Bà cụ giận con đốt nhà rồi bỏ đi
Tháng 8/2013, lệnh truy nã đối tượng bà Võ Thị Ánh Nguyệt (SN 1940, HKTT phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) được chuyển về PC52. Trong hồ sơ, đối tượng bị truy tố vì tội “hủy hoại tài sản”. Do mâu thuẫn với con gái, cụ bà đã đốt nhà rồi bỏ đi, không xác định được tung tích.
Xác minh nhân thân, được biết cụ bà này có đến 4 - 5 người con, nhưng sau khi gây án, không ở với người nào mà đi bán vé số rồi sống lang thang khắp nơi, hành tung khó xác định. Những người bán rong, xe ôm nhiều tuyến đường thuộc phường Bình Trị Đông và phường Bình Trị Đông A cho biết thỉnh thoảng họ có thấy bà già dáng người nhỏ nhắn, tóc bạc đi bán vé số. Tuy nhiên bà cụ này không đi theo tuyến nhất định, nay thấy bán ở đây, mai bán chỗ khác. Vài tuần, có khi cả nửa tháng mới thấy quay lại một lần.
Mất nhiều ngày lần theo đôi chân “vạn dặm” của bà lão, cuối cùng trinh sát cũng xác định được chỗ ở của đối tượng. Thì ra sau một thời gian lang thang khắp nơi, bà Nguyệt xin được một gia đình ở phường Bình Trị Đông A cho căng tấm bạt trước vỉa hè nhà họ. Ở đó bà treo một chiếc võng, đó là “mái nhà” nơi bà ngả lưng mỗi tối.
Đã “định vị” được địa điểm, trinh sát PC52 lên kế hoạch bắt đối tượng về quy án. Cảnh sát nhận định tuổi đã cao, buổi trưa thế nào bà Nguyệt cũng phải về nghỉ. Trưa ngày 28/8, trinh sát đến địa điểm trên thì thấy bà cụ tóc bạc phơ đang nằm ngủ trên võng.
Xác định đối tượng trên chính là Võ Thị Anh Nguyệt, PC52 liên hệ với công an khu vực đề nghị hỗ trợ. Anh này cho biết đang ở xa, mấy tiếng đồng hồ sau mới về đến nơi. Trinh sát quyết định chờ. Để chắc chắn, anh ngồi quán cà phê vỉa hè quan sát tránh mất dấu, đề phòng đối tượng di chuyển.
Đó là một cuộc bắt truy nã đáng nhớ. Hình ảnh cảnh sát đối mặt không phải là đối tượng bặm trợn lì lợm, mà chỉ là một cụ bà gầy yếu, tóc bạc trắng, nằm co ro trên chiếc võng cũ. “Mái nhà” của bà chỉ là một tấm bạt rộng bằng chiếc chiếu, “gia tài” là một túi nilon treo vài bộ quần áo, một túi khác treo một chiếc xoong vài cái chén. Nghĩ đến bà lão kia cũng khoảng bằng tuổi cha mẹ mình, nhưng già cả không nhà cửa, sống cảnh màn trời chiếu đất, ở tuổi thất thập cổ lai hi hàng ngày vẫn phải vất vả kiếm miếng ăn, anh cảm thấy xót xa.
Có lẽ ngày hôm ấy bị mệt, bà Nguyệt không đi bán vé số buổi chiều mà cứ nằm thiêm thiếp ngủ. Mỗi giờ trôi qua, nhìn dáng ngủ khổ sở của bà cụ, mỗi lúc anh cảm thấy nặng nề.
Trinh sát kể lại: “Có lúc tôi nghĩ, hay quay về, không bắt nữa. Nhưng một phần đó là nhiệm vụ, phần nữa đã có lệnh truy nã. Và cuối cùng nghĩ đến việc nên đưa bà lão về quy án vì vừa để bà “xong tội”, vừa vì ở trại giam còn không khổ sở như lang thang vỉa hè kiếm miếng ăn; nên cuối cùng tôi quyết định bắt”. Vấn đề là cố gắng làm cách nào để bà cảm thấy nhẹ nhàng nhất.
Người trốn nã… vui vẻ về đồn
Mãi đến 16h, công an khu vực mới về đến. Trời đổ mưa to, cả hai anh công an chạy đến xin trú mưa dưới tấm bạt. Bà cụ niềm nở chia sẻ “mái nhà” của mình với những người khách lạ. Một lúc sau trinh sát mới mở lời, hỏi: “Cô có phải cô Ánh Nguyệt không? Con nghe nói đến việc cô có mâu thuẫn với con gái, con là công an, mời cô về phường nói chuyện được không?”.
