Sức sống nơi đảo chìm
Đảo chìm ở quần đảo Trường Sa được nằm trên những bãi san hô cạn. Khi nước rút bãi san hô nhô lên rộng lớn, nhưng nước lên thì bốn bề lại mênh mông. Từ xa nhìn lại, những đảo chìm ở Trường Sa không khác gì những ngọn hải đăng giữa trùng khơi với cùng một kiến trúc nổi bật phía trên nóc của tòa nhà kiên cố là lá cờ đỏ sao vàng.
Do diện tích ở đảo chìm khá nhỏ nên mỗi khi có đoàn từ đất liền ra thăm, khách phải chia thành nhóm nhỏ để lên đảo. Đoàn nào lên đông thì chỉ ghé thăm đảo vài giờ rồi quay ra tàu luôn chứ không ở lại qua đêm được. Ai từng ở lại đảo chìm một đêm cùng các chiến sĩ mới cảm nhận được sự hy sinh, vất vả của những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.
Trên đảo thời tiết rất khắc nghiệt. Trong một không gian nhỏ hẹp, việc sinh hoạt của các chiến sĩ cũng rất khó khăn. Ví như bữa ăn, nếu tập hợp hết quân số trên đảo lại thì không đủ chỗ ngồi. Thức ăn phải chia nhau ra vài người ngồi ăn ngay trong phòng ngủ.
Mỗi khi trời mưa bão, sóng cao vài mét đổ vào đảo, các chiến sĩ phải đóng kín cửa bật điện để ăn cơm. Trò chuyện với nhau cũng phải hét lên để át tiếng sóng... Nhưng đảo nhỏ cũng có cái hay, anh em trên đảo chẳng may giận nhau mà cứ ra vào đụng mặt nhau, chẳng mấy lại làm lành...
Ngoài giờ canh gác, làm nhiệm vụ, quỹ thời gian thừa anh em chiến sĩ đọc sách, tập tạ, học đàn hay làm hoa ốc biển. Đảo nhỏ vậy nhưng anh em chiến sĩ các đảo đều nuôi 1 đàn chó để bầu bạn. Chăm sóc vườn rau để tăng gia..
Binh nhì Nguyễn Văn Thành (quê Cam Ranh, Khánh Hòa) ở đảo Đá Lớn B cho biết, trước đây vào mùa khô, để tiết kiệm nguồn nước ngọt trên đảo, các chiến sĩ phải tắm nước biển rồi đứng vào chậu để tráng lại chút nước ngọt cho hết mặn, sau đó đổ nước đó vào thùng chứa để dành tưới cho rau. Nước vo gạo còn dùng để rửa rau rồi dùng để tưới...
Mỗi khi trời nổi dông, anh em lại gọi nhau dọn vệ sinh những vị trí trống ở mái hiên để mắc vòi hứng nước, để riêng vào thùng chờ lắng xuống lấy phần nước phía trên sinh hoạt. Mùa mưa thì bình quân 2 ngày tắm một lần, còn mùa khô thì 4 ngày mới dám tắm. Buổi sáng đánh răng, rửa mặt chỉ với một ca nước… Giờ thì đỡ hơn vì một số đảo đã được đầu tư xây bể chứa nước ngọt.
Rau xanh được trồng trong hộp xốp, thùng gỗ đặt trên những diện tích trống được quây lại cẩn thận. Hạt giống từ đất liền cũng được kén chọn để thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài đảo. Khách đến thăm đảo được đãi rau như là món đặc sản. Còn bữa cơm hàng ngày của anh em, rau xanh chỉ xuất hiện chút ít trong món “canh đại dương”.
Sống trong thời tiết khắc nghiệt và hoàn cảnh như vậy nhưng tinh thần và ý chí của những người lính luôn vững vàng. Họ luôn chắc tay súng hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của tổ quốc. Nhiều chiến sĩ chia sẻ, hiện nay cuộc sống ở đảo chìm dù còn khó khăn nhưng được sự quan tâm của các cấp ngành nên đang từng ngày được cải thiện tốt hơn.
Đảo Sinh Tồn |
Màu xanh nơi đảo nổi
Nhiều tài liệu ghi nhận ở vùng biển quần đảo Trường Sa hàng năm có đến 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Ở các đảo nổi, sinh trưởng của thực vật rất khó khăn vì đất cằn cỗi, thiếu nước ngọt, gió mạnh, hơi nước mặn… Thế nhưng giờ đây ai ra Trường Sa cũng có thể thấy một màu xanh căng tràn trên các đảo nổi. Từ xa có thể thấy thấp thoáng trong màu xanh của cây bàng vuông, phong ba… là những mái nhà kiên cố.
