Trường học của những giấc mơ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đã từng có một ngôi trường mang tên Tomoe ghi dấu trong ký ức của rất nhiều người Việt Nam thông qua câu chuyện “Totto-chan bên cửa sổ” của tác giả Kuroyanagi Tetsuko. Có lẽ, câu chuyện là giấc mơ về ngôi trường của trẻ em trên toàn thế giới. Nơi mỗi học sinh coi trường như ngôi nhà thứ hai theo đúng nghĩa, để các em thỏa sức sáng tạo, tận hưởng cảm giác sẻ chia, gắn bó bên bạn bè, thầy cô và ghi dấu những kỷ niệm.
Có nhiều điểm trường vùng cao đã dùng kinh phí ít ỏi để tạo nên khuôn viên trường đẹp đẽ.
Có nhiều điểm trường vùng cao đã dùng kinh phí ít ỏi để tạo nên khuôn viên trường đẹp đẽ.

Cánh cổng yêu thương cho mọi đứa trẻ

Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương và đối xử bình đẳng như nhau, đó là điều đầu tiên mà thầy hiệu trưởng Kobayashi trong ngôi trường Tomoe mang đến khi ông gặp Totto-chan, một cô bé kỳ lạ, thiếu tập trung và giàu trí tưởng tượng. Ngày đến ngôi trường mới, thay vì hỏi về thành tích học tập, sơ yếu lý lịch, thầy Kobayashi lại chọn cách ngồi nghe cô bé kể về tất cả mọi thứ trên đời này.

Rất nhiều người cho rằng, ngôi trường trong mơ phải có khuôn viên đẹp lộng lẫy, các lớp học với những học sinh xuất sắc. Tuy nhiên, thực tế, “ngôi trường cổ tích” là nơi học sinh được thầy cô thấu hiểu, cảm thông và mở rộng lòng bao dung, yêu thương. Từ đó, giúp các em hiểu được giá trị tốt đẹp và phát triển khả năng của mình.

Như câu nói của nhà văn, nhà giáo dục người Pháp, Anatole France: “Toàn bộ nghệ thuật của sự giáo dục là nghệ thuật đánh thức sự tò mò bản năng của những trí óc non trẻ nhằm thỏa mãn nó sau đó”. Mỗi đứa trẻ đều có một tài năng riêng biệt, cho nên mỗi thầy cô giáo không phải là người đánh giá học sinh, mà truyền cho các em lòng hiếu kỳ, yêu thích mỗi khi đến trường. Đến cuối cùng, mục đích giáo dục là đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội, chứ không phải để lưu giữ lại những bảng điểm đẹp đẽ.

Ở Hà Nội, có một ngôi trường nổi tiếng mang tên THPT Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường mở rộng cửa đón chào tất cả học sinh. Hơn ba mươi năm hoạt động, trường đón nhận những học sinh cá biệt nhất. Nhẹ thì các em gây gổ, đánh nhau, nặng thì phải gọi công an đến can thiệp. Từng có thời, phụ huynh luôn lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến tên ngôi trường này. TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên hiệu trưởng nhà trường từng nói: “Chúng tôi không đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò mà nhìn vào những điều tốt các em đã làm được. Đặc biệt, các học sinh không bị so sánh với nhau mà chỉ so sánh chính bản thân họ để thấy đã tiến bộ như thế nào”.

Suốt 30 năm tồn tại, ngôi trường không hề đánh giá xếp loại học lực, rèn luyện của học sinh, mà cho các em tự đánh giá bản thân. Thầy cô chủ nhiệm các lớp ở trường đều tận tâm với nghề, thậm chí được gọi là “bám học sinh”, họ hiểu tường tận hoàn cảnh từng em một, từ đó thấu hiểu và rèn luyện các em trở thành những người tốt cho xã hội. Ngôi trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã “trả” lại cho xã hội rất nhiều công dân tốt, thiện lương và sống có ích trong xã hội.

