KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ CHO TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tài chính trở thành thành viên

(PLVN) - Các doanh nghiệp tài chính đáp ứng điều kiện sẽ được đăng ký thành viên Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) và hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù trong phạm vi Trung tâm. Đây là một trong những nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi Việt Nam quyết tâm xây dựng TTTCQT tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Phải có đầy đủ điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế . (Ảnh minh họa: baoquocte.vn)
Phải có đầy đủ điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế . (Ảnh minh họa: baoquocte.vn)

Hai cơ chế trở thành thành viên Trung tâm

TTTC là một thiết chế kinh tế, là địa điểm tập trung nhiều công ty và nhân lực tham gia vào các ngành ngân hàng, quản lý tài sản, bảo hiểm hoặc thị trường tài chính với các sàn giao dịch và dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động này. Ngoài ra, thiết chế này còn bao gồm các trung gian tài chính (như ngân hàng và môi giới tài chính), nhà đầu tư (như nhà quản lý đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ phòng hộ) và nhà phát hành tài chính (như các công ty và Chính phủ). Hoạt động giao dịch có thể diễn ra tại các địa điểm như sàn giao dịch và liên quan đến các trung tâm thanh toán bù trừ, hoặc các giao dịch diễn ra trực tiếp giữa những người tham gia. Các TTTC thường có sự xuất hiện các công ty cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính như liên quan đến sáp nhập và mua lại, chào bán công ty hoặc tham gia vào các lĩnh vực tài chính khác như vốn cổ phần tư nhân và tái bảo hiểm; các dịch vụ tài chính phụ trợ bao gồm xếp hạng tín dụng, dịch vụ tư vấn pháp lý, kiểm toán và kế toán.

Để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh tài chính, phục vụ các chiến lược tăng trưởng theo chiều sâu, Việt Nam cần thu hút được các định chế tài chính quốc tế và nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng thế giới bằng cơ chế tạo thuận lợi nhất có thể. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam đã dành hẳn một chương để quy định về thành viên TTTCQT. Theo đó, quy định đối với thành viên TTTCQT được thiết kế theo hướng thông thoáng, thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường; đi kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định 2 cơ chế đăng ký và công nhận, gồm: Đăng ký làm thành viên TTTCQT nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, uy tín và lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng phát triển của Trung tâm; Công nhận là thành viên TTTCQT nếu là các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune Global 500 do Tạp chí Fortune công bố, hoặc công ty mẹ trực tiếp của các tổ chức, quỹ, doanh nghiệp này; các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam, thuộc nhóm 10 doanh nghiệp hàng đầu về vốn điều lệ trong từng lĩnh vực tương ứng.

Làm rõ phạm vi hoạt động của thành viên Trung tâm

Dự thảo Nghị quyết cũng làm rõ mối quan hệ của thành viên TTTCQT khi hoạt động tại TTTCQT và khi đầu tư, kinh doanh ra ngoài phạm vi TTTCQT. Theo đó, đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong phạm vi TTTCQT, nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của thành viên TTTCQT; được phép thành lập tổ chức kinh tế mà không cần phải có dự án đầu tư; không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; riêng hoạt động liên quan đến tái bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm được thực hiện theo thông lệ quốc tế. Các thành viên Trung tâm được quyền tự do tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh với các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú hoặc với thành viên TTTCQT khác; không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của pháp luật về đầu tư khi thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp của thành viên TTTCQT, thay vào đó chỉ thực hiện thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Đối với các hoạt động tài chính trong phạm vi TTTCQT, thành viên TTTCQT được phép thành lập công ty quản lý vốn để huy động vốn từ nước ngoài; được phép huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú mà không cần thực hiện các thủ tục cấp phép nhưng phải thực hiện chế độ báo cáo, khai báo thông tin; nợ của thành viên TTTCQT với tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam không được tính vào nợ nước ngoài, tổ chức trong nước có quyền vay vốn thành viên TTTCQT mà không bị giới hạn; không phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư từ TTTCQT ra nước ngoài, nhưng phải thực hiện chế độ báo cáo, khai báo thông tin. Các thành viên Trung tâm được quyền sử dụng miễn phí, ưu đãi các dịch vụ tư vấn hỗ trợ phát triển sản phẩm bảo hiểm xanh, bảo hiểm áp dụng công nghệ; được chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào TTTCQT, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp từ TTTCQT ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện bằng ngoại tệ và thông qua tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài mở tại tổ chức tín dụng trong TTTCQT.

Khi thực hiện đầu tư từ TTTCQT vào phần còn lại của Việt Nam, thành viên TTTCQT thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều kiện; hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký, chấm dứt và hoạt động của thành viên TTTCQT sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Bàn về yêu cầu đăng ký và xét thành viên theo vốn điều lệ tại dự thảo Nghị quyết, đại diện Citibank Việt Nam cho biết, đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì đặc thù vốn sẽ dựa vào vốn của ngân hàng mẹ. Do đó, Citibank Việt Nam mong muốn đề xuất sửa đổi, ghi nhận việc đánh giá đối với thành viên của TTTC không chỉ ghi nhận vốn ở chi nhánh Việt Nam mà còn dựa vào vốn của ngân hàng mẹ.

