Trương Cảm - Người kiểm lâm mẫn cán của đại ngàn Bạch Mã

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đang đi, bỗng anh dừng lại lắng nghe. Và rồi chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh biểu diễn kỹ năng nhái tiếng chim cuốc, khướu, chim cu gáy gọi bầy…
Kiểm lâm viên Trương Cảm (phía phải) đang say sưa giới thiệu về rừng Bạch Mã
Kiểm lâm viên Trương Cảm (phía phải) đang say sưa giới thiệu về rừng Bạch Mã

Những ngày cuối tháng 5/2024, chúng tôi từ Hà Nội vào Huế và lên kế hoạch lần đầu tới thăm Vườn Quốc Gia Bạch Mã, một địa chỉ cách thành phố Huế khoảng 60km, một phần của dãy Trường Sơn Bắc và có độ cao hơn 1,400m so với mặt nước biển. Tiếp chúng tôi là anh Trương Cảm, một kiểm lâm viên đang công tác tại đây.

Vẻ đẹp hùng vĩ của núi Bạch Mã khi nhìn từ trên cao

Vẻ đẹp hùng vĩ của núi Bạch Mã khi nhìn từ trên cao

Với dáng người đậm và đôi chân thoăn thoắt chai sạn núi rừng, anh chia sẻ đã công tác ở rừng Bạch Mã được 37 năm. Anh tâm sự, quê anh ở làng Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Cả làng anh đều là thợ rừng, hàng trăm gia đình đều sống nhờ vào cây cối, chim muông ở rừng Bạch Mã. Năm 14 tuổi, Trương Cảm theo chân những người lớn trong làng vào rừng mưu sinh. Do từ nhỏ đã vào rừng làm rẫy, thân thuộc với cuộc sống các loài nơi hoang dã, anh rất mê ngồi dưới tán rừng để nghe chim hót, nghe đến mức nghiện luôn tiếng chim. Dần dần anh tự học cách hót của các loài chim.

Năm 1988, Vườn Quốc gia Bạch Mã bấy giờ là Rừng cấm Bạch Mã cần tuyển một nhân viên am hiểu các loài thú hoang dã để có thể chăm sóc, theo dõi nguồn gốc của các loài thú bị lâm tặc bắt đi nhưng kiểm lâm chặn lại được. Những loài này sau khi bị bắt ra khỏi rừng không thể trả lại ngay cho rừng được mà cần phải được chăm sóc, phân tích cánh rừng chúng đã bị bắt đi để đem trả lại đúng cánh rừng đó. Thế là cơ duyên đến với anh. Từ người đã từng bán chim trĩ để lấy tiền đong gạo năm 1985, được sự động viên của ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã lúc bấy giờ, nay đã nghỉ hưu, anh đã trở thành một nhân viên kiểm lâm tận tâm và yêu nghề.

Đường vào rừng xanh mướt với nhiều loài cây quý hiếm

Đường vào rừng xanh mướt với nhiều loài cây quý hiếm

Trên con đường lúc lên xuống của Ngũ Hồ, anh giới thiệu với chúng tôi nhiều loài cây thuốc và cho biết rừng Bạch Mã có tới 112 loài cây thuốc chữa bệnh đang được bảo tồn và phát triển.

Một bức ảnh do anh Trương Cảm chụp tình mẫu tử của các loài thú trong rừng đã từng đạt giải

Một bức ảnh do anh Trương Cảm chụp tình mẫu tử của các loài thú trong rừng đã từng đạt giải

Chúng tôi được tận mắt thấy, được nghe về những cây như Gừng Đen, Cây Lông Cu Ly, Ngũ Gia Bì ba lá, Kim Tuyến…

Rừng Bạch Mã có tới 112 loài cây thuốc chữa bệnh đang được bảo tồn và phát triển.

Rừng Bạch Mã có tới 112 loài cây thuốc chữa bệnh đang được bảo tồn và phát triển.

Đang đi, bỗng anh dừng lại lắng nghe. Và rồi chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh biểu diễn kỹ năng nhái tiếng chim cuốc, khướu , chim cu gáy gọi bầy…

Có một số chim thấy tiếng anh liền bay về đậu trên các ngọn cây cất tiếng hót đáp chào. Anh nói, có lần nhiều con đã mạnh bạo bay về đậu lên bàn tay của anh.

Anh có thể nhái được tiếng hàng trăm loài chim và còn phân biệt được con chim đực hót”tán tỉnh”chim cái như thế nào.

Chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh Trương Cảm biểu diễn kỹ năng nhái tiếng chim cuốc, khướu , chim cu gáy gọi bầy…

Chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh Trương Cảm biểu diễn kỹ năng nhái tiếng chim cuốc, khướu , chim cu gáy gọi bầy…

Đoàn có lịch trình nhưng đã dừng lại để thấy một người kiểm lâm hòa mình vào thiên nhiên. Chúng tôi tự hỏi và tự trả lời rằng chính những con người có tình yêu thiên nhiên như vậy đã góp phần làm nên một Bạch Mã hôm nay, là điểm đến thú vị và lý tưởng không chỉ cho người Việt Nam mà chắc chắn cả cộng đồng quốc tế.

