Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Chỉ thu hồi nhà, đất của ông Truyền là chưa đủ”

(PLO) -“Tôi nghĩ rằng, nguồn gốc, bản chất của sai phạm đó là tham nhũng, cho nên cần phải xử lý theo quy định về phòng chống tham nhũng. Chỉ thu hồi nhà, đất là chưa đủ”. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước- nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X- chia sẻ với Pháp Luật Việt Nam xung quanh các sai phạm về đất đai của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ vừa được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố.
Ông Trần Văn Truyền và một trong những căn biệt thự gây xôn xao
Ông Trần Văn Truyền và một trong những căn biệt thự gây xôn xao
Nghiêm trọng và đau xót
PV:  Là người từng có nhiều phát biểu và theo dõi sát sao về vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông có ý kiến gì khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về những sai phạm của ông Trần Văn Truyền?
-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:  Ngay từ khi báo chí đưa tin về những dấu hiệu tiêu cực của ông Trần Văn Tuyền liên quan đến nhà cửa, đất đai, rồi chuyện bổ nhiệm cấp tập rất nhiều chức danh trong một thời gian ngắn trước khi về hưu (lúc đó chưa có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương), tôi đã rất lo ngại. 
Lúc đó ,tôi đã cho rằng, nếu đúng như báo chí phản ánh thì tính chất của vụ việc cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm. Nghiêm trọng bởi lẽ sai phạm lại rơi vào người từng đứng đầu một cơ quan nắm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của đất nước; cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng…
Đến nay, khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có kết luận chính thức thì tôi vẫn giữ quan điểm cũ. Tôi thấy rằng sự việc như kết luận vừa qua là vô cùng đáng tiếc đối với Đảng và Nhà nước. Một người từng là Uỷ viên Trung ương Đảng, từng đứng đầu cơ quan nắm giữ kỷ cương phép nước mà làm những việc như thế thì thật là đau xót. 
Đây chỉ là vấn đề tài sản, nhà đất, còn chuyện về bổ nhiệm hàng chục chức danh quan trọng trong thời gian ngắn trước khi về hưu nữa. Theo tôi, hai vấn đề này dù trên hai lĩnh vực khác nhau nhưng phải gắn làm một, bởi nó đều từ một gốc mà ra. Trên cơ sở hai vấn đề này phải có hướng xử lý nghiêm minh, đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4: trách nhiệm quyền hạn, phẩm chất đạo đức đã vi phạm đến mức độ nào? nếu có vi phạm về pháp luật thì xử lý theo đúng pháp luật. Đảng ta nên học tập quyết định của Bác Hồ trong những năm đầu kháng chiến, Trần Dụ Châu (với chức danh là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) chỉ tham ô hai tấn gạo thôi nhưng mất mấy ngày Bác trằn trọc không ngủ để rồi cầm bút hạ quyết định xử tử. Một quyết định vô cùng đau đớn nhưng cũng vô cùng anh minh. Sự đau đớn đó đã tạo nên niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ trong suốt chiều dài của cách mạng. 
PV:  Thưa Trung tướng, từ trước đến nay, hầu hết những vụ tham nhũng lớn đều do nhân dân và báo chí phát hiện, không ít vụ việc chỉ đến khi quan chức về hưu thì sai phạm của họ mới bị phanh phui và xử lý? Theo ông, công tác đấu tranh và phát hiện tham nhũng của chúng ta đang có gì bất cập?
-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo tôi, nhân sự việc này các cơ quan Đảng, Nhà nước cần phải xem lại công tác quản lý cán bộ và đấu tranh phòng  chống tham nhũng. Trước đến nay chưa có vụ sai phạm lớn nào mà tự trong nội bộ của một cơ quan nhà nước phát hiện ra, đó đều là do nhân dân tố cáo và các cơ quan  thông tin báo chí đã đi đến tận cùng để khai thác.  
Nếu không có sự phát hiện của cơ quan báo chí thì chắc chắn sẽ không có nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng được lôi ra ánh sáng, như vụ Vinashin, Vinaline hay mới nhất là vụ ông Truyền. Theo tinh thần của Bộ Chính trị là học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phê bình và tự phê bình; gương mẫu, trách nhiệm trong quản lý thì rõ ràng ở trong một vài vụ việc, các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã chưa thật hiệu quả khi phát hiện ra vụ việc tham nhũng.
