Ông Dương Ngọc Anh, Trưởng Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ TP Hải Phòng khẳng định thông tin chùa Hưng Long “thuộc sở hữu tư nhân” là thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng chùa cũng như trụ trì chùa.
Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Trao đổi với PLVN, ông Dương Ngọc Anh cho biết, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch một số phần đất trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến 2025 để phục dựng chùa Hưng Long. Việc làm này xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân và hành trình dài xác minh nguồn gốc của ngôi chùa cổ trước đây.
Sau khi nắm được thông tin kiến nghị của bà con, phật tử tại khu vực phường Trại Chuối, Hạ Lý liên quan những thông tin thất thiệt vừa qua, đại diện Ban Tôn giáo đã thông tin đến chính quyền địa phương để ổn định đời sống tinh thần của nhân dân.
“Năm 2016, Thượng tọa Thích Tục Khang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Hải Phòng bổ nhiệm trụ trì chùa Hưng Long. Từ khi nhận nhiệm vụ, Thượng tọa là người đoàn kết, trách nhiệm với địa phương, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, nhất là các vấn đề an sinh xã hội trong những dịp lễ, Tết”, ông Ngọc Anh nhận xét.
Theo Quyết định 0134/QĐ-BTS ngày 3/11/2016 do Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Hải Phòng ký, Đại đức Thích Tục Khang (nay là Thượng tọa - PV) chịu trách nhiệm quản lý tự viện, hướng dẫn tín ngưỡng tôn giáo tại cơ sở, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách Nhà nước, hiến chương, đường hướng hoạt động của GHPGVN và GHPGVN Hải Phòng. Quyết định dựa trên sự chấp thuận của các cấp chính quyền phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng; đơn đề nghị của phật tử chùa Hưng Long và Nghị quyết của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Hải Phòng.
Thượng tọa Thích Thanh Hiển, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN Hải Phòng cho biết: “Chùa thờ Phật, có chùa thì phải có phật tử. Dù chùa nhỏ hay lớn, chùa cổ hay chùa mới phục dựng thì khi đã đủ các yếu tố gồm: Các cấp chính quyền địa phương chấp thuận, phật tử đề nghị và Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP thống nhất thì GHPGVN TP mới ban hành quyết định trụ trì. Quy trình bổ nhiệm trụ trì chùa Hưng Long hoàn toàn công khai, minh bạch, đúng quy định”.
Trước thời điểm chùa Hưng Long được phục dựng, trên địa bàn quận Hồng Bàng có 9 phường, trong đó 2 phường có 4 chùa gồm: Phường Hùng Vương có chùa An Trì, chùa Cam Lộ, chùa Quỳnh Cư; phường Sở Dầu có chùa An Lạc. Trên các địa bàn phường Trại Chuối, Thượng Lý và Hạ Lý có hơn 37.000 người dân, chưa có chùa để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo cho quần chúng nhân dân.
|
Chùa tạm được phục dựng dựa trên nỗ lực của nhân dân, phật tử. |
Theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hưng Long là ngôi chùa trải qua năm tháng với biến thiên lịch sử. Hiện nay chùa chỉ còn những vết tích, tuy nhiên nền chùa còn lưu giữ những giá trị vô giá nói lên quá trình hình thành và tồn tại của ngôi chùa như tấm bia, tượng cổ… Đã từ nhiều năm nay, phật tử phường Trại Chuối nói riêng và các phượng Hạ Lý, Thượng Lý nói chung đều mong muốn xây dựng lại ngôi chùa vốn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của khu vực trên. Đây là việc làm cần thiết và chùa Hưng Long cũng là công trình chào mừng Đại hội Phật giáo Hải Phòng, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Đại diện UBND quận Hồng Bàng khẳng định, từ khi phục dựng, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền, vận động nhân dân và Thượng tọa Thích Tục Khang đoàn kết, sinh hoạt hoạt động tôn giáo thuần tuý, đúng quy định pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Thượng tọa cùng nhân dân đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đóng góp với địa phương quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19, xây nhà tình nghĩa, cầu siêu cho những người tử nạn do dịch bệnh, tai nạn…
Tiếp tục hành trình phục dựng
Hiện nay, phật tử và nhân dân địa phương đã xây dựng nhà tạm trên địa điểm chùa cũ để thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà chùa cũng dựng các hiện vật cổ được tìm thấy ngay trong khuôn viên sân chùa để bà con, nhân dân được chiêm bái. Bước đầu, chùa bài trí giản dị các ban Tam Bảo, ban Đức Thánh Hiền, ban thờ Tổ. Có được hình ảnh ngôi chùa hiện hữu như ngày hôm nay, mỗi viên gạch, mỗi hòn đất đều là công sức, tâm sức đóng góp của hàng nghìn phật tử, người dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1950, ngụ 1/18 Trại Chuối) cho biết, trước khi phục dựng lại ngôi chùa, khu vực nền chùa là ao nước, phủ kín bèo. Qua năm tháng, bà con, phật tử sinh sống xung quanh đã chung tay, góp sức tôn tạo để chùa ngày càng khang trang hơn. Hàng ngày, các phật tử tu tập 2 khoá lễ, trong khoảng thời gian 1 tiếng để cầu mong chúng sinh an lạc, quốc thái dân an.
Ông Bùi Minh Tuấn (SN 1937) chia sẻ: “Quá trình hơn 50 năm sinh sống và làm việc tại phường, tôi đã giữ nhiều vị trí công tác từ Phó Chủ tịch UBND phường Trại Chuối giai đoạn 1987 - 1989 đến Bí thư Chi bộ tổ dân phố 1C trong 18 năm. Thời điểm công tác, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều bản đồ ghi rõ vị trí và tên chùa Hưng Long”.
“Chùa Hưng Long xưa là cơ sở kháng chiến, phục vụ hoạt động cách mạng. Đến nay, chùa vẫn nghèo lắm. Gần như tất cả các cuộc thiện nguyện, thầy trụ trì chùa phải kêu gọi, xã hội hoá từ nhân dân cho những hoàn cảnh khó khăn”, ông Tuấn nói.
|
Bà Nguyễn Thị Duỵ (SN 1942, nguyên thủ kho Cty CP Vật tư Nông nghiệp 1) cho biết về công tác tại DN và gắn bó với vùng đất Trại Chuối từ 1969. Theo bà Duỵ, thời gian đó, khu vực đã phục dựng chùa hiện tại toàn hố bom, tường bao thô sơ.
Bà Bùi Thị Sự, người dành 2 năm ròng đi tìm gốc tích ngôi chùa và cũng là người phát hiện ra những hiện vật cổ của ngôi chùa, nói: “Quá trình tìm được ngôi chùa cổ đã qua là cả một chặng đường dài, sự nỗ lực của biết bao con người. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai công tác quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để nhân dân cùng bà con phật tử gần xa tiếp tục phục dựng lại ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.