Trước tết gần 2 tháng, lượng khách tới đặt đào tăng mạnh

(PLVN) - Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới tới dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng tại các vườn đào tại Nhật Tân (Hà Nội) đã tiếp đón rất nhiều khách hàng tới xem, đặt. Theo các chủ vườn, lượng khách đã tăng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái, cùng với đó là không khí tấp nập chuẩn bị hàng cho mùa làm ăn lớn nhất trong năm.

Lượng khách lẻ, khách buôn “xí phần” tăng 20%

Đến Nhật Tân vào một buổi sáng cuối tuần, không khí chuẩn bị mùa hoa quan trọng nhất trong năm rất tấp nập, người tuốt lá, dựng nhà lạnh kích hoa, người chuyển gốc vào chậu sang vườn riêng cho tiện chăm sóc, người mua hoa tới xem, đặt hàng.

Người trồng hoa đào Nhật Tân đang tất bật cho vụ hoa quan trọng nhất trong năm
 Người trồng hoa đào Nhật Tân đang tất bật cho vụ hoa quan trọng nhất trong năm

Trò chuyện với gia đình bác Nguyễn Văn Dần (72 tuổi) – một người làm nghề trồng đào lâu năm ở phường Nhật Tân, vườn đào chỉ khiêm tốn với diện tích 300m2, có tất cả 120 gốc các loại, đào thông, đào thế, đào cành. Những gốc đào này đã xuất hiện rất nhiều mắt đào, đây là thời điểm thích hợp để chăm sóc, tuốt lá, chuyển gốc vào chậu… để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Bác Nguyễn Văn Dần (72 tuổi) – một người làm nghề trồng đào lâu năm ở phường Nhật Tân, đang chăm sóc cho cây đào đẹp nhất của mình để phục vụ cho dịp Tết nguyên đán.
 Bác Nguyễn Văn Dần (72 tuổi) – một người làm nghề trồng đào lâu năm ở phường Nhật Tân, đang chăm sóc cho cây đào đẹp nhất của mình để phục vụ cho dịp Tết nguyên đán.

Vừa cắm cúi tuốt lá, bác Dần vừa tâm sự, thời điểm này bắt đầu vào thời điểm tuốt lá, thời gian phải tuốt xong hết trong vòng 3-5 ngày để kịp cho hoa nở đúng vào dịp Tết. “Mỗi năm chỉ cần hoa nở trúng Tết 50% là đã đủ ấm Tết rồi cháu. Mỗi ngày gia đình bác đều phải thuê 2-3 nhân công với chi phí 400 nghìn đồng/người/ngày. Đối tượng chủ yếu là khách lẻ ở Hà Nội. Với những gốc đào thông, đào thế thường dành cho khách quen. Tết năm ngoái gia đình bác cho thuê 8 -10 triệu đồng/gốc”- bác Dần chia sẻ.

Dọc theo con đường làng, tới vườn đào Hiệp Vụ - một trong những vườn đào to nhất nhì Nhật Tân của anh Nguyễn Quang Vụ (42 tuổi), khoảng 4, 5 nhân công đang đánh gốc cho đào lên chậu chuyển sang vườn riêng, chuẩn bị cho đợt tuốt lá. Vừa tất tả chỉ bảo mấy nhân công làm trong vườn, anh Vụ cho biết, thời điểm này công tác chuẩn bị cho vụ hoa Tết nhà anh đã gần như xong, chỉ còn đợi tuốt lá.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng hoa, anh Vụ cho biết, để có được những cây đào thế đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc như: làm đất, bấm ngọn, tuốt lá… và việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm, nhưng thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được chú trọng, nó quyết định đến sự thành bại của cả vụ hoa đào.

“Thời tiết luôn đóng vai trò quan trọng, chiếm 30% đến sự thành công của vụ đào, còn lại phù thuộc vào kỹ thuật chăm sóc của ngưởi trồng cây.”– anh Vụ nói.

