Hàng năm, hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thường tập trung vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đối với người học nghề trình độ sơ cấp (3 tháng, dưới 6 tháng); vào cuối tháng 5 và tháng 6 đối với hệ trung cấp, cao đẳng dành cho nhóm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học văn hóa trung học phổ thông song song với học nghề (hệ 9+).
Đặc biệt, cuối tháng 7 và tháng 8 là thời kỳ cao điểm tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn con đường học nghề.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, những thời điểm “vàng” kể trên đều là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến việc tổ chức tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn.
Khó khăn trong việc tuyển sinh
Chị Trần Thị Kiều Linh (trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã xác định đăng ký học nghề nấu ăn, trình độ sơ cấp (SC) tại Trường cao đẳng nghề V. vào quý I năm 2020. Sau khi học nghề,sẽ mở cửa hàng ăn nhỏ. Nhưng dịch bệnh thế này, không biết bao giờ mới khai giảng khóa mới nên tôi phải chuyển sang làm công việc khác”.
Giống chị Kiều Linh, do ảnh hưởng dịch COVID-19, không ít người phải tạm gác kế hoạch học nghề để trực tiếp lao động kiếm sống. Anh Nguyễn Văn Minh (quê ở Hà Tĩnh, tạm trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). “Tôi muốn học về cơ khí nhưng hiện tôi đang nhận chuyển hàng cho một cơ sở kinh doanh gần nơi ở để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Khi nào cuộc sống ổn định hơn, có chút tiền tiết kiệm, tôi sẽ tính đến việc đi học trở lại".
PGS.TS Dương Đức Hồng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho biết, khi nhà trường bắt đầu triển khai việc bán hồ sơ tuyển sinh thì tình hình dịch tại Hà Nội bùng phát, khiến đợt tuyển sinh tháng 5 và tháng 7 rất khó khăn, bởi các thí sinh không đến trường mua hồ sơ và tìm hiểu thông tin trực tiếp tại trường.
"Sinh viên không thể đến trường nộp hồ sơ, việc thí sinh xin xác nhận của địa phương vào lý lịch cũng khó khăn do nhiều địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc hoàn thiện hồ sơ cũng bị chậm trễ.Khi có kết quả xét tuyển từng đợt, những thí sinh trúng tuyển cũng không thể đến trường nhận giấy báo nhập học và cũng không thể đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp được”, ông Ngọc nói.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Nhận định nhóm đối tượng này sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long kỳ vọng cơ hội tuyển sinh rộng mở. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhà trường.
Linh hoạt điều chỉnh kịp thời về cách thức tuyển sinh
Khó khăn là tình hình chung đối với hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay. Vì thế, nếu muốn tồn tại, đặc biệt khi cơ chế tự chủ càng ngày càng mạnh mẽ, buộc các trường phải thay đổi, thích ứng càng nhanh càng tốt.
Trong bối cảnh khó khăn đó, PGS.TS Dương Đức Hồng- Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho biết, trường phải có những điều chỉnh kịp thời về cách thức nộp hồ sơ, xét tuyển, thông báo trúng tuyển và nhập học cho sinh viên để phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, trên website của Nhà trường có một mục riêng dành cho tuyển sinh năm 2021 cung cấp đầy đủ những thông tin mà thí sinh cần biết về chỉ tiêu tuyển của từng nghề đào tạo, về các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao, về chương trình và kế hoạch học tập của 15 nghề đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội mà Nhà trường vừa ban hành tháng 7/2021; các thông báo của Hội đồng tuyển sinh về phương thức xét tuyển và kế hoạch xét tuyển, về cách nộp hồ sơ online, về việc thay đổi hình thức nhập học từ trực tiếp sang nhập học online.
Nhà trường còn thành lập ban tư vấn tuyển sinh để giải đáp trực tiếp qua hotline, điện thoại, website và fanpage các câu hỏi, băn khoăn của thí sinh liên quan đến tuyển sinh.
Sau từng đợt xét tuyển Nhà trường đã thông báo kịp thời điểm trúng tuyển của từng nghề, danh sách trúng tuyển và danh sách không trúng tuyển, gửi giấy báo nhập học cho các thí sinh trúng tuyển theo bưu điện; Thông báo cho sinh viên sau khi đã hoàn thành nhập học sẽ được Nhà trường gửi cho Giấy xác chứng nhận sinh viên và bộ sách giáo trình các môn học của học kỳ 1, thông báo lịch học Giáo dục công dân và kế hoạch học tập học kỳ 1 và phân công giáo viên chủ nhiệm các lớp.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội cũng chia sẻ, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội xác định thay đổi tư duy, thay đổi cách làm việc trong toàn trường, từ lãnh đạo, quản lý tới giáo viên, nhân viên cho phù hợp điều kiện mới.
"Quan trọng nhất lúc này là tăng cường chất lượng đào tạo, vì thế trường phải chỉnh sửa chương trình để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm 2/3 thời gian học sinh được học thực hành. Trường đang tiến hành xây dựng ngân hàng bài giảng, ngân hàng dữ liệu câu hỏi kiểm tra trực tuyến; trực tuyến kết hợp trực tiếp để trong bất cứ tình huống nào cũng chủ động truyền đạt được nhiều nhất kiến thức, kỹ năng cho học viên", ông Hùng nói.
Theo dõi diễn biến của thị trường lao động, bà Phạm Thị Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nhận thấy, trong tương lai gần, một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để có thêm cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Từ đó, trường đã điều chỉnh kế hoạch tư vấn, tuyển sinh. “Thay vì ưu tiên tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng, chúng tôi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp. Đối tượng chúng tôi hướng tới là người lao động mất việc làm, có nhu cầu đào tạo nghề”, bà Phạm Thị Hường cho hay.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"