Hải Phòng: Thông tin “chùa Hưng Long thuộc sở hữu tư nhân” là sai sự thật

(PLVN) - Mới đây, tại Hải Phòng, dư luận chú ý đến thông tin lan truyền cho rằng ngôi chùa ở phía Tây Nam làng Hạ Lý xưa, nay là phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) “xây trên đất DN và thuộc sở hữu của tư nhân”. Nhóm PV PLVN đã vào cuộc, tìm hiểu về vấn đề này.
Thời điểm tìm thấy tấm bia cổ tại nền đất ngôi chùa cổ.
Thời điểm tìm thấy tấm bia cổ tại nền đất ngôi chùa cổ.

Ngôi chùa cổ từ thế kỷ XVIII

Trước đó, PLVN nhận được đơn kiến nghị của một số người dân, phật tử tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, về việc chùa Hưng Long (hay còn gọi chùa Hạ) bị một số cá nhân thông tin sai sự thật trong thời gian gần đây. Các phật tử đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý sự việc đúng quy định pháp luật; thông tin rộng rãi, công khai về lịch sử, quá trình phục dựng ngôi chùa cổ để dư luận hiểu rõ.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Thượng Lý (NXB Hải Phòng - 2009), “chùa Hạ tọa lạc trên khu đất phía Tây - Nam làng (làng Hạ Lý), khu vực kho Phốt Pho hiện nay” (khi đó đất Trại Chuối thuộc làng Hạ Lý). Trong văn tự cũng ghi nhận lại sự kiện lịch sử: “Chùa Hạ là điểm liên lạc của cán bộ kháng chiến, nên giặc Pháp cho phá chùa vào năm 1947”.

Năm 2015, một tấm bia đá cổ có niên đại trên 300 năm đã được phát hiện và khai quật dưới lòng đất thuộc ngôi nhà bà Đào Thị Hường (số 43/210, đường Bãi Sậy, phường Trại Chuối). Theo xác định, đây là 2 trong số những cổ vật còn sót lại của ngôi chùa Hạ thuộc xã Hạ Lý, huyện An Dương, phủ Kinh Môn - Hải Phòng xưa.

Không chỉ hướng dẫn cho bà con tu tập, được biết, chùa Hưng Long còn tổ chức chăm lo cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các học sinh vượt khó, xây nhà tình nghĩa, cầu siêu cho nạn nhân qua đời do dịch bệnh, tai nạn giao thông…

Tại thời điểm phát hiện, cơ quan chức năng TP Hải Phòng cho biết tấm bia đá này có niên đại khoảng 309 năm, kích thước 1,36m x 0,5m. Trên bia có khắc chữ Hán với tên bia tạm dịch “Hưng công tạo tượng”, tên chùa là “Hưng Long tự bi ký”, tọa lạc tại “Kinh Môn phủ, An Dương huyện, Hạ Lý xã, thời Vĩnh Thịnh nhị niên 1706”. Trên bia đá khắc danh sách các phật tử công đức tại chùa.

Còn có tượng nghê đá kích thước 0,4m x 0,5m, tượng đá bị mất phần đuôi.

Hai cổ vật trên do bà Bùi Thị Sự (SN 1941, ngụ số 48 Tiền Đức, phường Trại Chuối) cùng các phật tử thành tâm đã cất công tìm kiếm suốt thời gian qua.

Tại nền đất của ngôi chùa cổ, năm 2017, 2 hộ dân hiến 160m2 đất, Cty CP Vật tư nông nghiệp 1 Hải Phòng tự nguyện bàn giao trên 1.400m2 để quy hoạch xây chùa.

Tại nền đất của ngôi chùa cổ, năm 2017, 2 hộ dân hiến 160m2 đất, Cty CP Vật tư nông nghiệp 1 Hải Phòng tự nguyện bàn giao trên 1.400m2 để quy hoạch xây chùa.

Văn bản 182/BC-BTG ngày 28/10/2016 của Ban Tôn giáo TP cũng khẳng định “… tại vùng đất xã Hạ Lý (cũ) nay là khu vực phường Hạ Lý, Thượng Lý, Trại Chuối tồn tại một ngôi chùa mang tên chùa Hạ, tên chữ là “Hưng Long tự” nằm ở phía Tây Nam làng Hạ Lý xưa”.

