"Trưởng lão" 104 tuổi trí sáng, sức "sung" như thanh niên

104 tuổi, nhưng cụ Huỳnh Cát ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên, không chỉ sinh hoạt bình thường, mà mỗi ngày vẫn đọc và viết chữ quốc ngữ, chữ Hán, theo dõi tình hình thời sự, tự tay chẻ củi nấu nước pha trà, nhớ rành rẽ từng sự kiện xảy ra từ hơn nửa thế kỷ về trước…

104 tuổi, nhưng cụ Huỳnh Cát ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên, không chỉ sinh hoạt bình thường, mà mỗi ngày vẫn đọc và viết chữ quốc ngữ, chữ Hán, theo dõi tình hình thời sự, tự tay chẻ củi nấu nước pha trà, nhớ rành rẽ từng sự kiện xảy ra từ hơn nửa thế kỷ về trước…

Tiết trời bắt đầu se lạnh, tôi tìm đến nhà cụ Huỳnh Cát giữa buổi sáng một ngày đầu năm mới. Bước vào hành lang căn nhà ba gian với vườn cây mai kiểng nở hoa vàng rực đánh thức mùa xuân mới với nhiều dự cảm tốt lành, tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy cụ già mặc bộ quần áo màu xanh nhạt, đeo mắt kiếng, ngồi trên chiếc võng đọc cuốn sách dày hơn hai phân, giấy ngả màu vàng úa. Thấy có khách, cụ rời võng, đáp lại lời chào bằng nụ cười nhân hậu.

Cụ Huỳnh Cát
Cụ Huỳnh Cát

Bước vào phòng khách, cụ Cát bảo: “Già rồi nhưng vẫn phải đọc lại sách cũ. Tui đọc để ôn luyện chữ nghĩa, chứ không phải giải trí”. Thấy lạ, tôi mượn tập sách và được biết đó là “Nho văn giáo khoa toàn thư” dày 710 trang của tác giả Nguyễn Văn Ba, do NXB Việt Nam văn hiến phát hành ngày 15/8/1970. Nhìn cụ Cát bước đi nhanh nhẹn đủ biết, bậc trưởng lão còn khỏe lắm, thần sắc sáng nét kiên nghị, thông thái mà nhân hậu.

Rót trà mời khách rồi, cụ Cát mở tủ lấy ra tấm thẻ căn cước số 06401029 do Ty cảnh sát quốc gia Phú Yên trong chế độ cũ cấp ngày 10/11/1970 và chứng minh nhân dân số 220159891 do Ty Công an Phú Khánh cấp ngày 27/9/1978, cả hai đều ghi rõ năm sinh của cụ là 1907. Trên tường, còn có tấm giấy mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch tỉnh Phú Yên trao cho cách đây bốn năm.

Bằng chất giọng xứ Nẫu, cụ tâm sự: “Thời xưa, nơi đây là thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân, tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa. Trong 8 người con ba má tui sinh dưỡng, anh cả là Huỳnh Cương - Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hòa Tân - cùng ba người em kề là Huỳnh Hoàng, Huỳnh Ra, Huỳnh Thị Giãn đều thoát ly tham gia kháng chiến, nên về sau má tui  - bà Lê Thị Bồng - được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Hồi nhỏ tui đi học chữ Việt ngữ, Pháp ngữ tại trường công lập ở xã Hòa Bình; về nhà thì có hai thầy đồ Huỳnh Khắc Minh, Lê Trấp Phi dạy chữ Hán. Năm 1945, tui làm Trưởng ban Bình dân học vụ xã Hòa Tân, lúc 38 tuổi. Ba năm sau, chính quyền Việt Minh phân công làm Bí thư Nông hội, lo việc giảm tô, giảm tuất, cải cách điền địa; sau đó làm tín dụng xã, phân phối tiền cho những gia đình bần cố nông”.

