Trăn trở vì không thể dạy thực hành
Với nhiều trường, việc giảng dạy trực tuyến đã trở thành “đương nhiên” kể từ khi có dịch COVID-19. Đa số các trường từ trung cấp đến đại học (ĐH) đã tìm phần mềm cần thiết để phục vụ nhu cầu giảng dạy.
Sinh viên thành thạo trong việc trao đổi thông tin bài học với nhau hoặc nhận yêu cầu, bài tập từ giảng viên. Ngoài ra, giảng viên còn có thể truyền tải âm thanh, video và hình ảnh minh họa đến từng học viên qua internet.
Thế nhưng, nhược điểm của hình thức học trực tuyến là sự tương tác của học viên với giảng viên không thể bằng trực tiếp. Đặc biệt, đối với các môn học thực hành, việc dạy trực tuyến không thể đầy đủ và sinh động bằng cách dạy truyền thống, thậm chí không thể thực hiện.
Trao đổi với PLVN, PGS.TS Dương Đức Hồng- Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Từ tháng 5 đến tháng 10/2021 sinh viên các khóa 10, 11, 12 không đến trường học trực tiếp được do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội và các địa phương vì vậy học kỳ 2 năm học 2020-2021 gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà trường đã tổ chức tập huấn và các Khoa đã triển khai cho giảng viên dạy online phần lý thuyết của các môn học, hướng dẫn trực tuyến các nội dung lý thuyết của đồ án tốt nghiệp và thi tốt nghiệp của sinh viên năm cuối.
|
PGS. TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội. |
Khi dạy trực tuyến, các giảng viên đã có nhiều cố gắng để đảm bảo chất lượng bài giảng, truyền đạt cho sinh viên những nội dung cơ bản, cốt lõi nhưng dễ hiểu, dễ áp dụng; đồng thời các giảng viên có phương pháp để quản lý lớp thông qua việc hỏi bài sinh viên, số lượng sinh viên học online đông.
Dù có nhiều cố gắng nhưng việc dạy online cũng có những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy và trò.
Cô Phan Thị Kim Thương, Giảng viên Khoa Cơ khí Động lực, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ cho biết, hiện nay lựa chọn công việc trong lĩnh vực công nghệ ô tô đã trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ yêu kỹ thuật.
Công nghệ kỹ thuật ô tô gắn liền với những hệ thống, chi tiết máy móc, thiết bị phức tạp, tinh vi nên đòi hỏi cao về tính quy trình, sự chuẩn xác.
Ô tô là tổng hợp của sự lắp ghép hàng vạn chi tiết cơ khí, linh kiện điện tử…đồng thời là sự kết hợp của hệ thống cơ khí và hệ thống điều khiển. Do vậy, chỉ cần thiếu cẩn thận, làm việc không nghiêm túc có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng về kỹ thuật, từ đó có thể gây ra hậu quả rất lớn về con người và kinh tế… Bởi thế nên việc dạy thực hành "cầm tay, chỉ việc" cực kỳ quan trọng.
Chia sẻ với báo chí, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Các trường phải phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề để xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến. Đối với các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch… có thể áp dụng hình thức học online.
Đối với những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện… chỉ đào tạo được những buổi học lý thuyết, thực hành gặp nhiều khó khăn. Những ngành nghề này, người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc mới có thể học được.
Giải pháp tạm thời
Để gỡ khó cho các môn học thực hành, các trường vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Theo PGS.TS Dương Đức Hồng, đối với trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội thực hành chiếm khoảng 60% thời lượng các môn học thì không thể tổ chức dạy online được vì phải cầm tay chỉ việc cho sinh viên trên các thiết bị tại các phòng thực hành của Nhà trường thì mới có kết quả.
Với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp như vậy, Ban Giám hiệu phải tìm giải pháp khắc phục với việc bắt đầu học kỳ 1 năm học 2021-2022 kết hợp với việc giải quyết nốt những nhiệm vụ, nội dung chưa hoàn thành của học kỳ 2 năm học 2020-2021.
Khi điều kiện chưa cho phép sinh viên đến trường thì tổ chức dạy online phần lý thuyết, đến thời điểm thích hợp cho sinh viên đến trường thì tập trung toàn bộ nhân lực vật lực dạy kết thúc cả phần thực hành còn lại của năm học trước và của cả kỳ 1 năm học mới, sau đó cho sinh viên thi học kỳ.
Với những kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian khó khăn vì dịch COVID-19 vừa qua, thời gian trước mắt Ban Giám hiệu nhận thấy vẫn phải luôn sẵn sàng có những giải pháp tình thế thích hợp ứng phó với dịch bệnh, kết hợp cả hình thức dạy online và dạy trực tiếp để đảm bảo kế hoạch và chất lượng đào tạo.
Để gỡ khó khó trong nội dung thực hành trong học nghề, chia sẻ với báo giới, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng: Cần có những thay đổi cho phù hợp mới có thể đạt được hiệu quả trong dạy nghề. Đặc biệt, không nên áp dụng nền tảng công nghệ, chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến. Các trường phải điều chỉnh chương trình cho phù hợp với cách học online.
Đồng thời, giáo viên phải thiết kế giáo trình, giáo án, học liệu số hóa phù hợp chứ không phải áp dụng nguyên giáo trình học trực tiếp sang học trực tuyến. Ngay cả phương pháp sư phạm dạy trực tuyến cũng phải đổi mới, khác với cách dạy trực tiếp.
“Theo đánh giá chủ quan, hiện nay, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn áp dụng cách dạy trực tiếp sang trực tuyến không mang lại hiệu quả cao cho đào tạo nghề. Các trường phải có phần mềm đào tạo chuyên biệt thích hợp. Chương trình đào tạo phải thực hiện trên nền tảng số mới mang lại hiệu quả trong dạy học trực tuyến” – ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.