Mong rằng Đảng và Nhà nước khuyến khích báo chí với lòng trong sáng và trung thực hãy phát hiện cho Đảng và Nhà nước những tiêu cực để làm trong sạch bộ máy.
PV: Là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chống tham nhũng, cũng là cơ quan chủ trì việc hướng dẫn về kê khai tài sản, nhưng bản thân vị Tổng Thanh tra Chính phủ khi còn đương chức lại kê khai không trung thực. Ông đánh giá thế nào về vấn đề kê khai tài sản hiện nay?.
-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trong vấn đề tài sản của vị nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ thì qua kiểm tra đều khai đó là của vợ và con. Tôi nghĩ rằng không ai “ăn cắp” mà lại dùng cái danh của mình để quản lý tài sản đó. Bây giờ cần phải làm rõ, vợ và con của họ lấy tiền ở đâu ra? Thậm chí tôi biết có những vụ việc trước kia, nhiều quan chức không chỉ cho vợ, con đứng tên mà còn cho cả người thân quen, bạn bè đứng tên và có sự ăn chia nhau trong việc nhờ đứng tên này. 
Kê khai chỉ để trong hồ sơ và thông báo cho cơ quan, cho nơi cư trú thì chưa đủ, vẫn mang tính chất hình thức. Tôi hỏi rằng có ông quan nào lại “ăn cắp” ở nơi cư trú? Họ có thể cư trú và làm việc lại Hà Nội nhưng lại “ăn cắp” tận TP.Hồ Chí Minh. Còn trong cơ quan, nếu cấp dưới ăn cắp mà cấp trên phát hiện được (với điều kiện cấp trên phải trong sáng) thì sẽ xử lý ngay, không cần phải kê khai. Nhưng khi cấp trên ăn cắp thì đố cấp dưới có ý kiến, chỉ khi có mâu thuẫn thì mới bật ra được. 
Muốn kiểm tra được việc kê khai thì phải công khai vấn đề này. Người nào đảm nhận chức danh toàn quốc thì kê khai ra toàn quốc, người làm ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì công khai ở những cấp đó. Công khai thông qua hệ thống bộ máy của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội. 
Giám sát là từ nhân dân chứ không chỉ là khu dân cư nơi anh cư trú hay trong nội bộ cơ quan, bởi “dân” ở hai nơi này đều có sự phụ thuộc. 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Vân Anh
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Vân Anh 
Nguồn gốc của sai phạm là tham nhũng
  -PV: Sau khi có kết luận và hướng xử lý vụ việc, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng kết luận sai phạm còn có sự nể nang. Ông thấy hướng xử lý như vậy đã nghiêm khắc và thoả đáng?
-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi rất hoan nghênh Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận vụ việc này. Tuy nhiên, việc xử lý theo hướng lấy tài sản nào trả tài sản ấy là chuyện bình thường, vấn đề là cần phải làm rõ lấy đâu ra tiền để có những tài sản ấy? Phải có bản chất tham ô đằng sau những sự việc đó, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của cấp dưới, mà có lẽ là do nể nang?
Kết luận như vậy là đúng nhưng chưa đi đến tận gốc của bản chất sự việc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Nhân dân muốn biết tận cùng của tiêu cực đó là ở đâu và phải xử lý từ cái gốc. Những sai phạm đó có phải chỉ vì không nắm vững nguyên tắc hay là vi phạm về quyền hạn, chức trách? Tôi nghĩ rằng, nguồn gốc, bản chất của sai phạm đó là tham nhũng, cho nên cần phải xử lý theo đúng tội danh tham nhũng, còn thu hồi nhà đất chưa đủ.
Ở cương vị là lãnh đạo tỉnh Bến Tre, sau đó là Tổng thanh tra Chính phủ, những tài sản đó lấy tiền ở đâu ra, cần phải được làm rõ. Đâu là tiền của gia đình ngày xưa để lại, đâu là “tiền đen” trong thời kỳ đảm nhiệm chức trách? Càng đi đến tận cùng bao nhiêu thì niềm tin của dân càng được thuyết phục bấy nhiêu, nếu chỉ làm nửa chừng thì chưa thể giải toả được những tâm trạng của người dân.
Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, làm đúng mức. Người đảm nhận chức vụ càng to mà có sai phạm thì kỷ luật phải càng nặng, bởi anh đã được Đảng và Nhà nước đào tạo, rèn luyện, anh nắm cả quyền lực của hệ thống cơ quan kiểm tra, giám sát của đất nước. 
Trân trọng cám ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện này!

Đọc thêm