 có chiều dài tổng cộng 600 m và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ.
Giàn khoan Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi nặng 21.714 tấn và được chế tạo năm 1988.
Nam Hải 9 có cùng chủ sở hữu với Hải Dương 981 là Công ty Dịch vụ Giếng dầu Trung Quốc (COSL), công ty con của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Giàn khoan"Nam Hải số 9" của Trung Quốc. Ảnh: Shipspotting.
Giàn khoan"Nam Hải số 9" của Trung Quốc. Ảnh: Shipspotting. 
Nam Hải số 9 có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 1.615 m, độ khoan sâu tối đa 7.620 m với đầy đủ chức năng khoan, hoàn thành và sửa chữa.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) nhấn mạnh, chưa rõ là giàn khoan có nằm trong vùng biển tranh chấp hay không.
Theo giới phân tích, khi TQ ngày càng quả quyết hơn trong tham vọng chủ quyền trên biển, cũng như đẩy mạnh việc lùng sục năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, thì chính những tập đoàn dầu khí đã trở thành công cụ chính sách hàng hải. 
Với giàn khoan nước sâu đầu tiên Haiyang Shiyou 981 mà hiện TQ đã đơn phương triển khai trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, giới phân tích nhấn mạnh, có sự tương quan chặt chẽ giữa quan điểm chính sách chính thức của Trung Quốc và cả các lợi ích quốc gia với khát khao mở rộng của CNOOC ở Biển Đông. 
Vị trí của Nam Hải 9 ngày 18/6 được xác định bằng bản đồ của Google. Ảnh chụp màn hình.
Vị trí của Nam Hải 9 ngày 18/6 được xác định bằng bản đồ của Google. Ảnh chụp màn hình. 
Khi đó, hoạt động sản xuất dầu khí trở thành một công cụ chính sách hiệu quả dù người chơi đóng vai nhà nước hay tư nhân.
Báo chí Trung Quốc cho biết, nước này đã đóng mới ít nhất là ba giàn khoan tương tự như Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Những giàn khoan này có số hiệu HD 982, 943 và 944, tổng trị giá các giàn khoan này lên đến 1 tỷ USD.
Với tuổi thọ dự tính 25 năm, giàn khoan Hải Dương-982 được thiết kế phù hợp hoạt động ở độ sâu tới 1.500 m ở mọi vùng biển trên thế giới, khoan sâu tối đa tới 9.144 m, mang hệ thống định vị động lực DP3, và dự tính sẽ được bàn giao vào tháng 8.2016.
Giàn khoan Hải Dương-943 sẽ được thiết kế là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, và có thể khoan sâu tối đa tới 10.668 m.
Giàn khoan Hải Dương-944 cũng sẽ được thiết kế là giàn khoan tự nâng, chủ yếu hoạt động ở các khu vực đất mềm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, có thể khoan sâu tối đa tới 9.144 m. Hai giàn khoan Hải Dương-943 và Hải Dương-944 dự kiến sẽ lần lượt được hoàn thiện vào tháng 9 và tháng 10.2015.
Trước đó, từ đầu tháng 5, CNOOC đã triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa./.

Đọc thêm