Trưởng Ban Tuyên giáo Lâm Hà (Lâm Đồng) Nguyễn Văn Tình: Luôn tròn vai “gác cửa” mặt trận tư tưởng

(PLVN) - Là người “gác cửa” trên mặt trận tư tưởng, ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng ban Tuyên giáo, kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đặc biệt ưu tiên công tác điều tra dư luận để giải quyết kịp thời các tồn tại, bất cập, tránh phát sinh các “điểm nóng” tại địa phương. Với những cách làm hay, sáng tạo, ông Tình vinh dự được Thủ tướng tặng bằng khen.
Ông Nguyễn Văn Tình chủ trì cuộc họp về công tác tuyên truyền trên địa bàn.

Chú trọng bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên

Ông Tình cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của người cán bộ Tuyên giáo là phải nhanh chóng đưa các Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào đời sống. Để làm được điều này, trước tiên đội ngũ đảng viên phải nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ để tiên phong thực hiện.

Năm năm qua, Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lâm Hà mở gần 130 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng cấp ủy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 10.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn huyện tham gia học tập. Trong đó 12 lớp bồi dưỡng công tác Đảng cho 2.065 học viên; 19 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khối Đoàn thể cho 2078 học viên; 18 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ khối cơ quan Nhà nước cho 1.867 học viên.

Để bảo đảm nội dung chất lượng giảng dạy, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch giảng dạy hàng năm bảo đảm theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương và chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy sát với yêu cầu của địa phương. Một số lớp được mở tại các cụm đã tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia học tập, cùng với đó chế độ bồi dưỡng học viên bảo đảm theo quy định đã động viên, khuyến khích người học tham gia học tập nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại huyện luôn được chú trọng.

Hàng năm Ban Tuyên giáo huyện đều tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho cấp uỷ, cán bộ tuyên giáo cấp dưới như hướng dẫn sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; tham gia chuẩn bị Nghị quyết đại hội; chuẩn bị xây dựng các đề án, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế của huyện uỷ, ban thường vụ về công tác tuyên giáo. Chính nhờ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ việc học tập các Nghị quyết của Đảng cho tới Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy luôn được triển khai đầy đủ, lồng ghép đa dạng. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập luôn đạt trên 95%.

Chia sẻ kinh nghiệm quán triệt các Nghị quyết của Đảng ở địa phương, ông Tình cho biết, bản thân ông thường xuyên bổ sung tư liệu, cập nhật kiến thức thời sự trong từng buổi nói chuyện. Đồng thời kết hợp trình chiếu PowerPoint và thường xuyên đặt ra các tình huống, câu hỏi liên hệ thực tế để tạo không khí sôi động, lôi cuốn người học cùng tham gia tranh luận, làm rõ các vấn đề đặt ra.

“Chẳng hạn như khi nói tới một nội dung nào đó trong văn bản cần lấy dẫn chứng thực tế, liên hệ với thông tin phản ánh qua báo chí cũng như các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Qua đó người học sẽ dễ dàng tiếp thu vấn đề, nội dung chính mà văn bản Nghị quyết đề ra, còn cứ đọc chép sẽ không hiệu quả”.

Thăm dò dư luận để loại trừ nguy cơ điểm nóng

Để góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương, Ban Tuyên giáo huyện Lâm Hà mỗi năm đều tổ chức 3-5 cuộc điều tra dư luận xã hội bằng cách phát phiếu thăm dò để nắm bắt ý kiến người dân về các bất cập, tồn tại.

“Trên cơ sở tổng hợp ý kiến nhân dân sẽ nhận diện được đâu là yếu tố nguy cơ phát sinh điểm nóng để tham mưu huyện uỷ chỉ đạo xử lý. Mới đây qua phản ánh của người dân về tình trạng xây dựng trái phép, không phép, chúng tôi đã kiến nghị huyện uỷ tăng cường chỉ đạo. Nhờ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm nên tình hình vi phạm trật tự xây dựng đã được khắc phục. Có thể nói điều tra dư luận là khâu rất quan trọng để có thể dự báo sớm tình hình, đề xuất giải pháp kịp thời, không để bất cập, tồn tại phát triển thành điểm nóng”, ông Tình nói.