Đoàn chúng tôi may mắn được đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông và đảo Sinh Tồn, không gian ở chẳng khác nào như đang ở đất liền. Những con đường bê tông sạch sẽ rợp bóng cây xanh. Dưới bóng cây còn có thể bắt gặp những chú bò, đàn lợn đang nằm nghỉ.
Bây giờ, việc chăn nuôi để cải thiện đời sống đã là chuyện thường ở đảo. Đảo chìm còn nuôi được chó, lợn, gà, vịt thì ở đảo nổi việc bắt gặp những vật nuôi như vậy chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng thú vị nhất là sáng tinh mơ, bên cạnh tiếng kẻng báo thức còn có cả tiếng gà gáy sáng... Điều đó khiến người ta có cảm giác nhưng mình đang ở một làng quê yên bình trên đất Việt.
Ở một số đảo nổi trên quần Đảo Trường Sa có các hộ dân sinh sống. Cuộc sống của họ hết sức bình dị, ngày ngày chồng đi đánh cá, vợ ở nhà trông con, trồng rau, nội trợ. Anh Nguyễn Văn Lượng (SN 1977, người dân trên đảo Sinh Tồn) cho biết:
“Sống ở đây chẳng khác gì trên đất liền cả. Ngoài tình làng xóm láng giềng, bộ đội với người dân trên đảo cũng rất gắn bó. Những lúc gia đình gặp khó khăn, bộ đội đều sẵn lòng giúp đỡ nhiệt tình. Ngược lại, chúng tôi đánh được nhiều cá cũng gửi bộ đội cải thiện bữa ăn”. Chính từ những hành động, việc làm ấm áp ấy mà tình quân dân ở Trường Sa càng trở nên thắm thiết.
Đưa chúng tôi vào thăm nhà, anh Lượng chia sẻ: “Trên đảo cũng có tivi để giải trí và thường xuyên cập nhật tình hình ở đất liền. Tủ lạnh dùng để trữ thức ăn và làm mát nước uống. Các gia đình ở đây nhà nào cũng có vườn trồng rau, nuôi gà để phục vụ cuộc sống gia đình”.
Chiều dạo quanh đảo nổi Sinh Tồn, qua khu thể thao thấy tiếng cười đùa rộn vang của những chàng lính trẻ. Lính đảo Sinh Tồn chiều nào cũng hò nhau tranh tài ở các bộ môn bóng đá, bóng chuyền. Ai không chơi bóng đá, bóng chuyền thì tập tạ, chơi cờ… Không riêng ở đây, mà tất cả các đảo nổi ở Trường Sa các chiến sĩ cũng hăng say tập luyện thể thao với tinh thần “khỏe để bảo vệ tổ quốc”.
Đời sống văn hóa, văn nghệ ở Trường Sa bây giờ cũng đã khác xưa, phương tiện nghe nhìn như ti vi, dàn máy karaoke đã được phủ đều khắp các đảo. Đêm ở lại đảo Sinh Tồn, đoàn công tác được giao lưu văn nghệ với quân và dân trên đảo. Chúng tôi đã được nghe anh em hát những bài tình ca lính đảo bày tỏ tình cảm thiết tha với đất liền.
Được biết, ngoài chăm lo thể thao, văn nghệ, hiện nay giáo dục và sinh hoạt của người dân cũng được chăm lo chu đáo. Ở các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa đều có hệ thống trường học, khu vui chơi cho trẻ em.
Bên cạnh đó, điện gió, điện mặt trời, hệ thống bể chứa nước mưa, giếng đào... cũng được Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên đảo.
Ngoài ra, trên các đảo, điều kiện về y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm. Đội ngũ y, bác sĩ và thiết bị kỹ thuật tại đây đáp ứng đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho quân, dân, ngư dân và công nhân xây dựng trên đảo. Nếu có trường hợp bệnh phức tạp, Trạm xin lệnh chuyển viện điều trị để đưa bệnh nhân vào đất liền bằng trực thăng hoặc tàu.
Điểm chung khi ra thăm đảo các đảo là đoàn công tác nhận được rất nhiều tình cảm của chiến sĩ cũng như các hộ dân. Khách đến được thiết đãi bằng những tấm chân tình, ra về tiễn chân bằng sự lưu luyến.
Hành trang mang về đất liền của đoàn là cảm xúc khó tả về những người lính Hải quân - những người nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng hy sinh thân mình và hạnh phúc cá nhân để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với những người lính, họ luôn tâm niệm “đảo là nhà, biển cả là quê hương”...
(còn nữa)