Kết quả rà soát của Sở VH&TT cho thấy: Chùa Hưng Long là ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời từ thế kỷ thứ XVIII, dưới thời Vua Lê Du Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), tồn tại nguyên vẹn ở thế kỷ XIX, XX. Do đó, UBND Hải Phòng đã đưa chùa Hưng Long vào Danh mục kiểm kê di tích tại Quyết định 1628/QĐ-UBND ngày 12/7/2019 về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích có giá trị lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Phật tử phát tâm phục dựng chùa cổ

Ngay sau khi phát hiện các hiện vật cổ, các phật tử đã làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng với mong muốn được phục dựng ngôi chùa cổ trên nền đất cũ.

UBND quận Hồng Bàng, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) sau đó đã tổ chức hàng loạt cuộc họp về nguồn gốc và dữ liệu lịch sử chùa Hạ vào các ngày 30/08/2016, 26/10/2016, 28/10/2016… với đầy đủ các thành phần đại diện của Ban Tôn giáo TP, Thành hội Phật giáo, Bảo tàng Hải Phòng, Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, Phòng An ninh xã hội Công an TP, Sở Nội vụ, cấp quận, cấp phường.

Sau khi có quyết định phê duyệt được phục dựng ngôi chùa, năm 2016, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng có Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Tục Khang (nay là Thượng toạ - PV) là trụ trì chùa Hưng Long; trên cơ sở đề nghị của bà con nhân dân, phật tử và chính quyền địa phương. Thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP cho hay, Thượng tọa Thích Tục Khang hiện là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Phật giáo Hải Phòng, kiêm Trưởng Ban Đối ngoại Phật giáo Hải Phòng.

Tại nền đất của ngôi chùa cổ, năm 2017, 2 hộ dân đã hiến 160m2 đất, Cty CP Vật tư nông nghiệp 1 Hải Phòng đã tự nguyện bàn giao trên 1.400m2 để quy hoạch xây dựng chùa tạm.

Phật tử chùa Hưng Long hỗ trợ vật chất cho các gia đình khó khăn.

Phật tử chùa Hưng Long hỗ trợ vật chất cho các gia đình khó khăn.

Ngày 8/3/2022, UBND TP có Quyết định 727/QĐ-UBND “Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch các lô HT-1, CXCL-2. MN-1 và một phần lô CXCL-3 thuộc ô phố H10.2 trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến 2025 để phục dựng chùa Hưng Long’’. Thực tế, quỹ đất để phục dựng chùa Hưng Long được TP quy hoạch chính là di tích nền đất cũ của chùa và đồng bộ quy hoạch chung không gian Nam cầu Bính. Chùa Hưng Long hiện tại và sau này được xây dựng tu bổ từ công sức đóng góp của bà con nhân dân và phật tử; nên toàn bộ tài sản của chùa đều thuộc về nhân dân dưới sự quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương và các đoàn thể.

Thượng tọa Thích Tục Khang nhấn mạnh: “Chùa là tài sản chung của cộng đồng xã hội, của bà con, nhân dân. Chùa không phải tài sản cá nhân của các tăng ni. Các tăng ni chỉ là người mượn cảnh để tu và hướng dẫn bà con phật tử tu tập, thực hiện nghi lễ tâm linh, thực hiện đức tin. Chùa Hưng Long cũng giống như bất cứ ngôi chùa nào, đều đang thực hành các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, tuân thủ Nội quy Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

LS Hà Thị Thanh Bình (Cty Luật TNHH MTV Hải Phòng) nêu quan điểm: “Từ những hiện vật khai quật, tư liệu lịch sử, nhân chứng còn sống, Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đã làm rõ các thông tin trên các hiện vật, tổ chức hội nghị về nguồn gốc và dữ liệu lịch sử về chùa Hạ; chứng minh tại đây đã tồn tại ngôi chùa; nơi sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của nhân dân trong khu vực. Theo Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chùa Hưng Long là địa điểm di tích có giá trị lịch sử - văn hóa”.

Đọc thêm