Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh mạng gây tranh cãi

(PLO) - Trong tuần qua Trung Quốc đã thông qua một đạo luật an ninh nhằm kiểm soát và thắt chặt những mối đe dọa về khủng bố an ninh mạng, tuy nhiên đạo luật này đã vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Nhu cầu khách quan

Theo hãng tin Reuters, đạo luật này được Quốc hội Trung Quốc thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2017. Đây được coi là “nhu cầu khách quan” của nước này vì Trung Quốc có một mạng lưới internet quá rộng lớn và cần phải được kiểm soát. 

Các nhà bình luận chính trị quốc tế nói rằng, đạo luật an ninh này của Trung Quốc đe dọa đến sự tiếp cận của các công ty nước ngoài ở các lĩnh vực được cho là “quan trọng”, trong đó có cả những tranh cãi khi nước này yêu cầu các công ty nước ngoài phải sao lưu tất cả dữ liệu trên máy chủ ở Trung Quốc. 

Những người ủng hộ đạo luật của chính quyền nói rằng đạo luật sẽ tăng cường hạn chế trên mạng Internet của Trung Quốc, mọi thông tin phải được kiểm duyệt chặt chẽ với phần mềm được gọi là Great Firewal (Vạn lý tường lửa). Yang Heqing, một quan chức trong ủy ban thường trực Quốc hội nói rằng, mạng internet có mối quan hệ sâu sắc với an ninh và sự phát triển của quốc gia.

“Trung Quốc có mạng lưới Internet rộng khắp và mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng là quốc gia có nguy cơ khủng bố an ninh mạng lớn nhất, do vậy cần phải khẩn trương thiếp lập một hệ thống pháp lý an ninh mạng hoàn hảo nhằm kiểm soát một cách chặt chẽ nhất”, ông Yang nói.  

Các công ty nước ngoài phản ứng

Trước tình hình trên, hồi tháng 8, hơn 40 nhóm kinh doanh toàn cầu đã kiến nghị lên Thủ tướng Lý Khắc Cường, thúc giục Bắc Kinh sửa đổi đạo luật gây tranh cãi trên. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc lại trấn an rằng sẽ không can thiệp đến lợi ích kinh doanh của các công ty nước ngoài. 

Trong dự thảo cuối cùng trình lên Quốc hội vẫn còn những quy định gây tranh cãi, trong đó có đoạn: yêu cầu các doanh nghiệp khi “khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” như dịch vụ thông tin, năng lượng, giao thông, tài chính và các lĩnh vực quan trọng khác… phải lưu trữ thông tin cá nhân và dữ liệu kinh doanh quan trọng ở Trung Quốc; “hỗ trợ kỹ thuật” cho các cơ quan an ninh nếu có yêu cầu nhằm phục vụ quá trình điều tra…

Những yêu cầu trên đã dấy lên những quan ngại đối với các công ty nước ngoài rằng, họ phải bàn giao tài sản trí tuệ hoặc rắc rối hơn là phải mở một cánh cửa bên trong phần mềm của sản phẩm của mình nhằm quản lý hoạt động tại thị trường Trung Quốc. 

Mơ hồ, không rõ ràng

Ông James Zimmerman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho rằng, đạo luật này là “mơ hồ, không rõ ràng, các cơ quan quản lý thì giải thích một cách khái quát, mông lung”. 

Còn theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), các quy định của đạo luật, chẳng hạn như quy định về hình sự hóa khi sử dụng internet để “âm mưu lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa”, “bịa đặt, loan tin giả để gây rối trật tự kinh tế”  hoặc “phá vỡ sự đoàn kết quốc gia”, sẽ làm hạn chế hơn nữa việc tự do trực tuyến trong bối cảnh internet vốn đã cô lập của Trung Quốc.  

Tuy nhiên, ông Zhao Zeliang, Cục trưởng Cục Quản lý không gian ảo của Trung Quốc nói với phóng viên rằng, mỗi câu chữ trong đạo luật đều phù hợp với quy tắc thương mại quốc tế và Trung Quốc cũng không ý định đóng cửa các công ty nước ngoài. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ rằng, luật pháp đã có những quy định tương tự các nước khác trên thế giới và cũng sẽ không có sự phân biệt giữa các công ty nước ngoài và của Trung Quốc. 

Năm ngoái Bắc Kinh cũng đã thông qua một đạo luật về an ninh mạng sâu rộng bao quát mọi vấn đề từ chủ quyền lãnh thổ đến các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh mạng. Nội dung chính của luật này, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPC) thông qua, là làm cho tất cả các cơ sở hạ tầng mạng chính và các hệ thống thông tin trở nên “an toàn và có thể kiểm soát”. 

Đọc thêm