Cũng nhờ những sáng kiến của Ban Tuyên giáo mà Lâm Hà là một trong những địa phương ở Lâm Đồng đạt thành tích cao trong việc triển khai đẩy mạnh học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 2019, ông Tình đã tham mưu Ban thường vụ Huyện ủy tổ chức hội thi tìm hiểu, học tập Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng hình thức sân khấu hóa, có 52/52 tổ chức cơ sở Đảng tham gia hội thi, thu hút hàng chục ngàn khán giả tham gia. Cùng năm này, đoàn Lâm Hà xếp thứ 3 trong cuộc thi do Tỉnh uỷ Lâm Đồng tổ chức.

Mô hình sân khấu hoá nói trên sau đó được nhân rộng về các xã, bản ở huyện Lâm Hà. Cũng nhờ đó, huyện có nhiều điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác được các cấp, các ngành từ TƯ đến địa phương ghi nhận, biểu dương và khen thưởng.

“Sân khấu hoá sẽ giúp người xem dễ hình dung, tiếp thu những giá trị của Bác từ hành động đến lời nói một cách sinh động nhưng lại súc tích, đầy đủ nhất. Nhiều người có thể ngại đọc vài chục trang giấy nhưng chỉ cần xem xong một tiểu phẩm họ có thể ghi nhớ chính xác cốt truyện”, ông Tình chia sẻ.

Sáng kiến góp phần nâng tỷ lệ trẻ em đến trường

Với Trưởng ban Tuyên giáo Lâm Hà, một trong những điều khiến ông hạnh phúc nhất chính là nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường trên địa bàn thông qua đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác khoa giáo trên địa bàn huyện Lâm Hà”. Trên địa bàn huyện đã sáp nhập 10 trường học các cấp, giảm đầu mối 6 trường nên tinh giản bộ máy gọn nhẹ. Từ đó tập trung nguồn lực vào nâng cao chất lượng giáo viên, có điều kiện thực hiện mục tiêu mũi nhọn là đào tạo học sinh giỏi cũng như mục tiêu phổ cập giáo dục.

Huyện Lâm Hà có nhiều điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác.

Để kịp thời khắc phục hạn chế cũng như nhanh chóng lan toả cách làm hay, cứ 3 tháng huyện lại tổ chức hội nghị khoa giáo một lần do Ban Tuyên giáo huyện chủ trì để ghi nhận phản hồi từ cơ sở. Đến nay hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn Lâm Hà dễ thấy nhất là tỷ lệ học sinh bỏ học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm rõ rệt, hệ thống mạng lưới trường lớp học tiếp tục được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được quan tâm đầu tư, sửa chữa, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 85%. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 30%.

Để nâng tỷ lệ học sinh đến trường ở địa phương còn nhiều khó khăn như Lâm Hà, theo ông Tình cần giải quyết tận gốc vấn đề chứ không phải cứ đến nhà động viên, xong đâu lại vào đấy. Theo đó, với vùng khó khăn, trước hết phải hướng dẫn người dân làm kinh tế, khi đủ ăn đủ mặc họ mới hào hứng với việc cho con đến trường.

Cùng với đó là các tổ chức cơ sở như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi quan niệm về việc học của con cái. Đó là giải pháp căn cơ lâu dài, còn giải pháp tức thời là địa phương tích cực cấp học bổng, cấp phát gạo cho học sinh nghèo hiếu học để khích lệ các cháu tới trường.

“Thành công lớn nhất là mạng lưới trường lớp đã về đến tận bản, học sinh người dân tộc thiểu số đi học đều hơn, không còn tình trạng tự ý bỏ học như trước. Đây cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi ở quê hương thứ hai Lâm Hà”, ông Tình nói.

Từ năm 2016 đến nay, ông Nguyễn Văn Tình cùng tập thể Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Lâm Hà luôn đoàn kết, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện luôn đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, giấy khen của UBND huyện, cờ thi đua của UBND tỉnh.

Cá nhân ông Nguyễn Văn Tình nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng, giấy khen của UBND huyện, huyện uỷ Lâm Hà. Mới đây ông Nguyễn Văn Tình vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đọc thêm