Theo hãng tin trên, báo cáo độc lập do 2 học giả của Trường Đại học Harvard soạn thảo đã xác định 16 nước mà Trung Quốc đang nhắm đến để áp dụng “chính sách ngoại giao sổ nợ”, trong đó Pakistan, Djibouti và Sri Lanka được cho là những nước dễ bị tổn thương nhất. Theo báo cáo, có một số cách mà Trung Quốc và các công ty nhà nước của nước này tận dụng những khoản nợ để giúp đạt được các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Trong một số vụ việc, cơ sở hạ tầng được xây dựng với những khoản nợ của Trung Quốc, sau đó cho phía Trung Quốc thuê lại để trả khoản nợ ban đầu.
Ví dụ, năm 2017, một cảng biển không có lợi nhuận của Sri Lanka được xây dựng với những khoản nợ hàng tỉ USD từ Trung Quốc đã được giao cho các công ty nhà nước của Trung Quốc thuê trong 99 năm để trả lại khoản nợ của nước này. Đồng tác giả báo cáo Sam Parker cho biết, có những quan ngại rằng những cảng biển như vậy có thể được các tàu hải quân của Trung Quốc sử dụng ngay khi chúng nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh. “Rõ ràng có khả năng những cảng biển đó có thể chuyển đổi từ thương mại sang thành thi thoảng có các chuyến thăm, thành cơ sở hậu cần, thành nơi phục vụ vì mục đích nhân đạo rồi cuối cùng là một căn cứ quân sự”, ông Parker nói.
Tại Thái Bình Dương, các nước như Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga đều đang nợ Chính phủ Trung Quốc hàng tỉ USD. Các nước này có vị trí địa lý nằm bao quanh các nước đồng minh của Mỹ là Australia, New Zealand. Theo báo cáo, Vanuatu – nước cách bờ biển Australia khoảng 2.500km – cũng đã vay ít nhất 270 triệu USD từ Trung Quốc trong vòng 10 năm qua, chiếm đến 35% tổng GDP của nước này. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull mới đây cũng đã cho biết ông rất quan tâm tới các căn cứ quân sự nước ngoài được xây dựng ở khu vực Nam Thái Bình Dương sau khi có các thông tin cho biết Trung Quốc đang bàn với Vanuatu để cho phép quân đội Trung Quốc đồn trú ở nước này. Song, Trung Quốc và Vanuatu sau đó đều đã bác bỏ tin đang tiến hành thảo luận về việc cho phép quân đội Trung Quốc hiện diện ở đảo này.
Ngoài ra, cũng có lo ngại ở Washington rằng Trung Quốc đang trên đà giành được quyền kiểm soát một cảng thương mại lớn ở Djibouti, nơi cả Trung Quốc và Mỹ đều đã có các căn cứ quân sự. Học giả Gabrielle Chefitz của Trường Đại học Harvard, là đồng tác giả của báo cáo, cũng cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng những khuyến khích về hạ tầng ở Biển Đông để làm giảm bớt những phản đối đối với các tham vọng chủ quyền của nước này ở khu vực.
Phản hồi các thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tại một cuộc họp báo khẳng định chính sách đối ngoại của Trung Quốc là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. “Các nước khác cần phải cẩn trọng về quan điểm của họ và cũng không nên giả định rằng hợp tác kinh tế giữa các nước đang phát triển luôn có động cơ chính trị”, ông Lục nói.
Về phía Mỹ, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy và duy trì những thực tiễn quốc tế tốt nhất được chấp nhận trong phát triển cơ sở hạ tầng và tài trợ. “Chúng ta cần đảm bảo rằng bên nhận có các lựa chọn để cho phép họ duy trì được chủ quyền và kiểm soát được tương lai của nền kinh tế”, vị quan chức nói.