Trường học... 'huy động đầu tư'

(PLVN) - Sự việc gây ngạc nhiên dư luận, vì đến giờ nhiều người mới biết có trường học lại “huy động tài chính” như vậy. Đánh giá về người “đầu tư”, nhiều ý kiến cho rằng các phụ huynh này cũng đã tính tới mối lợi là không phải nộp tiền học cho con tới hơn 700 triệu/năm; nên cũng không hoàn toàn bị thiệt thòi. Nhưng trường học là trường học, không phải doanh nghiệp kinh doanh tài chính...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở GD&ĐT TP HCM ngày 25/9 ra văn bản chấn chỉnh hoạt động các trường ngoài công lập.

Sở dĩ phải có chấn chỉnh, vì một trong các lý do là trước đó xảy ra một sự việc lùm xùm hi hữu liên quan một trường “quốc tế”. Đây là trường liên cấp từ bậc mầm non đến trung học, hiện có hơn 1.400 học sinh, 200 giáo viên nước ngoài, 300 nhân viên trong nước. Học phí ở đây dao động 280 - 350 triệu đồng/năm với bậc mầm non, 450 - 500 triệu đồng với bậc tiểu học và cao nhất là 600 - 725 triệu ở bậc trung học. Trường dạy chương trình tú tài quốc tế (IB).

Thế nhưng hôm 21/9, nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ trường này. Các phụ huynh nói cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học miễn phí, nay con ra trường nhưng chưa được hoàn lại.

Một phụ huynh ngụ quận 7 cho biết, năm 2018 ký hợp đồng cho vay với Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường, số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đây là khoản vay không lãi suất, bù lại hai con của ông được học miễn phí đến hết lớp 12 hoặc chuyển trường.

Theo hợp đồng, khi học sinh làm xong thủ tục chuyển trường hoặc tốt nghiệp lớp 12, trường sẽ trả lại số tiền đã vay sau 90 ngày. Con ông đã chuyển từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được trường trả lại tiền vay. Cũng theo phụ huynh này, trường từng hai lần hứa trả nợ vào tháng 1 và tháng 5 song đều không thực hiện.

Trong thông báo công khai, phía trường cho biết khoản nợ học phí mà phụ huynh đang đòi thực chất là “tiền đầu tư”. Trường và phụ huynh ký hợp đồng đầu tư giáo dục, tiền sẽ được hoàn trả lại sau 5 - 15 năm học sinh theo học tại trường. Phía trường từ chối cho biết số tiền đến hạn thanh toán cho phụ huynh đến thời điểm hiện nay.

Trường này đưa ra lý do bị ảnh hưởng nghiêm trọng những năm dịch COVID-19, khi phải chi trả lương và các phúc lợi cho người lao động trong và ngoài nước. Trường thừa nhận thiếu sót trong quản trị tài chính nên phải đối mặt với các khó khăn, thách thức trong thời gian gần đây.

Theo trường, việc khảo sát, nắm bắt số liệu tài chính đã hoàn tất và đang chờ báo cáo đánh giá kiểm toán độc lập của bên thứ ba để làm cơ sở cho việc đàm phán với các tổ chức tài chính phù hợp, nhằm tái cấu trúc toàn bộ khoản nợ.

Trong đó, với các trường tư thục có vốn trong nước, Sở đề nghị phải tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính.

Sự việc gây ngạc nhiên dư luận, vì đến giờ nhiều người mới biết có trường học lại “huy động tài chính” như vậy. Đánh giá về người “đầu tư”, nhiều ý kiến cho rằng các phụ huynh này cũng đã tính tới mối lợi là không phải nộp tiền học cho con tới hơn 700 triệu/năm; nên cũng không hoàn toàn bị thiệt thòi.

Nhưng trường học là trường học, chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Vì vậy, Sở GD&ĐT cho biết sẽ cử đoàn làm việc với trường để tìm hiểu giải quyết sự việc trên.

Sở cũng nhắc lại, những trường có vốn trong nước, phải thực hiện việc thu học phí, kê khai giá dịch vụ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Với trường mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, phải tổ chức dạy học đúng chương trình đã được cấp phép, thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục bắt buộc với học sinh người Việt. Số học sinh người Việt mà trường được phép tiếp nhận là dưới 50% tổng số học sinh toàn trường.

TP HCM hiện có 961 trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT với 274.000 học sinh; học phí có thể lên đến gần 1 tỷ đồng/năm. Số lượng trường tư nhiều, số học phí không nhỏ, nên rất cần sự kiểm tra giám sát, chấn chỉnh kịp thời; để học sinh được hưởng chương trình dạy và học có chất lượng tương ứng; tránh những trường hợp “lùm xùm” đáng tiếc như nêu trên.

Đọc thêm