Cụ Cát nhớ lại: “Hồi đó cứ gà gáy canh ba, tui cùng vài người đi bộ ra tận La Hai, huyện Đồng Xuân nhận tiền tín phiếu mang về lo cho người nghèo. Khi ngừng bắn theo Hiệp định Giơneve năm 1954, nhiều thanh niên đi tập kết ra miền Bắc, tui lớn tuổinên được phân công ở lại hoạt động bí mật. Tiếc là những người trong tổ chức cách mạng ở Hòa Tân hy sinh hết, tui mất liên lạc từ đó. Năm 1965, địch càn quét Hòa Tân thành vùng trắng, cả làng di tản về xã Hòa Thành sinh sống bằng nghề nông. Sau ngày miền Nam giải phóng (4/1975) tui về quê lúc 68 tuổi nhưng vẫn làm ở Hội Phụ lão xã hai năm mới thôi”.

Với vốn liếng chữ Hán của mình, cụ Cát dày công bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. Cụ không chỉ viết chữ Hán trên các bức liễn thờ cho nhiều gia đình, nhà chùa, đình, lẫm, miếu mà còn trông giữ 4 sắc phong thời triều Nguyễn ở lẫm thờ các bậc tiền hiền nơi cụ đang sinh sống, đặc biệt là bậc tiền hiền Lương Văn Chánh có công khai hoang vùng đất Phú Yên.

Cụ bảo: “Thời xưa, tui sinh trưởng qua ba đời vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Lẫm làng có từ thời đó, nhưng chiến tranh tàn phá, đến năm 1998 người dân mới góp công sức dựng lại. Mặt trước lẫm, tui có viết “Tiền nhơn cấu tạo quy mô diễn. Hậu thế kinh doanh đức nghiệp tân”, nghĩa là “Người trước xây dựng đã rõ ràng. Người sau bồi đắp thêm cho đẹp”.

Dù đã 104 tuổi, nhưng mỗi ngày cụ Huỳnh Cát vẫn đọc sách, theo dõi thời sự qua ti vi, radio
104 tuổi, nhưng mỗi ngày cụ Huỳnh Cát vẫn đọc sách, theo dõi thời sự qua ti vi, radio.

Nói tới chuyện giáo dục con cháu, cụ Cát lo lắng khi một số trường học thiếu chú trọng đến chuyện “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Tui muốn thầy cô, cha mẹ phải chú trọng dạy học trò, con cháu mình biết lễ nghĩa gia phong, trật tự xã hội…Con cháu phải có nghĩa vụ “Xuất tất cáo, phản tất diện”, nghĩa là “Đi phải thưa, về phải trình”; không phải muốn đi đâu tùy thích, đến khi phạm sai lầm thì đã muộn. Lớp trẻ bây giờ có điều kiện thuận lắm, cần chú tâm học hành để phụng sự đất nước thanh bình, thịnh vượng”…

Không chỉ ưu tư chuyện làng xóm, cụ Cát còn bám sát những đổi thay của đất nước. “Trừ ít bữa mệt mỏi, chứ ngày nào tui cũng nghe đài, xem ti vi. Phải thừa nhận Đảng và Nhà nước lãnh đạo sáng suốt lắm, nên tình hình chính trị, an ninh quốc phòng đất nước mình luôn ổn định, kinh tế - xã hội đổi mới phát triển nhanh. Thời phong kiến người dân khổ lắm, ngay như muốn nói cũng không được, hớ miệng là bị gông cổ; còn bây giờ người dân có quyền làm chủ thực sự, sung sướng lắm chớ…”.

Chia tay bậc trưởng lão khi cuốn lịch đã mở ra năm mới, tôi nhớ mãi lời tâm sự của ông Lê Tấn Khanh - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tân Đông: “Cụ Huỳnh Cát là niềm tự hào không chỉ riêng họ tộc ông, mà còn là tấm gương sáng cho nhiều người, nhiều địa phương về tinh thần hiếu học, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục đạo đức con người và trách nhiệm công dân đối với xã hội, đất nước…”.

Phan Thế Hữu Toàn

Đọc thêm