Dự thảo cũng đưa ra một tiêu chí đánh giá được là thành viên TTTC dành cho các công ty con của công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500. Đây là một quy định rất tốt. Tuy nhiên, theo đại diện Citibank Việt Nam, có nhiều trường hợp, các chi nhánh tại Việt Nam là F2 của công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500 thì có đạt yêu cầu không. Như trường hợp của Citibank Việt Nam là khá đặc thù, công ty mẹ của Citibank Việt Nam là Citibank New York nhưng thực chất tổ chức mà được nằm trong danh sách thì lại là Citi Group - “công ty bà” của Citibank Việt Nam, hay nói cách khác, Citibank Việt Nam là F2 của công ty trong danh sách Fortune Global 500. Do đó, đại diện Citibank đề xuất, xem xét xét duyệt thành viên là F2 của các công ty trong danh sách Fortune Global 500 bởi phạm vi toàn cầu thường đánh giá sức mạnh của một công ty không chỉ dựa vào công ty mẹ mà còn dựa vào tầng sở hữu trên của công ty mẹ.

* Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) Tạ Quang Đôn: Đề xuất vẫn phải thực hiện cấp phép đối với hoạt động ngân hàng

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) Tạ Quang Đôn.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) Tạ Quang Đôn.

Trong dự thảo đang mở cho các ngân hàng có vốn điều lệ cao hoặc các ngân hàng đã đạt được chuẩn Basel về tỷ lệ an toàn vốn thì sẽ được miễn các điều kiện về cấp phép, cũng như chỉ thực hiện một việc đăng ký là thành viên TTTC. Tuy nhiên, theo rà soát của các bộ phận chuyên môn Ngân hàng Nhà nước cho thấy không có TTTC nào trên thế giới không cấp phép đối với hoạt động ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất vẫn phải thực hiện cấp phép và phải được sự quản lý đối hoạt động của các tổ chức tín dụng trong TTTC. Nhưng điều kiện cấp phép hoạt động có thể tăng - giảm theo mục tiêu quản lý. Cũng cần nói thêm, tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel chỉ là một tỷ lệ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, không phải là điều kiện để thỏa mãn và cho thấy tổ chức nào đạt được yêu cầu này thì không có rủi ro.

Ngoài ra, trường hợp các tổ chức tín dụng nước ngoài và trong nước đạt được yêu cầu vốn tối thiểu mà thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ ngoại hối cũng sẽ đủ điều kiện xét duyệt thành viên TTTC. Nhưng pháp luật hiện hành của chúng ta chưa nói rõ thế nào là dịch vụ ngoại hối và bản thân công ty con đó có được coi là thành viên TTTC hay không, hay là công ty mẹ là thành viên của TTTC. Điều này cần phải rất rõ.

* Luật sư Phan Thị Hồng Thúy, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng MUFG Bank, Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài thuộc VBF: Cần bổ sung thêm điều kiện trở thành thành viên TTTC

Luật sư Phan Thị Hồng Thúy, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng MUFG Bank, Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài thuộc VBF.

Luật sư Phan Thị Hồng Thúy, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng MUFG Bank, Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài thuộc VBF.

Trên thế giới, thành viên của Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài đều đã có kinh nghiệm hoạt động tại các TTTC. Vì vậy, Nhóm rất muốn đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. Đầu tiên, về việc đã tham gia vào các TTTC khác, điều mà chúng tôi quan tâm là những nội dung trong dự thảo đã thực sự đủ hấp dẫn để cho các nhà đầu tư nước ngoài là các ngân hàng nước ngoài đến Việt Nam và thành lập những ngân hàng trong TTTC hay chưa. Do đó, chúng tôi quan tâm đến điều kiện để trở thành thành viên TTTC.

Hiện nay, Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài có 44 thành viên thì trong đó chỉ có 7 thành viên là ngân hàng 100% vốn nước ngoài và có tính pháp nhân, còn toàn bộ hơn 30 ngân hàng nước ngoài hiện nay tại Việt Nam là chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không có tư cách pháp nhân. Do đó, nếu như dự thảo Nghị quyết quy định thành viên là pháp nhân thì sẽ thiếu một lượng rất lớn các ngân hàng nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam với tư cách là chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, tôi mong muốn Ban soạn thảo bổ sung thêm điều kiện trở thành thành viên TTTC. Theo đó, các thành viên TTTC ngoài pháp nhân sẽ có thêm một chủ thể nữa là chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị quyết cũng có nói đến vấn đề thành viên đối với những nhóm tổ chức tài chính thuộc nhóm 10 doanh nghiệp hàng đầu về vốn điều lệ trong lĩnh vực tương ứng. Điều này cũng sẽ khiến cho việc trở thành thành viên TTTC của nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài khó khăn hơn. Bởi hiện nay, khối ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam có 2 hình thức, gồm loại hình 100% vốn nước ngoài và loại hình chi nhánh ở nước ngoài. Vốn điều lệ của các chi nhánh ở nước ngoài thực sự rất nhỏ so với loại hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhưng nếu tính tổng tài sản thì chưa chắc đã nhỏ hơn. Do đó, Nhóm công tác muốn đề xuất và khuyến nghị nên thay khái niệm vốn điều lệ nên bằng tổng tài sản.

Đọc thêm