Nghe thấy có người nói đến nỗi ấm ức bấy lâu của mình, bà cụ… vui vẻ lên xe để trinh sát chở về công an phường. Trinh sát truy nã chia sẻ: “Về nguyên tắc, khi phát hiện đối tượng truy nã, để tránh đối tượng manh động chống cự hoặc tìm đường chạy trốn, tôi có thể còng tay. Tuy nhiên, bà cụ này đã già cả, tôi không nỡ, nên chỉ mời về nói chuyện”.
Về trụ sở, bao nhiêu dồn nén, bức xúc, buồn bã bao ngày mới có người chịu lắng nghe, bà cụ “xả” ra hết.Theo bà Nguyệt trình bày, bà có một ngôi nhà ở phường Bình Trị Đông. Trước đây bà ở một mình, sau đó cho con gái ở cùng.
Từ đây mẹ con bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Mỗi lần hai bên to tiếng, người con gái liên tục mắng chửi, đuổi bà đi khỏi nhà. Một lần bị con đuổi, bà đi 2 - 3 ngày mới về. Về đến nhà, bà vừa nằm xuống chiếc ghế bố thiu thiu ngủ thì người con gái cầm chân lôi dậy: “Bà về đây làm gì, biến đi”.
|
Quyết định truy nã bà cụ đốt nhà con |
Bị con cái đối xử bất hiếu, bà Nguyệt giận dữ. Buổi trưa con và cháu ngủ, bà lọ mọ đi ra cây xăng, mua 50 ngàn xăng về tẩm vào cái đệm mình vẫn nằm, còn lại đổ khắp nhà châm lửa đốt. Có người phát hiện kịp thời nên những người trong nhà đều kịp thoát ra, nhưng tất cả xe máy và nhiều đồ đạc có giá trị trong nhà đã theo “bà Hỏa” ra đi.
Sau khi đốt nhà, bà Nguyệt bỏ nhà đi lang thang, ngày đi bán vé số kiếm sống, tối gặp đâu ngủ đó. Bà cụ kể, mới đầu bà ngủ gầm cầu nhưng “đất chật người đông” , gầm cầu là nơi nhiều bọn nghiện, trộm, cướp cũng thường lựa chọn làm nơi tá túc nên “an ninh không đảm bảo”.
Bà chuyển vào phố, nằm ngủ ở vỉa hè, song nhiều đêm mưa ướt như chuột lột phải đứng cả đêm không có chỗ nằm. Rồi nghe người ta mách, buổi tối bà xin vào chùa ngủ nhờ, nhưng nhiều khi thấy cô quạnh quá bà lại tìm về vỉa hè ngủ. Cuối cùng một gia đình tốt bụng cho bà căng tấm bạt trước cửa nhà họ làm nơi che nắng che mưa, còn cho bà cả nước để dùng.
Khi trinh sát thắc mắc, bà có nhiều con thế, giận đứa này sao không về nhà đứa khác mà phải lang thang ngủ đường ngủ chợ? Bà cụ thở dài: “Đứa nào nó cũng có gia đình, vợ con của nó phải lo, hơi đâu nó dành thời gian cho bà già này”.
Điều đặc biệt là sau khi đốt nhà xong, bà Nguyệt bỏ đi, lại trình độ pháp luật hạn chế, không hề biết rằng mình đốt nhà là có tội. Bà càng không biết mình bị truy nã. Khi nhìn thấy lệnh truy nã có dán ảnh mình, bà cụ gào khóc thảm thiết: “Con tôi nó cướp nhà tôi, mấy chú không bắt nó đi mà lại bắt tôi”.
Rồi bà chửi, xông vào đánh cả trinh sát. Anh đứng lặng để mặc cụ bà cào cấu, đợi bà cụ nguôi giận mới giải thích nhẹ nhàng. Nhớ lại chuyện cũ, anh buồn bã: “Những lần khác lần tìm được đối tượng trốn nã, bắt họ về quy án là tôi thấy nhẹ cả người, sao lần này thấy nặng trĩu trong lòng. Bà cụ sai cái lý thì bị pháp luật trừng trị, nhưng đúng là vụ án này thấy lẩn khuất cái tình. Con cái đối xử bất hiếu với người có công sinh thành nuôi dưỡng mình như vậy, pháp luật nào xử họ, cảnh sát nào có quyền “truy nã” họ đây?”.