Du khách không kìm nén nổi cảm xúc trước sự hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã

Du khách không kìm nén nổi cảm xúc trước sự hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã

Sau khi đặt chân tới đỉnh Bạch Mã nghe tiếng chim ngân nga giữa đại ngàn, chúng tôi ước sẽ có nhiều dịp được vào lại Huế, vào thăm lại sự đổi thay, lớn lên của những trồi lim đỏ -gam màu nổi bật và vươn lên giữa đại ngàn Bạch Mã.

Du khách tranh thủ check- in, lưu giữ những kỷ niệm về nơi hùng vĩ

Du khách tranh thủ check- in, lưu giữ những kỷ niệm về nơi hùng vĩ

Chia tay anh, trưởng đoàn của chúng tôi ôm tạm biệt anh. Tôi biết, cái ôm đó là một sự trân trọng, ngưỡng mộ và cảm ơn những đóng góp lặng thầm của anh như một nhân tố trong sự phát triển của Vườn Quốc Gia Bạch Mã hôm nay và mai sau.

Du khách lưu luyến với Vườn quốc gia Bạch Mã không chỉ bởi cảnh đẹp hùng vĩ nơi này, mà vì còn cảm nhận được sự tận tâm, yêu nghề của các Kiểm lâm viên đang ngày đêm gắn bó với rừng

Du khách lưu luyến với Vườn quốc gia Bạch Mã không chỉ bởi cảnh đẹp hùng vĩ nơi này, mà vì còn cảm nhận được sự tận tâm, yêu nghề của các Kiểm lâm viên đang ngày đêm gắn bó với rừng

Năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng ( Lophura edwardsi), chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia rộng 50.000ha. Năm 1932, Bạch Mã được phát hiện và đệ trình xây dựng khu nghỉ mát bởi ông M.Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, chính quyền Pháp thuộc. Năm 1942, khu nghỉ mát từ đai cao 1.200m đến đỉnh Bạch Mã được xây dựng hoàn chỉnh với một quần thể gần 139 biệt thự, chợ, bưu điện, nhà hàng tạp hóa và một tuyến đường ô tô nhỏ 19km nối từ quốc lộ tới khách sạn Morin. Ngoài ra, khu nghỉ mát còn có một hệ thống các đường mòn dẫn đến các biệt thự, các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như Vọng Hải Đài, Công viên Rừng, Công viên Đá hát, trại Hướng Đạo Đông Dương, các suối thác đẹp như suối Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, …. Ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy các mảnh tường đổ nát được xây bằng đá Granit dọc theo các tuyến đường mòn, dấu tích của một thời vàng son và nổi tiếng được ví như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt của miền Trung.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Bạch Mã là một cứ điểm quan trọng về quân sự. Vào đầu tháng 08/1973, Mỹ đã thiết lập sân bay trực thăng dã chiến và đã đổ bộ một tiểu đoàn lính bảo an, cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhằm chiếm giữ điểm cao Bạch Mã. Ngày 06/09/1973, bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 6 đã tấn công và chiếm đóng điểm cao Bạch Mã để đảm bảo phòng thủ, bảo vệ tuyến đường chi viện Bắc Nam của quân giải phóng ở khu vực Nam Đông, Phú Lộc. Sau khi chiến thắng và làm chủ điểm cao Bạch Mã, Bộ tư lệnh đã chỉ đạo Tiểu đoàn 5, Quân khu Trị Thiên đào hệ thống các hầm công sự, địa đạo và các giao thông hào để làm căn cứ chiến đấu, bảo vệ điểm cao Bạch Mã. Hệ thống này gồm 2 địa đạo chính với tổng chiều dài khoảng 270m, chiều cao trung bình 1,8m, chiều rộng trung bình 1,3m. Dọc theo các địa đạo còn có nhiều hầm trú ẩn nhỏ, cửa gác, phòng nghỉ, phòng họp có thể chứa được 15 - 20 người. Ngày nay hệ thống địa đạo này được đặt tên là Địa đạo Bạch Mã, là Di tích lịch sử Cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2009.

Năm 1986, chính phủ đã có chủ trương bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi rộng lớn cả nước. Ngày 09/8/1986, Chủ tịch HĐBT đã ký Quyết định 194/CT về việc thành lập hệ thống các khu rừng cấm trong toàn quốc, trong đó có Bạch Mã - Hải Vân.

Ngày 15/7/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 214/CT phê duyệt Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật VQG Bạch Mã trực thuộc Bộ Lâm nghiệp, với tổng diện tích là 22.031ha. Trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát triển, VQG Bạch Mã đã đề xuất ý tưởng mở rộng ranh giới nhằm bảo tồn tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt nhằm tạo nơi sống tốt hơn của các loài thú quý hiếm như Hổ, Báo, Vọoc ngũ sắc, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Sao La, … Đến năm 2008, được sự đồng ý của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 01/QĐ -TTg ngày 02-01-2008 về việc điều chỉnh mở rộng VQG Bạch Mã có tổng diện tích là 37.487ha. Theo quy hoạch mở rộng, Vườn nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Cho đến nay, VQG Bạch Mã có tổng diện tích tự nhiên là 37.423,10 ha, giảm 63,90 ha do Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan thu hồi để giải phóng mặt bằng (Theo Quyết định 2022/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 và Quyết định 2885/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)