Còn tại thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An, một trường học “liên cấp” từ tiểu học đến THPT mang tên Bồ Đề Phương Duy đã mở ra để chào đón tất cả những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngôi trường có hơn 60 thầy cô, trong đó 34 người là những giáo viên đã về hưu, đi dạy vì yêu nghề, mong muốn mang lại một thế giới hạnh phúc cho những đứa trẻ. Học sinh trong trường mỗi người một hoàn cảnh, có em gia đình khó khăn, có em mồ côi bố mẹ sau đợt dịch COVID-19, có em vì không còn nơi nào để đi. Dù các em là ai, nhà trường sẵn sàng đón nhận.

Trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường do các mạnh thường quân, nhà chùa ủng hộ. Trường có ba không: không thu phí của học sinh, giáo viên không nhận lương và không có học sinh trượt tốt nghiệp. Học sinh đến trường được cấp sách vở, dụng cụ học tập và đồng phục cùng một chỗ ăn ở.

Cô Huỳnh Thị Thu Loan - Hiệu trưởng ngôi trường cho biết, tất cả giáo viên đi dạy vì tình yêu dành cho trẻ thơ. Các giáo viên về hưu rất tận tâm chăm sóc học sinh, hằng ngày, không chỉ dạy con chữ, các thầy cô còn dành thời gian ở lại may vá quần áo để các em có quần áo lành lặn đi học. Lên lớp, dù đã hết giờ nhưng các thầy cô vẫn ở lại để dạy thêm và làm những bài tập mẫu để bồi dưỡng kiến thức cho các em. Ngoài thời gian lên lớp, để giúp những em học sinh tránh được cám dỗ ngoài xã hội, thầy cô thường xuyên tâm sự, chia sẻ, dạy kỹ năng sống cho các em, để hy vọng sau này các em sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Thả hồn vào không gian bay bổng

Trường học cổ tích không phải là ngôi trường đẹp nhất, nhưng chắn học sinh luôn cảm thấy được yêu thương.

Trường học cổ tích không phải là ngôi trường đẹp nhất, nhưng chắn học sinh luôn cảm thấy được yêu thương.

Bên cạnh tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, không gian của ngôi trường là một phần tạo nên ký ức tuổi thơ tươi đẹp của những đứa trẻ. Bởi các em đang trong độ tuổi giàu trí tưởng tượng nhất. Mọi hình ảnh và màu sắc đều có thể tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư duy và sức sáng tạo của các em.

Trong câu chuyện “Totto-chan bên cửa sổ”, có một hình ảnh rất đẹp, đó là lớp học được xây dựng bằng những toa tàu, khiến cho mọi học sinh đều cảm thấy mình là một nhà thám hiểm và thầy cô thành người lái tàu. Mỗi ngày đi học trở thành một hành trình khám phá thế giới đầy thú vị này.

Cứ ngỡ ngôi trường cổ tích thơ mộng chỉ có ở một nơi xa xăm nào đó hoặc dành cho những học sinh có điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng thực tế, không ít trường học ở vùng sâu, vùng xa đã tạo nên những khuôn viên trường thơ mộng giữa đại ngàn hùng vĩ từ vốn kinh phí ít ỏi. Từ đó tạo ra niềm hứng khởi đến trường cho học sinh, giúp các em nuôi dưỡng niềm hy vọng tốt đẹp.

Tại điểm trường mầm non Lao Chải thuộc xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai lại giống như một khu vườn cổ tích đẹp đến ngỡ ngàng. Cô giáo Hà Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường mầm non xã Trịnh Tường là người khởi xướng cho ý tưởng xây dựng mô hình này. Cô Huyền cho biết: “Tôi muốn biến không gian sinh hoạt học tập của các con thật đẹp, khác lạ, ở đây chẳng có gì ngoài không gian nên có thể thoả sức sáng tạo.”

