Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Dubai ký Biên bản ghi nhớ hợp tác

(PLVN) - Chiều 25/04/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh – HICAC 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Dubai (DIAC) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa VIAC và DIAC
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa VIAC và DIAC

VIAC và DIAC cùng chia sẻ mục tiêu trong việc thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp khác theo quy định của pháp luật một cách thân thiện, công bằng, thuận lợi và nhanh chóng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước và với nước ngoài.

Bà Jehad Kazim - Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Dubai (DIAC) phát biểu tại lễ ký kết.

Bà Jehad Kazim - Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Dubai (DIAC) phát biểu tại lễ ký kết.

Theo đó, hai bên cam kết đồng hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, thông qua trọng tài thương mại cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp (ADR) khác. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tiếp thêm một bước tiến trong việc tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Dubai cũng như các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các quốc gia khác.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu.

Sau lễ ký kết là buổi thảo luận về chủ đề “Giao thoa giữa các Truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế”. Sự kiện do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là đơn vị điều phối, với sự tham dự của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh tại buổi hội thảo

Toàn cảnh tại buổi hội thảo

Theo các chuyên gia, lĩnh vực Trọng tài quốc tế luôn tồn tại sự giao thoa của đa dạng các hệ thống pháp luật. Thực tế cho thấy, việc các tranh chấp có sự tham gia của các bên và Trọng tài viên đến từ các truyền thống pháp luật có sự khác biệt đang ngày càng phổ biến. Kể đến như khác biệt trong việc luật được lựa chọn để điều điều chỉnh, từ thỏa thuận trọng tài đến phán quyết trọng tài. Sự giao thoa giữa Hệ thống pháp luật Phương Đông và Phương Tây trong trọng tài quốc tế đã và đang đặt ra những thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc hướng tới vận hành thủ tục tố tụng trọng tài một cách công bằng và hiệu quả.

Các chuyên gia điều hành phiên thảo luận

Các chuyên gia điều hành phiên thảo luận

Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận về “Sự tương tác của các hệ thống pháp luật điều chỉnh trong một thủ tục trọng tài quốc tế và các hàm ý cho việc lựa chọn luật.” Những thách thức thực tiễn của các hệ thống pháp luật điều chỉnh trong thủ tục trọng tài quốc tế và một số lưu ý trong việc lựa chọn luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài được các chuyên gia chỉ ra. Bên cạnh đó, hội thảo cũng làm rõ về các hệ thống pháp luật điều chỉnh trong thủ tục trọng tài quốc tế.

PGS. TS. Dương Anh Sơn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

PGS. TS. Dương Anh Sơn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Một nội dung khác cũng được thảo luận là “Phong cách tố tụng tranh chấp và phong cách tố tụng xét hỏi trong trọng tài quốc tế”. Các diễn giả đã mang đến cho người dự một bức tranh tổng quan về mô hình tố tụng xét hỏi và mô hình tố tụng tranh tụng trong thực tiễn trọng tài quốc tế tại Việt Nam.

Với nội dung “Sự tương tác của các Hệ thống Pháp luật điều chỉnh trong một thủ tục Trọng tài Quốc tế và các Hàm ý cho việc lựa chọn luật”, các chuyên gia tập trung trình bày về vấn đề lựa chọn Luật Áp Dụng trong Trọng Tài Quốc Tế cũng như một số thách thức lớn trong thực tiễn của việc nhiều hệ thống pháp luật điều chỉnh trong Trọng tài Quốc tế./.

Đọc thêm