Một trường công thu phí nghỉ giữa trưa tại lớp với mức 15 ngàn đồng/buổi cho mỗi học sinh. Những em không đóng tiền phải ra khỏi lớp, ngồi ghế đá, gốc cây giữa trưa dù nắng hay mưa, hoặc về nhà rồi quay lại lớp khi đến đầu giờ học.
Đại diện trường cho biết, giờ học buổi sáng kết thúc 10h45, buổi chiều bắt đầu vào lớp 12h45. Vì không phải trường bán trú, trường “tạo điều kiện tổ chức cho học sinh nghỉ trưa”. Vị này cũng cho rằng việc thu 15 ngàn đồng/buổi “không đắt”. Số tiền này sẽ chi trả tiền điện, hỗ trợ người quản lý học sinh, trả nhân viên tạp vụ vệ sinh phòng nghỉ 1 - 2 buổi/tuần; và “trường không thể mở cửa phòng học cho học sinh nghỉ tự do, không thu tiền vì rất nguy hiểm. Giờ nghỉ trưa, trường phải đóng cửa các phòng học”.
Cũng tại một lớp ở TP HCM, mỗi phụ huynh phải đóng các khoản tiền 7,1 triệu đồng, chưa kể các khoản thu học phí. Số lượng các khoản có thể gây “hoa mắt”, gồm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, tiền dạy 2 buổi, nước uống, tiền học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, tiền điện học máy lạnh, quỹ lớp, ấn phẩm ấn chỉ, hệ thống thông tin quản lý học sinh, tài khoản học trực tuyến online, thể dục tự chọn, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền giúp trường xây dựng cơ sở vật chất, khen thưởng học sinh…
Bảng dự chi năm học 2022 - 2023 của một lớp khác ở một trường khác có tới 32 hạng mục; trong đó khoản chi chụp ảnh kỷ yếu mỗi học sinh 1,8 triệu đồng; rồi liên hoan các học kỳ, tiệc tri ân, chi cho giáo viên bộ môn, áo lớp…
Tính bình quân mỗi học sinh đóng hơn 8 triệu đồng quỹ lớp. Không phải “lạm thu”, có thể gọi đây là tình trạng “loạn thu”. Tới mức ngày 6/10 vừa qua, Sở GD&ĐT phải ra văn bản chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi đầu năm học 2022 - 2023 ngành Giáo dục TP.
Sở nêu rõ việc triển khai hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác phải nghiêm túc thực hiện công văn hướng dẫn do Bộ GD&ĐT, UBND TP ban hành, đồng thời cần xây dựng dự toán các khoản thu khác theo nội dung hướng dẫn chuyên môn của ngành Giáo dục.
Khi triển khai, phải báo cáo đầy đủ, công khai bằng văn bản các khoản thu đến phụ huynh, học sinh, nêu rõ nội dung khoản nào thu theo quy định, khoản nào thu theo thỏa thuận, khoản nào thu hộ, chi hộ. Phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không được thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.
Khoản kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép dùng để: Bảo vệ cơ sở vật chất của trường; đảm bảo an ninh trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị dạy học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình của trường…
Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT phải phối hợp Phòng tài chính - Kế hoạch tham mưu với UBND cấp huyện ban hành hướng dẫn thu, chi với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý.
Các cơ sở giáo dục trực thuộc chỉ được tổ chức các khoản thu sau khi có công văn hướng dẫn của cấp quản lý. Nếu trường thu, chi sai, phòng phải đưa ra hình thức xử lý nghiêm với hiệu trưởng trường đó.
So sánh với công văn của Sở vừa ban hành, có thể thấy đa phần những khoản thu của một số trường như nêu trên là sai quy định. Sai thì phải sửa, “loạn” thì phải dẹp. Có điều nhiều người băn khoăn, là phải chăng gốc rễ câu chuyện nằm ở chỗ quan niệm của một vài người bị lệch hướng, nên mới lập luận số tiền 15 ngàn đồng “phí nghỉ trưa” là “không đắt”. Trường học và ở đây lại là trường công, chứ đâu phải nơi kinh doanh, mà đặt ra vấn đề đắt – rẻ?.