Trung Quốc: Thị trường thuận lợi để gia tăng kim ngạch xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đang giảm mạnh ở nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam. Trước tình hình đó, việc tập trung vào thị trường Trung Quốc được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong tình thế xuất khẩu đang rất khó khăn hiện nay.
Hội nghị giao ban được tổ chức sáng 28/4/2023.
Hội nghị giao ban được tổ chức sáng 28/4/2023.

Vướng mắc thương mại sẽ sớm được tháo gỡ

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4 nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, để bù đắp cho sự khó khăn của các thị trường khác. Trung Quốc được nhìn nhận là thị trường thuận lợi nhất để gia tăng kim ngạch XK trong tình thế tổng cầu trên toàn thế giới suy giảm mạnh.

Tại Hội nghị, ông Ninh Thành Công - Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, quý I/2023 tình hình hợp tác thương mại của Trung Quốc với các đối tác lớn đều suy giảm, trong đó, mức giảm của Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia khác. Đáng chú ý, theo ông Công, “sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí để giải quyết các vướng mắc về thương mại giữa 2 bên”.

Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng khẳng định, quan hệ ngoại giao song phương tiếp tục phát triển là thuận lợi lớn cho kết nối thương mại giữa 2 quốc gia. Hiện nhiều địa phương của Trung Quốc như Sơn Đông, Trùng Khánh đều đã có kế hoạch cụ thể tới Việt Nam để tăng cường kết nối hợp tác thương mại.

Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu quý I/2023 được ông Huy đưa ra cho thấy, Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 18,57 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm này được ông Lương Văn Tài - Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhấn mạnh, mặc dù kim ngạch XK sang Trung Quốc ghi nhận mức giảm 5,9% nhưng đây là mức giảm thấp nhất so với nhiều thị trường lớn khác. Ví dụ, nhiều đối tác lớn XK sang Trung Quốc cũng đều ghi nhận mức giảm cao như Nhật Bản (giảm 19,5%), Hàn Quốc (giảm 28,2%) hay Đài Loan (Trung Quốc - giảm 28%). Ngay trong khối ASEAN, các đối tác thương mại chính của Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm trong XK như Malaysia (giảm 11,3%), Thái Lan (giảm 17,4%), Singapore (giảm 25,3%) hay Philippines (giảm 20,7%).

Ông Tài cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm đến từ việc một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong XK sang Trung Quốc giảm. Ví dụ như nhóm hàng điện cơ - thiết bị điện khí và linh kiện giảm (kim ngạch đạt 10,8 tỷ USD, giảm 9,7%).

Tính riêng theo từng địa phương của Trung Quốc, kim ngạch XK quý I/2023 của Việt Nam sang Quảng Tây đang cao nhất với trị giá đạt khoảng 8,2 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ 2022 và chiếm tỷ trọng gần 31,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây. Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Quân - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây), việc phía Trung Quốc điều chỉnh theo hướng nới lỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan sang thị trường này.

Xây dựng phương án xuất khẩu có trọng tâm, trọng điểm

Theo ông Lương Văn Tài, thời gian vừa qua, xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) XK thủy sản của Việt Nam chưa kịp đăng ký gia hạn XK trên Hệ thống thương mại một cửa của Trung Quốc (theo Lệnh 248) khiến hoạt động XK của một số DN bị gián đoạn. Do đó, ông Tài lưu ý, DN cần chủ động trong việc đăng ký gia hạn XK trên hệ thống một cửa này, tránh đăng ký gia hạn vào gần thời điểm hết hạn do cùng một thời điểm, Hải quan Trung Quốc phải xử lý rất nhiều hồ sơ của nhiều đối tác cùng lúc.

Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc cũng cho biết, hệ thống này sẽ ngay lập tức dừng tư cách XK của DN nếu như DN đã hết hạn và phải đến khi hoàn thành thủ tục mới được cấp phép XK trở lại. Và Cơ quan quản lý phía Trung Quốc (cụ thể là Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Hải quan Trung Quốc) cũng không thể can thiệp được theo đề nghị của Bộ NN&PTNT Việt Nam như tinh thần hai bên đã trao đổi tại buổi làm việc cấp Cục vừa qua.

Bên cạnh đó, ông Tài cũng lưu ý, các DN XK trái cây cần làm tốt công tác quản lý vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại trên sản phẩm khi thời gian qua, Hải quan Trung Quốc đã nhiều lần phát hiện các sinh vật gây hại trên các lô hàng chuối, mít và thanh long của Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Phú - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) khẳng định, XK nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn rủi ro. Nguyên nhân là do còn một bộ phận không nhỏ hàng hóa XK sang Trung Quốc thông qua đường biên mậu. Bên cạnh đó, thương nhân Trung Quốc hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thu gom sản phẩm tại vùng sản xuất, quan hệ mua bán không theo các quy tắc thương mại quốc tế nên bên bán bị động, rủi ro, khó quản lý, điều tiết. Chưa kể, những năm gần đây Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ việc quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa, nhất là đối với nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu bằng các Lệnh số 248 và 249.

“Nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam XK vào Trung Quốc nói chung, thị trường tỉnh Quảng Đông nói riêng chủ yếu dưới dạng nguyên liệu như mặt hàng gạo, thủy sản, trái cây. Sản phẩm chế biến sâu và thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường này còn ít. Đáng tiếc, về sản xuất, một số nông sản Việt Nam vẫn còn hiện tượng sản xuất, nuôi trồng ồ ạt mỗi khi thị trường được giá như đang xảy ra với sầu riêng, dẫn đến thua thiệt, vỡ trận khi thị trường mất giá, gây áp lực lên tiêu thụ, trong đó có XK” - ông Phú đánh giá.

Đáng chú ý, theo ông Phú, hiện nông sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh đến từ sản phẩm cùng loại của thị trường sở tại khá nhiều khi Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo… Cụ thể, tỉnh Quảng Đông đã có một số sản phẩm như vải thiều (1,5 triệu tấn/năm), nhãn (1 triệu tấn/năm), chuối (4,8 triệu tấn/năm), thanh long (380 ngàn tấn/năm), xoài (trên 200 ngàn tấn/năm), chanh leo (220 ngàn tấn/năm). Diện tích và sản lượng các loại trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam, hoặc đang tăng trưởng mạnh. Chưa kể, nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều thị trường khác như Philippines, Campuchia, Lào…

Hầu hết đại diện thương vụ Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc đều cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, Việt Nam nên xây dựng phương án có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc vài nhóm mặt hàng có thế mạnh XK nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Ví dụ, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam (là 2 sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được) nhằm tạo thương hiệu hàng Việt, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Tận dụng lợi thế thời gian, chi phí vận tải hàng hóa

Ông Nguyễn Hữu Quân - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) thông tin, biên phòng Quảng Tây đã công bố 14 biện pháp “Thúc đẩy thông suốt cửa khẩu, mở cửa và phát triển” như ủng hộ việc kéo dài thời gian thông quan, thực hiện thông quan bình thường vào cuối tuần và các ngày lễ; thiết lập luồng thông quan nhanh cho xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu quan trọng qua biên giới; Ủng hộ đẩy nhanh khôi phục thông quan hàng hóa tại các lối mở phù hợp quy định.

Ngoài ra, địa phương này cũng tiến hành cấp đổi giấy thông hành cho cư dân biên giới là lái xe chở hàng qua biên giới thông qua hình thức trực tuyến hẹn trước, giảm thời gian xếp hàng tại quầy thụ lý hồ sơ; Mở luồng xuất nhập cảnh chuyên dụng cho lái xe chở hàng qua biên giới tại các cửa khẩu trọng điểm, tạo thuận lợi cho lái xe di chuyển giữa các bãi hàng hai nước, nâng cao hiệu suất hoạt động vận tải qua biên giới. Theo ông Quân, chính việc này đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan.

Xuất khẩu sang Trung Quốc nên tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Xuất khẩu sang Trung Quốc nên tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Bà Triệu Thúy Nga - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh cho biết, tháng 3/2023, cửa khẩu Quả Viên cảng (TP Trùng Khánh) đã trở thành cửa khẩu đầu tiên của Trùng Khánh đạt tiêu chuẩn trực tiếp nhập khẩu lương thực. Cửa khẩu Quả Viên Cảng là cửa khẩu đầu mối kết nối 3 loại hình vận tải đường thủy, đường sắt và đường bộ. Trong đó, Quả Viên Cảng đã kết nối với tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội (Việt Nam) đến Trùng Khánh (qua cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường); Thời gian vận chuyển chỉ khoảng 4 - 5 ngày.

“Cửa khẩu Quả Viên Cảng được phê duyệt là cửa khẩu chỉ định nhập khẩu lương thực là điều kiện thuận lợi nếu DN Việt Nam lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt liên vận quốc tế bởi vừa giảm giá thành vận tải, tiết kiệm thời gian và nhân lực vừa an toàn, hiệu quả. Hàng hóa XK từ Việt Nam còn có thể đến Trùng Khánh và kết nối với chuyến tàu liên vận Trung Quốc - châu Âu, từ Trùng Khánh đi châu Âu (qua Kazakhstan, Nga, Bealrus, Ba Lan, Đức), thời gian khoảng 20 - 25 ngày (tuần 2 chuyến). Nếu vận tải đường biển đi từ Việt Nam mất khoảng 45 - 50 ngày” - bà Nga nhận định.

Như vậy, trong thời gian tới, hàng hóa XK của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có nhiều thuận lợi thông qua tất cả các loại hình vận tải, trong đó có những loại hình mới xuất hiện nhưng hiệu quả XK sẽ khá cao do tiết kiệm được thời gian, chi phí. Do đó, đại diện thương vụ Việt Nam tại các địa phương ở Trung Quốc đều cho rằng, vấn đề còn lại là DN Việt cần phải thay đổi để nắm bắt cơ hội này.

Đọc thêm