KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ CHO TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Trung tâm tài chính tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực ngách, bảo đảm không cạnh tranh trực tiếp

(PLVN) - Với những lợi thế hiện có, Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực ngách chiến lược phù hợp, bảo đảm phát triển hài hòa, đúng lợi thế từng nơi, đồng thời phù hợp định hướng “kết nối, không cạnh tranh trực tiếp”, giúp TTTCQT Việt Nam vừa tận dụng được mạng lưới toàn cầu, vừa tránh đối đầu với các trung tâm mạnh hơn.
TP Đà Nẵng được dự kiến xây dựng trung tâm tài chính. (Ảnh minh họa: VGP)
TP Đà Nẵng được dự kiến xây dựng trung tâm tài chính. (Ảnh minh họa: VGP)

Không rập khuôn mô hình sẵn có

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam, Việt Nam chủ trương phát triển TTTCQT với bản sắc riêng, không rập khuôn mô hình sẵn có. Chiến lược định vị đặt TTTCQT Việt Nam trong mạng lưới liên kết với các TTTCQT, thay vì cạnh tranh trực tiếp. Cụ thể, TTTC tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng sẽ được định hướng phát triển hài hòa, có sự phân công chức năng rõ nét để tương hỗ lẫn nhau và kết nối chặt chẽ với các TTTC lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)... nhằm tận dụng lợi thế múi giờ, vị trí địa lý và đón xu hướng dịch chuyển dòng vốn.

Việt Nam có những lợi thế riêng để thu hút nhà đầu tư. Đó là nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, ổn định, thị trường mới nồi năng động; vị trí địa chiến lược tại ngã tư giao thương Đông - Tây, Bắc - Nam, ngay trung tâm ASEAN; múi giờ của Việt Nam chênh lệch với các TTTC lớn (London, New York, Tokyo...) - tạo cơ hội thu hút giao dịch vào những giờ các TTTCQT nghỉ (tận dụng “khoảng trống múi giờ”). Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng các công nghệ tài chính tương lai (fintech, blockchain) - có tiềm năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số độc đáo và môi trường chính trị - xã hội ổn định, an ninh an toàn.

Với những lợi thế đó, TTTC tại Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực ngách chiến lược phù hợp. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh có thể tập trung phát triển thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, fintech, tài chính xanh, các dịch vụ hỗ trợ chuỗi cung ứng khu vực; trong khi TP Đà Nẵng có thể định hướng vào các dịch vụ tài chính xanh, tài chính offshore, công nghệ tài chính, kiều hối và quản lý quỹ khu vực, gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Cách định vị này bảo đảm TTTCQT của Việt Nam phát triển hài hòa, đúng lợi thế từng nơi, đồng thời phù hợp định hướng “kết nối, không cạnh tranh trực tiếp”, giúp TTTCQT Việt Nam vừa tận dụng được mạng lưới toàn cầu, vừa tránh đối đầu với các trung tâm mạnh hơn. Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm vận hành TTTC, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho trung tâm của mình.

Về tự do hóa tài khoản vốn và ngoại hối, dự thảo Nghị quyết đang thiết kế theo hướng: Các quan hệ giao dịch được phép giữa các chủ thể là thành viên TTTC được sử dụng bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ; Việc sử dụng ngoại tệ trong giao dịch giữa chủ thể là thành viên TTTC với chủ thể không phải là thành viên TTTC, giữa các chủ thể trong TTTC với các chủ thể tại nước ngoài và phần còn lại của Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành; Các thành viên TTTC do nhà đầu tư nước ngoài thành lập được phép tự do chuyển đổi ngoại hối theo quy định của Chính phủ.

Bảo đảm thông thoáng, minh bạch và theo thông lệ quốc tế

Cơ chế, chính sách áp dụng tại TTTCQT cần minh bạch, ổn định, cạnh tranh và theo thông lệ quốc tế nhưng phải linh hoạt và thích ứng nhanh với biến động của thị trường tài chính. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển TTTCQT trên thế giới cho thấy các cơ quan quản lý của TTTCQT hiện đại hiện nay đều có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong TTTCQT nhằm linh hoạt và phản ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường tài chính thế giới.

Do vậy, dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại TTTCQT được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này cùng các văn bản hướng dẫn và văn bản do Cơ quan quản lý TTTCQT (cơ quan quản lý điều hành và cơ quan giám sát) được ban hành. Chính phủ quy định phạm vi các nội dung mà Cơ quan quản lý TTTCQT phải lấy ý kiến các cơ quan có liên quan trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, do các cơ chế, chính sách áp dụng tại TTTCQT là các nội dung mới, mang tính vượt trội nên để bảo đảm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo Nghị quyết cũng quy định Chính phủ ban hành Nghị định để thí điểm trong thời gian tối đa 2 năm để xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại phiên họp gần nhất.

Về áp dụng các điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế tại TTTCQT, TTTCQT là khu vực tập trung các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa. Do vậy, các quy trình, thủ tục, điều kiện áp dụng trong TTTCQT cũng phải bảo đảm thông thoáng, minh bạch, thuận lợi và theo thông lệ quốc tế.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết xây dựng các chính sách theo hướng khi các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn, có uy tín (thuộc danh sách Fortune Global 500, thuộc nhóm 10 doanh nghiệp hàng đầu về vốn điều lệ trong từng lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hoặc đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ được công nhận là thành viên TTTCQT hoặc không phải thực hiện các thủ tục cấp phép áp dụng theo thông thường (ví dụ: đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn Basel III được miễn áp dụng điều kiện cấp phép áp dụng cho việc thành lập tổ chức tín dụng và miễn tuân thủ các quy định về an toàn vốn áp dụng cho các tổ chức tín dụng…).

Đọc thêm