Trường hợp nào bị kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn, giao thông?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công an TP Hà Nội cho biết tập trung xử lý các hành vi vi phạm về xe ô tô chở quá số người quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc...
Ảnh: Công an TP Hà Nội.
Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Cụ thể, theo Công an TP Hà Nội: Đối với xe ô tô khách chở quá số người quy định: trên xe có số người vượt quá số người được phép theo quy định áp dụng đối với loại xe đó (quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; quá từ 3 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; quá từ 4 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ).

Đối với xe ô tô tải chở hàng quá khổ (chiều cao, chiều dài, chiều rộng của thùng xe), quá tải, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện (“cơi nới” thành thùng) chở vật liệu để rơi vãi, gồm: Chở hàng quá khổ (được quy định cụ thể tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ), cụ thể:

Quá chiều cao:Đối với xe tải thùng hở có mui: vi phạm chở quá khổ giới hạn là chiều cao xếp hàng hóa vượt quá giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với xe tải thùng hở không mui: vi phạm chở quá khổ giới hạn là chiều cao xếp hàng hóa vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) theo quy định như sau: vượt quá 4,2 mét (chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên) đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên; vượt quá 3,5 mét (chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên) đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn; vượt quá 2,8 mét (chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên) đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn; vượt quá 4,35 mét (chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên) đối với xe chuyên dùng, xe chở container.

Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe.

Quá chiều dài: Chiều dài xếp hàng hóa lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét.

Quá chiều rộng: Vượt quá chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chở hàng quá tải: trường hợp các xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát sỏi...) chở cao hơn phần thành thùng xe... là có dấu hiệu vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép; hoặc các xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe lớn hơn trọng tải cho phép trên đoạn đường có gắn biển P.115 “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe” vi phạm quá tải trọng cho phép của cầu, đường.

Tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện (“cơi nới” thành thùng): các xe tải có phần thành dọc theo chiều dài xe cao hơn điểm cao nhất của đầu xe; có các vết hàn gia cố ở thành thùng xe và chạy dọc theo phần thành xe, đuôi xe; xe có lắp thêm phần “bạt cánh” có khớp xoay gắn cố định chạy dọc theo thành thùng xe (có thể nâng lên khi chở hàng để be chắn hàng hóa)... là có dấu hiệu vi phạm “cơi nới” thành thùng xe.

Chở vật liệu để rơi vãi: các xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát sỏi...), hóa chất, chất thải trên thùng hở không có mui, bạt để che đậy, để rơi, vãi vật liệu, chảy nước thải, hóa chất xuống mặt đường.

Xe ô tô đi vào đường cấm, ngược chiều: xe ô tô đi vào đường có biển báo cấm theo loại phương tiện hoặc cấm đi ngược chiều được quy định tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ Quy chuẩn Việt Nam 41:2019 do Bộ Giao thông vận tải ban hành, gồm: Biển số P.102 “Cấm đi ngược chiều”; Biển số P.103a “Cấm ô tô”; Biển số P.105 “Cấm ô tô và mô tô”; Hệ biển số P.106 “cấm xe ô tô tải”; Biển số P.107 “Cấm xe ô tô khách và xe ô tô tải”; Biển số P.107a “Cấm xe ô tô khách”; Biển số P.107b “Cấm xe ô tô taxi”; Biển số P.108 “Cấm xe kéo rơ-moóc”; Biển số P.108a “Cấm xe sơ-mi rơ-moóc” và các hệ biển trên có thêm Biển phụ S.508 “Biểu thị thời gian”

Hành vi vi phạm của xe ô tô không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc (trừ trường hợp xe ưu tiên theo quy định của Luật giao thông đường bộ).

Đọc thêm