Những nhân công tại vườn đào Hiệp Vụ - một trong những vườn đào to nhất Nhật Tân đang tất bật công cuộc tuốt lá cho hoa đào
 Những nhân công tại vườn đào Hiệp Vụ - một trong những vườn đào to nhất Nhật Tân đang tất bật công cuộc tuốt lá cho hoa đào
 

Sở hữu những vườn đào có tổng diện tích lên đến khoảng 40.000 m2, anh Vụ cho hay, năm nay gia đình anh tăng số lượng gốc đào lên gần 300 gốc. Số lượng nhân công phải thuê để tuốt lá và chuyển chậu thời điểm này tới 25 người, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Hiện vườn nhà anh có tổng 1.000 gốc đào.

Anh Vụ bật mí, năm nay số khách quen, cả khách mới tới đặt hàng đã tăng 20% so với thời điểm này năm ngoái. Chủ yếu là khách văn phòng, cơ quan, khách buôn, khách lẻ đến dân sành chơi cây.

Giá đối với mỗi cây đào tại vườn nhà anh, thấp nhất là 4 triệu đồng/cây, với loại bích đào có giá một vài chục triệu một gốc. Mỗi năm nguồn thu từ nghề trồng đào Tết đem về cho gia đình anh hàng tỷ đồng.

Nhận định về giá đào năm nay, theo anh Vụ, thời điểm này vẫn còn quá sớm để nhận định về giá. Giá sẽ phụ thuộc vào thị trường và chất lượng hoa. “Mỗi loại hoa đào ở Nhật Tân lại có giá khác nhau, tùy vào từng gốc đào, thế đào, nhiều lộc hay ít lộc… vì đây là loài hoa để thưởng thức cái đẹp nên không có quy định chung. Phải tới 23 tết Nguyên đán, tùy vào nhu cầu khách hàng và thị trường lúc đó mới “phán” được giá”- anh Vụ nói.

Cầu kỳ với “hàng cao cấp”

Có chục năm nghiên cứu, đầu tư trồng đào thất thốn – giống đào tiến vua rất quý hiếm, vườn đào Thất thốn Lê Hàm có mấy chục gốc với nhiều dáng, thế khác nhau.Theo anh Hàm, đào thất thốn phát triển chậm gấp 3-4 lần so với đào thường, song công đoạn tuốt lá thì dễ dàng hơn và phải tuốt sớm hơn đào truyền thống 20 ngày. Một vườn mấy trăm mét vuông chỉ cần một ngày công là xong.

Những chiếc máy lạnh dùng phục vụ cho việc kích đào Thất thốn tại vườn đào thất thốn Lê Hàm
 Những chiếc máy lạnh dùng phục vụ cho việc kích đào Thất thốn tại vườn đào thất thốn Lê Hàm

Tại vườn nhà anh Hàm, 8 nhà lạnh dùng để kích đào đã được dựng lên, mỗi nhà lạnh với diện tích 35m2, với khoảng 25-30 gốc đào. Mỗi nhà lạnh anh đặt một 1 điều hòa với công suất 24.000-34.000 BTU.

Khá buồn bã, anh Hàm chia sẻ, năm nay do thời tiết khắc nghiệt, vào hồi tháng 6, tháng 7 gia đình anh đã chết mất khoảng gần trăm gốc đào, khiến gia đình cũng thiệt hại nhiều. Hiện năm nay số lượng đào giảm so với những năm.

“Các vườn đào khác còn có thể hy vọng vào thời tiết để “trúng vụ” nhưng riêng đào Thất Thốn, chưa năm nào thời tiết ủng hộ. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, gốc đào chết nhiều, đưa vào nhà lạnh rồi nhưng vẫn phải nghe ngóng thời tiết để có thể “mở nóc” nhà lạnh cho đúng thời điểm để hoa có thể nở theo ý mình” – anh Hàm cho hay.

Dù số lượng đã giảm đi đáng kể, chi phí thuê nhân công đắt đỏ, thế nhưng theo anh Hàm, vườn nhà anh vẫn sẽ giữ giá ổn định. Theo anh, để tăng doanh thu thì người trồng đảo phải biết cách làm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều dáng đào đẹp và tăng số lượng như thế mới có thể đem về doanh thu cao hơn, chứ không thể đẩy giá sản phẩm nên được. “Nếu cứ đẩy, thì mỗi năm giá đào sẽ lên tới đâu nữa.” – anh Hàm nói vui.