Trường Sa giữa sân trường

(PLVN) - Với mong muốn giúp các em học sinh hiểu hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, một ngôi trường cấp hai ở Nghệ An đã xây dựng cột mốc Trường Sa trong sân trường. Song song với đó, trường còn đặt tên lớp theo các quần đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa như: An Bang, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tốc Tan, Cô Lin, Tiên Nữ, Gạc Ma…
Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong sân trường Kim Liên được khánh thành trong năm học 2015-2016.
Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong sân trường Kim Liên được khánh thành trong năm học 2015-2016.

Trường Sa không xa

Sẽ nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh

Mới đây, đại diện Tỉnh Đoàn Nghệ An đã đến thăm và tặng giấy khen cho liên đội Trường THCS Kim Liên vì mô hình đặt tên các chi đội theo tên các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa. Tại buổi thăm, đoàn đã được nghe học sinh thuyết minh về cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, về thông tin của các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa. “Ở mỗi lớp học, các bạn học sinh đều thuộc về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, vai trò của điểm đảo và bày tỏ tình yêu với biển đảo, với quân và dân Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là một mô hình được chúng tôi xác định sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh trong thời gian tới”, anh Lê Văn Lương, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết. 

Nhắc đến xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), mọi người sẽ nghĩ ngay đến quê hương Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xã Kim Liên còn được biết đến với ngôi trường cấp hai có nhiều điểm đặc biệt. Trong khuôn viên sân trường THCS Kim Liên là cột mốc chủ quyền Trường Sa sừng sững cao 4,9m; mỗi cạnh gắn sao vàng, hình trống đồng, ghi rõ kinh độ, vĩ độ và thông tin về lịch sử quần đảo.

Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên chia sẻ, nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, vùng trời và biển đảo Việt Nam cho các học sinh bằng mô hình trực quan sinh động, thầy đã nảy sinh ý tưởng trên. Sau khi được các cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, Ban Giám hiệu vận động các doanh nghiệp hỗ trợ và tổ chức quyên góp từ giáo viên, học sinh toàn trường để xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Quá trình xây dựng cộc mốc nhà trường gặp nhiều khó khăn. Lý do, các giáo viên trong trường chưa một lần đến Trường Sa nên không biết hình dáng cột mốc như thế nào. Do vậy, trước khi bắt tay vào xây dựng, các thầy cô dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin, hình dáng cột mốc Trường Sa. Sau đó phác thảo theo màu sắc, hoa văn nguyên mẫu cột mốc tại huyện đảo Trường Sa được làm bằng bêtông cốt thép. Sau quá trình thi công, cột mốc chủ quyền Trường Sa được khánh thành trong năm học 2015-2016 với chi phí 40 triệu đồng.

Đây cũng là thời điểm “nóng” về vấn đề chủ quyền biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên các phương tiện truyền thông. Do đó, việc trường khánh thành cột mốc Trường Sa phần nào giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về biển đảo Việt Nam. 

Thầy Nguyễn Vương Linh chia sẻ về ý nghĩa và quá trình xây dựng cột mốc Trường Sa trong sân trường.
Thầy Nguyễn Vương Linh chia sẻ về ý nghĩa và quá trình xây dựng cột mốc Trường Sa trong sân trường.

Song song với xây cột mốc Trường Sa, trường còn thành lập Câu lạc bộ “Em yêu biển đảo” và đặt tên các chi đội lớp bằng tên các hòn đảo. “Công trình là niềm tự hào với học sinh và giáo viên trường. Giây phút lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc Trường Sa giữa sân trường, mọi học sinh và các thầy cô đều cảm thấy phấn chấn, thêm yêu Tổ quốc”, thầy Linh chia sẻ. 

Kể từ khi hoàn thành công trình cột mốc, trong các buổi sinh hoạt sáng thứ Hai hàng tuần, trường đều tổ chức các cuộc thi nhỏ tìm hiểu về chủ quyền biển đảo với sự tham gia sôi nổi của học sinh. Với các em, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những hòn đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc không còn xa mà hiện diện ngay trong không gian nhà trường.

