Theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng đã làm việc với Trung ương về việc quyết định tăng tỷ lệ điều tiết lên 83% cho thành phố trong giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, với tỷ lệ này bình quân dự kiến ngân sách TP Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025 cho công tác đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, qua làm việc với Trung ương, Đà Nẵng cũng đã có Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 08/3/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Về tình hình phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong năm 2022, theo ông Minh, mặc dù năm 2022 thành phố tiếp tục đối mặt với những khó khăn do bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới, những tác động lâu dài của dịch Covid-19... Tuy nhiên, nhờ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt chủ đề công tác "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", nên kinh tế - xã hội của Đà Nẵng đã hồi phục nhanh, các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều có bước phát triển mạnh đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước đạt 73.859,9 tỷ đồng, ước tăng 14,05% so với năm 2021, xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP. Trong đó quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 125.218 tỷ đồng, tăng 14.032 tỷ đồng so với năm 2019, GRDP bình quân đầu người đạt 4.309 USD.
Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước tại Đà Nẵng ước đạt 120% dự toán, tăng 3,1% so với năm 2021 và tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 11,5%. Trong năm 2022, thành phố này cũng đạt và vượt kế hoạch ở hầu hết các chỉ tiêu đề ra, có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn sức lao động đến cuối năm.