Vì thế, tại các điểm trường lẻ của xã Trịnh Tường cô đã lên ý tưởng thiết kế ngoại cảnh khác nhau trong đó có gắn với văn hoá của mỗi tộc người. Với điểm trường nơi đồng bào Mông sinh sống ngoài thiết kế khuôn viên theo địa hình thì có góc sinh hoạt văn hoá của đồng bào Mông, tương tự tại điểm trường của đồng bào Hà Nhì, đồng bào Dao cũng vậy.

Cô Huyền cũng chia sẻ thêm, do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc mua các thiết bị làm khuôn viên hầu như không có vì thế các cô đã tận dụng tất cả các đồ rác thải từ chai nhựa, lốp xe đến vỏ lon sữa, tre nứa, hòn đá… cái gì có thể làm được các cô sẽ tận dụng. Điều đáng mừng là phụ huynh cũng rất ủng hộ chung tay góp công cùng nhà trường xây dựng lên một khuôn viên thân thiện cho các con.

Hay đó là ngôi trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Manh (Lai Châu) được ví như chốn bồng lai tiên cảnh bởi vẻ đẹp thiên nhiên và sự tận tâm, nhiệt huyết của các thầy cô giáo. Thầy Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban đầu, khi thầy mới đến trường nơi đây là những gian nhà đơn sơ, cỏ cây thưa thớt, còn học sinh thường xuyên trốn học lên nương làm rẫy với bố mẹ. Mong muốn tạo ra không gian học tập đẹp đẽ thu hút học sinh. Thầy đã chấn chỉnh lại các hoạt động chuyên môn trong trường, rồi cùng các thầy cô giáo quyên góp mỗi người vài trăm nghìn đến vài triệu mua lại đồ tái chế. Ban ngày, thầy cô đứng trên bục giảng dạy, sau giờ học trở thành “công nhân”, “kỹ sư” cùng nhau cải tạo khuôn viên trường.

Đến hiện nay, ngôi trường tiểu học Nậm Manh trở thành không gian xinh đẹp, sống động ngập tràn màu sắc. Nơi thì có góc học tập trên đỉnh núi ngập tràn mây, nơi có lan can để học sinh ngắm cảnh. Không gian vui chơi không khác gì những khách sạn năm sao với xích đu bằng lốp xe đủ màu sắc, ô quay lợp bằng tre nứa. Góc nào tại ngôi trường này cũng được bầy biện, trang trí tinh tế, tỉ mỉ. Vì ngôi trường quá đẹp, mà bà con dân tộc nơi đây “tranh nhau” gửi con đến trường học.

Thầy Phạm Quốc Bảo chia sẻ, học sinh tại đây đều là người dân tộc Mông, Khơ Mú, các em được đi học là điều vô cùng khó khăn. Ngoài dạy cho các em tri thức nền tảng, rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh, thì thầy cô trong trường mong muốn học sinh tìm thấy niềm hy vọng tươi sáng trong tương lai. Vì vậy, ngoài giờ học lên lớp, các em được dạy kỹ năng sống, mỗi buổi tối cuối tuần, nhà trường sẽ tổ chức hát karaoke, tập đàn guitar.

Để yêu thương trọn vẹn những đứa trẻ ngô nghê, việc đầu tiên các thầy cô phải thấu hiểu các em, thay vì chỉ quan tâm đến kết quả học tập, hay các bản đề cương, photo cho trò học thuộc và làm bài theo trí nhớ chứ không tư duy, tìm hiểu của mình nghĩ. Hơn thế, một ngôi trường cổ tích, không phải để “sản xuất” ra các nhân tài, mà là tạo ra những cá nhân có ích, cống hiến và góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp lên. Như Malala Yousafzai, người đạt giải Nobel Hòa Bình khi chưa đủ 18 tuổi đã có câu nói: “Chúng ta hãy nhớ rằng một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cái bút có thể thay đổi cả thế giới”.

Đọc thêm