Chưa hết, để học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo, vào các dịp lễ quan trọng của đất nước, nhà trường còn mời các cán bộ, chiến sĩ quân đội về giao lưu, kể chuyện biển đảo, chuyện Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Được nghe các chú bộ đội kể lại khó khăn và niềm tự hào của những người lính khi góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng trời cho đất nước, chúng em càng thêm yêu Tổ quốc, trân trọng những hy sinh đóng góp của các chú bộ đội ngoài đảo xa”, một học sinh cho biết.

Đại diện Liên đội trường THCS Kim Liên nhận giấy khen của Tỉnh Đoàn Nghệ An. (Ảnh: VnExpress.net)
 Đại diện Liên đội trường THCS Kim Liên nhận giấy khen của Tỉnh Đoàn Nghệ An. (Ảnh: VnExpress.net)

Lớp học đặt tên theo các hòn đảo

Có mặt tại chi đội Hoàng Sa vào tiết học môn Giáo dục Công dân, mới thấy được sự sôi nổi, hiểu biết của học sinh Trường THCS Kim Liên về lịch sử quần đảo Hoàng Sa. Khi được giáo viên đặt câu hỏi liên quan biển đảo, các em đều hào hứng phát biểu, tranh luận. Cô giáo đặt nhiều câu hỏi: Các em biết vì sao lớp mình mang tên đảo Hoàng Sa? Tết Nguyên đán sắp đến, các em có nhắn gửi gì các chú bộ đội đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc? Là học sinh, các em làm gì để thể hiện tình yêu biển đảo?... Sau mỗi câu hỏi, cả một rừng cánh tay giơ lên xin trả lời về vị trí địa lý, lịch sử các hòn đảo, cảm nghĩ mỗi học sinh. Sau phần trả lời của các em, cô giáo còn gợi mở cho học sinh nhiều vấn đề mang tính thời sự liên quan bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Những hoạt động thiết thực này đã tác động rất lớn đến học sinh trong trường. Em Nguyễn Thị Thùy Dương, học sinh lớp “đảo Hoàng Sa”, nói: “Trước đây em chỉ biết qua sách báo và lời kể của thầy cô giáo, nay em đã có thể nhìn và hình dung cột mốc Trường Sa ngay từ sân trường. Mỗi ngày đến trường, chúng em lại thấy cột mốc chủ quyền Trường Sa nằm trong trường. Biển đảo như gần với chúng em hơn. Kể từ ngày lớp em được đặt tên “đảo Hoàng Sa”, em và các bạn trong lớp đã có thể tự tin giới thiệu với mọi người về vị trí địa lý, các đặc điểm nổi bật của hòn đảo thiêng liêng”.

Các học sinh trong chi đội Hoàng Sa hào hứng với tên gọi của lớp mình.
Các học sinh trong chi đội Hoàng Sa hào hứng với tên gọi của lớp mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thương cho biết, cách làm của trường được học sinh cảm thấy thích thú và hưởng ứng nhiệt tình. Trong các tiết học ngoại khóa, trường còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, hay viết thư gửi các chiến sĩ đang công tác trên các quần đảo Trường Sa. “Những cái tên biển đảo không chỉ gợi lên tình cảm của học sinh với Tổ quốc, quê hương. Đây cũng là cách giúp các em bổ sung kiến thức địa lý, kiến thức lịch sử Việt Nam”.

Không những phục vụ học sinnh trong trường, cột mốc quần đảo Trường Sa cũng là điểm đến cho các trường học khác về đây tham quan, học tập như Trường THCS Diễn Hải (huyện Diễn Châu), hay Trường THCS Lý Tự Trọng (Lào Cai)…

Được biết, mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn là công trình đầu tiên được xây dựng tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều ý kiến cho rằng công trình tuy nhỏ nhưng vô cùng to lớn về mặt ý nghĩa; đã góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm của các em học sinh trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Kết nối truyền thống và hiện tại

Trước đó, công trình mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng được khởi công xây dựng tháng 8/2016 và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989-6/12/2016).

Công trình được xây dựng theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn (tỉnh Khánh Hòa), là công trình vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite, các chữ trên cột được làm nổi bằng chất liệu alu đồng. 

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Dương, công trình mang ý nghĩa như một sự kết nối giữa truyền thống hào hùng của quê hương trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm với tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hôm nay.

Đọc thêm